Tóm tắt lịch sử

 

TÓM TẮT LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG NGÀNH CHÍNH SÁCH QUÂN ĐỘI
(1947 – 2014) 


            I. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH NGÀNH CHÍNH SÁCH QUÂN ĐỘI

Sau ngày thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (22/12/1944), cao trào cách mạng đã phát triển rộng khắp trong cả nước với đỉnh cao là cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng Tháng 8 năm 1945, Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Nhà nước công nông đầu tiên ở khu vực Đông nam Châu Á ra đời. Để bảo vệ chính quyền nhân dân, bảo vệ thành quả cách mạng, chuẩn bị kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, LLVT nhân dân đã phát triển nhanh chóng trong cả nước. Tình hình đó đặt ra đòi hỏi khách quan là cần phải có một cơ quan chuyên trách thực hiện Công tác chính sách trong quân đội.

Theo đề nghị của Hội nghị toàn quốc các Chính trị uỷ viên khu và Chính trị viên Trung đoàn Quân đội quốc gia Việt Nam, ngày 26/2/1947, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 240/CP thành lập Phòng Thương binh thuộc Chính trị Cục (sau này là Tổng cục Chính trị), Ban Thương binh ở các khu để chuyên trách theo dõi, chỉ đạo công tác thương binh, liệt sĩ trong lực lượng vũ trang. Đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử đánh dấu sự ra đời về mặt tổ chức của hệ thống ngành Chính sách quân đội, đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tổng cục Chính trị và cơ quan chính trị các cấp. Phòng Thương binh thuộc Chính trị Cục là cơ quan chỉ đạo công tác thương binh, liệt sĩ, công tác chính sách đầu tiên trong quân đội.

Ngày 31 tháng 12 năm 1996, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Quyết định số 2448/QĐ-QP, lấy ngày 26/02/1947 là ngày truyền thống Ngành Chính sách quân đội.

Gần 70 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, mà thường xuyên trực tiếp là Tổng cục Chính trị, sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các đơn vị, địa phương và nhân dân cả nước, Ngành Chính sách quân đội đã góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện chính sách, bảo đảm đời sống của bộ đội, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, góp phần thực hiện tốt các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với quân đội và hậu phương quân đội. Ngành Chính sách quân đội đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, chủ động nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Đảng và Nhà nước ban hành các chế độ, chính sách, kịp thời động viên tinh thần, bảo đảm đời sống vật chất đối với bộ đội và gia đình bộ đội ở hậu phương, tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần vào quá trình xây dựng, trưởng thành, chiến đấu và chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam.

II. QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN VÀ THÀNH TÍCH QUA CÁC THỜI KỲ

1. Công tác chính sách trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954)

Ngay sau khi được thành lập, Phòng Thương binh thuộc Chính trị Cục và Ban Thương binh các khu đã chủ động, tích cực làm tốt công tác thương binh liệt sĩ, với nhiều hình thức sáng tạo, gây dựng được phong trào cả nước ủng hộ thương binh; đề xuất và tổ chức tốt Lễ phát động ngày thương binh toàn quốc, vận động toàn dân chăm sóc thương binh và gia đình liệt sĩ (ngày 27/7/1947 tại xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên). Từ đó, ngày 27/7 hàng năm được lấy là ngày thương binh liệt sĩ.

Các mặt công tác chính sách được hình thành và phát triển đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển, chiến đấu và chiến thắng vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam. Chính sách cung cấp đảm bảo mức sinh hoạt cần thiết tối thiểu cho cán bộ, chiến sỹ. Công tác thương binh, tử sĩ là một mặt hoạt động rất quan trọng, góp phần giữ vững tinh thần chiến đấu của bộ đội. Chính sách khen thưởng, động viên, cổ vũ kháng chiến, nâng cao chí khí chiến đấu của quân và dân, ấn định các hình thức khen thưởng, tuyên dương công trạng, đặt Bảng vàng danh dự và Gia đình vẻ vang, trao cờ “Quyết chiến, quyết thắng” cho quân đội. Công tác chính sách hậu phương quân đội ngày càng phát triển và trở thành một mặt quan trọng của công tác chính sách. Nhiều cuộc vận động quyên góp nuôi dưỡng bộ đội, ủng hộ kháng chiến đã trở thành phong trào sâu rộng trong nhân dân như quỹ độc lập, quỹ đảm phụ giải phóng, Hội mẹ chiến sĩ, phong trào mùa đông binh sĩ.

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, mặc dù hoàn cảnh với muôn vàn khó khăn, nhưng Đảng và Nhà nước đã quan tâm giải quyết chính sách và công tác chính sách. Là một bộ phận của công tác chính trị trong quân đội, công tác chính sách đã hình thành và từng bước phát huy hiệu quả tích cực góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

2. Công tác chính sách trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975)

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, công tác chính sách được Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng đặt thành một nội dung hoạt động lớn với những bước phát triển mới cả về công tác nghiên cứu, đề xuất ban hành và công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Đã xác định cụ thể hơn và tập trung nghiên cứu, đề xuất ban hành các chế độ, chính sách đối với lực lượng vũ trang nói chung, các lực lượng chiến đấu và phục vụ chiến đấu; chính sách hậu phương quân đội, công tác tổ chức thực hiện đã có những hình thức, biện pháp thích hợp. Hệ thống cơ quan chính sách chuyên trách từ Bộ Quốc phòng đến các Quân khu, đơn vị, các cơ quan quân sự địa phương được thành lập (ngày 21/11/1967, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 117-QĐ/QP, thành lập Cục Chính sách thuộc Tổng cục Chính trị), qua từng năm được củng cố cả về số lượng, cơ cấu và chất lượng, đáp ứng kịp thời yêu cầu cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam, chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ, bảo vệ miền Bắc; các mặt công tác chính sách đạt hiệu quả tích cực với nhiều thành tích to lớn.

a) Sau ngày hiệp định Giơnevơ được ký kết, một nửa đất nước được hoà bình, công tác chính sách tiếp tục biểu dương truyền thống kháng chiến, giải quyết chính sách sau kháng chiến, thực hiện các điều lệ ưu đãi phục vụ yêu cầu xây dựng quân đội

Thực hiện các chính sách ưu đãi đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình quân nhân: ưu đãi thương binh, thanh niên xung phong, dân quân, du kích bị thương; ưu đãi gia đình liệt sĩ, ưu đãi gia đình quân nhân; ưu đãi quân nhân phục viên. Các đơn vị quân đội phối hợp với các địa phương tiếp tục giải quyết chính sách đối với quân nhân hy sinh, mất tin; thực hiện chính sách chăm sóc đời sống thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ. Tích cực chuẩn bị và triển khai thực hiện: chế độ nghĩa vụ quân sự, chế độ quân hàm, chế độ tiền lương, chế độ khen thưởng. Công tác khen thưởng đã Ban hành nhiều Huân, Huy chương như: Huân chương Quân giải phóng, Huân Huy chương Chiến thắng. Khen thưởng động viên phong trào thi đua xây dựng quân đội.

b) Trong hoàn cảnh đất nước còn tạm thời bị chia cắt, nhiệm vụ đấu tranh giải phóng miền Nam chưa hoàn thành, cùng với cả nước, Ngành Chính sách quân đội đã tích cực giải quyết chính sách B, C, chính sách động viên thời chiến, chiến đấu và phục vụ chiến đấu

Theo yêu cầu nhiệm vụ, từ năm 1961 chính sách B, C được thực hiện với cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ ở chiến trường B, C và đối với gia đình ở hậu phương. Tổng cục Chính trị giao cho Cục Chính sách tổ chức thực hiện từ năm 1967. Tiếp tục bổ sung thực hiện chính sách phục vụ yêu cầu xây dựng lực lượng, sẵn sàng chiến đấu: chính sách đối với DQTV, QNDB trong huấn luyện và SSCĐ; chính sách đối với gia đình quân nhân trong kháng chiến…Với nhiều hình thức khen thưởng và nhiều danh hiệu thi đua phong phú cả ở miền Bắc và miền Nam đã cổ vũ ngày càng mạnh mẽ phong trào thi đua “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Hệ thống cơ quan chính sách ở các Quân khu và cơ quan quân sự địa phương được tổ chức, tăng cường biên chế đã giúp lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong chỉ đạo và thực hiện chính sách cả ở tiền tuyến và hậu phương. Các chính sách đối với gia đình có người làm nhiệm vụ ở chiến trường B, C; gia đình quân nhân trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã góp phần quan trọng động viên tiền tuyến hăng hái chiến đấu và cổ vũ hậu phương tập trung toàn lực “Tất cả vì miền Nam thân yêu” quyết tâm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

c) Đã tập trung chỉ đạo, tăng cường thực hiện tốt chính sách thương binh, liệt sĩ cả ở tiền tuyến và hậu phương

Chính sách ưu đãi đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình quân nhân được sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu của cuộc kháng chiến. Năm 1972, Trung ương Đảng ra Chỉ thị tăng cường lãnh đạo chấp hành chính sách thương binh, liệt sĩ, chính sách đối với gia đình bộ đội. Chính phủ đã ban hành và bổ sung nhiều chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ nhằm tiếp tục tạo điều kiện giúp đỡ thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ ổn định đời sống. Lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong quân đội thường xuyên chỉ đạo việc chấp hành chính sách thương binh, liệt sĩ; bảo đảm chấp hành đầy đủ chính sách thương binh, liệt sĩ trong chiến đấu. Ở hậu phương, công tác tiếp nhận, thu dung, điều trị, nuôi dưỡng, sắp xếp việc làm cho thương binh sau khi ổn định vết thương được triển khai tích cực với nhiều hình thức thích hợp. Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị thường xuyên tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo bổ sung cơ sở vật chất, trang bị phục vụ đời sống bộ đội.

d) Tăng cường chỉ đạo công tác thi đua khen thưởng, động viên phong trào thi đua “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”

Nội dung, hình thức, quy mô công tác thi đua khen thưởng có những phát triển mới, kịp thời cổ vũ động viên phong trào thi đua giành thắng lợi quyết định. Nhà nước đã tặng thưởng Huân chương Sao vàng cho LLVT nhân dân, khen thưởng gần 20 vạn Huân chương Quân công và Huân chương chiến công các loại cho các tập thể và cá nhân. 100% Quân khu, Quân chủng, Binh chủng đều được khen thưởng. 1.233 đơn vị và cán bộ, chiến sỹ được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (gồm 777 đơn vị, 456 cán bộ, chiến sỹ), gấp 6 lần tuyên dương thành tích trong kháng chiến chống Pháp.

Những thành công của công tác chính sách quân đội trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước càng khẳng định và làm sáng tỏ quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội mạnh là nhờ giáo dục khéo, nhờ chính sách đúng và nhờ kỷ luật nghiêm”.

3. Công tác chính sách trong thời kỳ đầu khôi phục đất nước (1975 - 1985)

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước hoà bình, thống nhất, độc lập, Ngành Chính sách quân đội đã tập trung phục vụ chủ trương giải quyết những vấn đề tồn đọng về chính sách sau các cuộc chiến tranh, phục vụ cho nhiệm vụ quốc tế ở Lào, Campuchia và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, phục vụ nhiệm vụ xây dựng quân đội chính quy, đồng thời đẩy mạnh công tác hậu phương quân đội trong giai đoạn mới.

a) Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về tuyên dương công trạng, khen thưởng thành tích của quân và dân trong kháng chiến chống Mỹ, tập trung giải quyết những vấn đề tồn đọng về chính sách sau chiến tranh và thực hiện chủ trương phục viên, chuyển ngành sau chiến tranh

Bộ Quốc phòng trình Nhà nước tuyên dương công trạng và trao tặng Huân chương Sao vàng lần thứ 2 cho Quân đội nhân dân Việt Nam (năm 1979); tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhiều đợt (tháng 1/1976, 10/1976, 11/1978, 12/1979); chỉ đạo hoàn thành khen thưởng gia đình quân nhân (năm 1980).

Các đơn vị, các chiến trường tiếp tục bình xét thi đua, đề đạt các hình thức khen thưởng Huân chương, Huy chương, Huy hiệu… với số lượng lớn, tiếp nhận khen thưởng của Nhà nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào. Tổng cục Chính trị mở cuộc vận động thi đua “Phát huy bản chất tốt đẹp, nâng cao sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang nhân dân”. Bộ Quốc phòng tổ chức Hội đồng thi đua cấp Bộ, Cục Chính sách được chỉ định tham gia Ban Thư ký Hội đồng. Thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ, Chỉ thị của Bộ Quốc phòng; Tổng cục Chính trị đã chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với Bộ tổng Tham mưu và các cơ quan chức năng giải quyết những tồn đọng về chính sách sau các cuộc chiến tranh: xác minh, kết luận, báo tử hàng chục vạn liệt sĩ; cất bốc, quy tập mộ liệt sĩ theo địa bàn được phân công ở vùng rừng núi, biên giới, hải đảo, vùng khó khăn gian khổ; thực hiện chính sách với số lượng lớn quân nhân phục viên, các đối tượng chuyển ra ngoài quân đội.

b) Tiếp tục bổ sung chính sách, chế độ đối với quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam công tác ở Campuchia

Cục Chính sách đã giúp Đảng uỷ Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng trình Ban Bí thư Trung ương Đảng, Hội đồng Bộ trưởng quy định về chính sách đối với cán bộ, chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam và chuyên gia chiến đấu, công tác ở Campuchia. Quân uỷ Trung ương, Tổng cục Chính trị đã ban hành nhiều Chỉ thị lãnh đạo tăng cường chấp hành công tác thương binh, liệt sĩ trong chiến đấu. Các Quân khu, đơn vị làm nhiệm vụ ở Campuchia đã khắc phục nhiều khó khăn, bảo đảm việc đưa thương binh về tuyến sau, đưa thi hài liệt sĩ về nước an táng.

c) Bộ Quốc phòng trình Nhà nước ban hành một số chính sách cơ bản, phối hợp cùng các cơ quan thực hiện công tác hậu phương quân đội

Bộ Quốc phòng trình Nhà nước ban hành: Luật NVQS, Luật Sĩ quan, chính sách đối với Sĩ quan dự bị…Phối hợp với các Bộ, ngành mở cuộc vận động chấp hành tốt chính sách hậu phương quân đội. Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị về “Tiếp tục đẩy mạnh phong trào chấp hành tốt chính sách hậu phương quân đội”. Bộ Quốc phòng ra Chỉ thị “Tăng cường trách nhiệm của các cấp góp phần chấp hành tốt chính sách hậu phương quân đội”.

4. Công tác chính sách trong thời kỳ đổi mới (Từ năm1986 đến nay)

Quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo của Đảng ủy quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), Thủ trưởng Bộ Quốc phòng và Thủ trưởng Tổng cục Chính trị, bám sát thực tiễn quá trình xây dựng và phát triển của quân đội, tình hình kinh tế, xã hội của đất nước, không ngừng đổi mới tư duy và phương pháp công tác, chủ động nghiên cứu, tham mưu đề xuất với Đảng, Nhà nước ban hành và chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chế độ, chính sách; đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội và hậu phương quân đội; góp phần ổn định tình hình chính trị và phát triển kinh tế, xã hội; thúc đẩy sự nghiệp xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

a) Thời kỳ đầu đổi mới (1986 - 1991)

- Tiếp tục thực hiện các chính sách phục vụ nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia

Thời kỳ này, nhiều chế độ, chính sách được bổ sung, như: chính sách đối với quân tình nguyện; đối với chuyên gia quân sự làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia khi quân tình nguyện rút về nước; chính sách đối với lực lượng làm nhiệm vụ đặc biệt ở Campuchia... Tổ chức trọng thể lễ đón quân tình nguyện Việt Nam về nước (tháng 9 năm 1989). Tổ chức để Bạn gặp mặt, cảm ơn gia đình liệt sĩ, thương binh, quân tình nguyện Việt Nam, nhân dân Việt Nam sau rút quân (ở Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh – tháng 10 năm 1989); tổ chức Lễ tuyên dương đón nhận Huân chương Sao vàng lần thứ 3 và khen thưởng lớn của Trung ương Đảng, Chính phủ đối với lực lượng vũ trang (11/1989). Nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Bộ Quốc phòng trình Hội đồng Bộ trưởng ban hành nhiều chỉ thị về cải tiến việc cung cấp định lượng, chăm sóc đời sống bộ đội, công nhân viên quốc phòng, thương bệnh binh (1986, 1988), điều chỉnh phụ cấp ưu đãi quốc phòng (1988); ra các quyết định về tổ chức bảo đảm cung cấp định lượng cho bộ đội làm nhiệm vụ K, C, biên giới, hải đảo; qui định mức sinh hoạt đối với một số Quân, Binh chủng …

Phối hợp với các cơ quan chức năng giúp Thủ trưởng Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng trình Ban Bí thư Trung ương Đảng, Hội đồng Bộ trưởng ra các chỉ thị, chính sách phục vụ chủ trương chấn chỉnh tổ chức lực lượng, tinh giản biên chế; đề xuất với Bộ Quốc phòng ban hành các văn bản qui định việc tuyển chọn và chế độ, chính sách đối với các đối tượng trong quân đội đi lao động hợp tác quốc tế ...

Ban Bí thư Trung ương Đảng ra chỉ thị về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo chấp hành tốt chính sách hậu phương quân đội (1988). Hội đồng Bộ trưởng ra chỉ thị về chấp hành chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội (1989); sinh hoạt chính trị và nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang, củng cố quốc phòng, giữ gìn an ninh (1990).

- Tập trung chỉ đạo giải quyết với khối lượng lớn những tồn đọng về chính sách sau các cuộc chiến tranh

Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chính phủ ban hành bổ sung Chỉ thị về tiếp tục giải quyết những tồn đọng sau chiến tranh (1991); công tác mộ -  nghĩa trang liệt sĩ (1993); về qui tập mộ liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh ở Campuchia (2000). Từ năm 1986 đến năm 1991, các đơn vị, địa phương trong cả nước đã tìm kiếm, qui tập được 767.000 hài cốt Liệt sĩ, trong đó: ở trong nước là 712.800 hài cốt, ở Lào là 17.400 hài cốt, ở Campuchia là 36.800 hài cốt.  

Từ năm 1989 đến tháng 6 năm 2000, đã xác minh kết luận, giải quyết quyền lợi cho 14.059 gia đình có quân nhân hy sinh, mất tích trong các thời kỳ chiến tranh; cấp 49.490 giấy chứng nhận bị thương cho quân nhân, CNVQP chưa được xác định thương tật; cấp 17.351 giấy chứng nhận bị thương và 16.466 giấy chứng nhận bệnh binh cho quân nhân, CNVQP bị thương, bị bệnh đủ điều kiện hưởng chế độ chính sách.

- Từng bước nghiên cứu, tham mưu, đề xuất đổi mới tổ chức thực hiện công tác chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội

Nghiên cứu đề xuất những chủ trương, phương hướng về công tác chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội trình Trung ương và tiếp tục thể chế hoá, từng bước hoàn thiện, tổ chức thực hiện. Đề xuất đổi mới thi đua khen thưởng trong quân đội, động viên phong trào thi đua quyết thắng của toàn quân…Khen thưởng với số lượng lớn thành tích kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thành tích thời kỳ đổi mới. Đổi mới toàn diện và đồng bộ công tác khen thưởng, bảo đảm chặt chẽ, kịp thời (từ năm 1990 đến năm 2000 đã trình Nhà nước tuyên dương hơn 2.000 đơn vị và cá nhân anh hùng; khen thưởng gần 2 triệu Huân, Huy chương; cờ thưởng các loại…). Thực hiện các chính sách như quản lý, chi trả trợ cấp ưu đãi người có công, chế độ chính sách qui định cho các đối tượng.

b) Từ năm 1991 đến nay

- Nghiên cứu bổ sung, ban hành mới đồng bộ chế độ, chính sách tại ngũ

Chủ động phối hợp với các Bộ, Ngành, địa phương và các cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất ban hành mới, sửa đổi, bổ sung và chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện kịp thời các chế độ, chính sách đối với lực lượng tại ngũ như: chính sách tiền lương, phụ cấp, trợ cấp, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công trong quân đội theo tiến trình cải cách chính sách tiền lương của Đảng, Nhà nước; các văn bản qui định thực hiện Luật Sĩ quan, Luật Nghĩa vụ quân sự; Bộ Luật Lao động trong quân đội; chính sách đặc thù phục vụ yêu cầu phát triển nhiệm vụ, tinh giản biên chế của quân đội; chính sách khuyến khích, thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ quân đội, lực lượng làm nhiệm vụ ở địa bàn trọng điểm, chiến lược về quốc phòng, an ninh, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, gian khổ, biên giới, biển đảo; chính sách BHXH; chế độ chính sách thôi phục vụ tại ngũ; các chính sách phục vụ nhiệm vụ hiện đại hóa quân đội được ban hành và có tác dụng tích cực.

- Đề xuất Đảng, Quốc hội, Chính phủ ban hành nhiều chủ trương, giải pháp hoàn thiện chính sách ưu đãi đối với người có công

Đã phối hợp đề xuất ban hành, sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; tổ chức thực hiện, không ngừng chăm lo nâng cao đời sống đối với người có công với cách mạng nói chung và người có công trong quân đội. Chủ trì, phối hợp đề xuất ban hành và sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Cho đến nay, đã phối hợp trình Nhà nước phong tặng, truy tặng 88.180 Bà mẹ Việt Nam anh hùng trong cả nước, trong đó phong tặng là 10.163 Bà mẹ, đã góp phần chăm lo, động viên những người có công với cách mạng và cổ vũ nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

- Đề xuất nhiều chủ trương, giải pháp lớn, tổ chức thực hiện tìm kiếm, qui tập hài cốt liệt sĩ, giải quyết các tồn đọng chính sách sau chiến tranh

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ tiếp tục được triển khai sâu rộng. Nghiên cứu trình Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo; quyết định thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và Ban chỉ đạo ở các cấp để triển khai thực hiện. Giúp Ban Công tác đặc biệt, Uỷ ban chuyên trách Chính phủ tổ chức hội đàm, ký biên bản thoả thuận với Ban công tác đặc biệt Chính phủ Lào và Ủy ban chuyên trách Chính phủ Campuchia; phối hợp tu bổ, tôn tạo tượng đài liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh tại Lào và Campuchia.

Từ năm 1991 đến tháng 3/2015, các đơn vị, địa phương trong cả nước đã tìm kiếm, qui tập được 176.375 hài cốt Liệt sĩ, trong đó: ở trong nước là 143.451 hài cốt; ở Lào là 16.780 hài cốt; ở Campuchia là 16.138 hài cốt; ở Nga là 06 hài cốt. Chỉ đạo thực hiện, giải quyết khối lượng lớn về chính sách thương binh, liệt sĩ, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng; xác minh, đề nghị công nhận liệt sĩ; giới thiệu giám định, cấp giấy chứng nhận thương binh bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định; giải quyết cơ bản những tồn đọng về chính sách sau các cuộc chiến tranh theo Nghị định 28, 54, 31 của Chính phủ.

- Chủ động nghiên cứu, đề xuất chủ trương, chính sách đối với người tham gia kháng chiến, tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ Quốc tế  

Từ năm 2002 đến nay, đã nghiên cứu, đề xuất trình Bộ Chính trị cho chủ trương; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các Nghị định, Quyết định về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế sau ngày 30/4/1975. Đã chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện chế độ trợ cấp một lần đối với 26 vạn đối tượng tham gia kháng chiến chống Pháp; hơn 1,5 triệu đối tượng tham gia kháng chiến chống Mỹ; hơn 85 vạn đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế. Hiện nay, đang tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành thực hiện chính sách đối với lực lượng dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc theo kết luận số 192-TB/TW ngày 20/01/2015 của Bộ Chính trị và nghiên cứu xây dựng Đề án chính sách đối với người có công hiện đang định cư ở nước ngoài.

 - Đẩy mạnh ngày càng sâu rộng hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, với nhiều nội dung, hình thức, biện pháp phong phú, đạt hiệu quả thiết thực

Chủ động đề xuất Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đẩy mạnh hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”. Hoàn thiện các văn bản qui định và phối hợp tốt trong tổ chức hoạt động. Từ năm 2006 đến nay, toàn quân đã phát động ba Chương trình xây tặng Nhà tình nghĩa, kết quả xây mới được hơn 11.000 căn, sửa chữa hơn 17.000 căn; toàn quân nhận phụng dưỡng 1420 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (hiện nay còn gần 376 Bà mẹ còn sống); tiếp tục đề xuất phụng dưỡng 1400 Bà mẹ mới được phong tặng; đỡ đầu con liệt sỹ, thương binh nặng; tặng sổ tiết kiệm cho đối tượng chính sách và người có công; đề xuất hỗ trợ phương tiện ô tô, trang thiết bị dùng chung đối với các Trung tâm điều dưỡng thương binh, bệnh binh nặng. Phối hợp đề xuất tuyển dụng, giải quyết việc làm cho con đẻ của thương binh, bệnh binh nặng tại các Trung tâm điều dưỡng thương binh theo Chỉ thị số 97/CT-BQP. Giúp Thủ trưởng Tổng cục Chính trị tổ chức đón tiếp các đoàn đại biểu người có công các địa phương đến thăm Bộ Quốc phòng; tổ chức các hoạt động dâng hương, dâng hoa nhân kỷ niệm ngày sinh cán bộ cấp cao. Các hoạt động công tác chính sách, đền ơn đáp nghĩa nhân dịp lễ, tết, các ngày kỷ niệm lớn đạt kết quả tốt, có ý nghĩa chính trị xã hội sâu rộng.

- Động viên các nguồn lực, luật pháp hóa, xã hội hóa chính sách hậu phương quân đội

Chủ trì đề xuất và thực hiện kịp thời, chu đáo các chính sách hậu phương quân đội. Hàng năm, quản lý và thực hiện chế độ đối với trên 20 vạn cán bộ quân đội nghỉ hưu; mời an điều dưỡng trên 8.000 lượt cán bộ; trợ cấp hàng tháng đối với gần 3.000 cán bộ mắc bệnh hiểm nghèo; tổ chức lễ tang chu đáo cán bộ từ trần; thăm hỏi, tặng quà cán bộ quân đội nghỉ hưu nhân các ngày lễ, tết. Chỉ đạo thực hiện tốt chế độ hỗ trợ đối với gia đình quân nhân tại ngũ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; chăm sóc sức khỏe đối với gia đình quân nhân (hơn 1 triệu thân nhân được hưởng chế độ bảo hiểm y tế), chế độ miễn học phí cho con hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ; hỗ trợ học nghề và việc làm cho quân nhân xuất ngũ; chính sách đối với con đẻ của liệt sĩ đang công tác trong quân đội… Triển khai thực hiện Đề án xây dựng nghĩa trang an táng cán bộ cao cấp quân đội hy sinh, từ trần trên địa bàn thành phố Hà Nội; hỗ trợ khám, chữa bệnh đối với cấp Tướng và Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; thăm, hỏi sĩ quan cấp tướng nghỉ hưu nằm viện…  

- Chăm lo xây dựng Ngành chính sách quân đội không ngừng vững mạnh toàn diện

Tích cực và từng bước kiện toàn tổ chức, tăng cường cán bộ Ngành gắn với bồi dưỡng nghiệp vụ, năng lực chuyên môn cho cán bộ làm công tác chính sách trong toàn quân. Từng bước chuẩn hóa qui trình công tác chính sách theo hướng hiện đại hóa; cải cách hành chính, thuận lợi, thống nhất. Tích cực tham gia nghiên cứu Đề tài khoa học cấp Quốc gia, cấp Bộ Quốc phòng về các vấn đề liên quan đến chính sách xã hội đối với quân đội và gia đình quân nhân; xây dựng hậu phương quân đội trong tình hình mới…

*        *

*

Bằng nhiều hình thức, biện pháp sáng tạo, chủ động và linh hoạt, công tác chính sách đã từng bước cụ thể hoá, pháp luật hoá, hoàn thiện các vấn đề chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội, đáp ứng với yêu cầu phát triển, trưởng thành và xây dựng quân đội. Ngành Chính sách quân đội đã từng bước phát triển vững mạnh cả về đội ngũ và chất lượng, hiệu quả công tác; nhiều tập thể, cá nhân được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; Cục Chính sách được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân thời kỳ đổi mới; nhiều cán bộ, chiến sĩ được khen thưởng Huân chương bậc cao và nhiều hình thức khen thưởng khác. Nhiều cán bộ của Ngành đã phát triển là cán bộ cấp cao, giữ các cương vị trọng trách của Đảng, Nhà nước và quân đội.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng, mà thường xuyên, trực tiếp là Tổng cục Chính trị; gắn liền với sự trưởng thành lớn mạnh của LLVT nhân dân; từ tổ chức tiền thân là Phòng Thương binh thuộc Chính trị Cục, Ngành Chính sách quân đội đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Kế tục và phát huy truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, gần 70 năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Ngành Chính sách quân đội đã xây dựng nên truyền thống “Đoàn kết chặt chẽ, tận tụy công tác, chủ động sáng tạo vượt qua khó khăn thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”. Tự hào với những thành tích, truyền thống vẻ vang đó, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Ngành Chính sách quân đội tiếp tục ra sức phấn đấu xây dựng Ngành vững mạnh về mọi mặt, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, góp phần xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

                                                  CỤC CHÍNH SÁCH - TỔNG CỤC CHÍNH TRỊ


Phòng Thông tin điện tử/Cục Chính sách
Số lượt đọc: 51084 Cập nhật lúc: 07/09/2020 9:17
Số/ký hiệu Ngày ban hành Trích yếu
194/HD-CS 18/01/2023 Hướng dẫn công tác chính sách năm 2023
20/QĐ-CT 05/01/2023 Phê duyệt Kế hoạch công tác chính sách năm 2023
1757/CT-CS 19/10/2022 Về việc rà soát, đánh giá thực trạng; đề xuất chủ trương, giải pháp hỗ trợ giải quyết chính sách, ổn định hậu phương cán bộ, QNCN, CCQP, CN&VCQP
1528/CT-CS 13/09/2022 Về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách hậu phương quân đội
1263/CS-NC 08/06/2022 Về việc giải quyết chế độ, chính sách đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công chức quốc phòng, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng trong bàn giao, giải thể các trường cao đẳng nghề do Bộ Quốc phòng quản lý
Số/ký hiệu Ngày ban hành Trích yếu
(Dự thảo) Tờ trình, (dự thảo) Thông tư 11/09/2024 (Dự thảo) Tờ trình, (dự thảo) Thông tư của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thay thế, bãi bỏ một số quy định, mẫu biểu tại các Thông tư liên tịch của Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính liên quan đến việc kê khai thông tin cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính
75/2024/NĐ - CP 30/06/2024 Điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng
13/2024/TT-BQP 18/03/2024 Sửa đổi, bổ sung một số điều của các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng liên quan đến việc kê khai thông tin cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính.
82/2023/TT-BQP 03/11/2023 Quy định điều chỉnh trợ cấp hằng tháng đối với quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc
55/2023/NĐ-CP 21/07/2023 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng

Nhắn tìm đồng đội - Số 563

23/07/2024 17:08


THỐNG KÊ TRUY CẬP

SỐ LƯỢT TRUY CẬP HIỆN TẠI: 665

TỔNG SỐ LƯỢT TRUY CẬP: 20142716