1. Về đối tượng tham gia BHXH (Điều 2)
Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, một trong những yêu cầu cải cách đã được xác định trong Nghị quyết số 28-NQ/TW đó là: “Mở rộng đối tượng BHXH bắt buộc sang các nhóm đối tượng khác”; “Rà soát, mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với các nhóm chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt”.
Luật BHXH năm 2024 đã thể chế cơ bản Nghị quyết số 28/NQ-TW, quy định mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với:
- Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh tham gia theo quy định của Chính phủ.
- Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ theo quy định của Luật Doanh nghiệp; thành viên Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc, Giám đốc, thành viên Ban Kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã không hưởng tiền lương.
- Người lao động làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất.
- Trường hợp NLĐ và người sử dụng lao động thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên...
- Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố.
- Dân quân thường trực.
- Mở rộng quyền lợi đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được tham gia và thụ hưởng đầy đủ các chế độ BHXH bắt buộc thay vì chỉ đóng và hưởng hai chế độ là hưu trí và tử tuất như Luật hiện hành.
Bên cạnh đó, nhằm từng bước hướng tới chính sách BHXH bắt buộc đối với toàn bộ NLĐ có việc làm, có thu nhập và tiền lương khi đáp ứng đủ điều kiện cần thiết theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW, Luật BHXH năm 2024 giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc tham gia BHXH bắt buộc đối với đối tượng khác mà có việc làm, thu nhập ổn định, thường xuyên trên cơ sở đề xuất của Chính phủ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.
Quy định này tạo điều kiện cho việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với các nhóm đối tượng khác phù hợp với sự thay đổi của quan hệ lao động, điều kiện phát triển kinh tế-xã hội, đời sống của NLĐ trong tương lai. Đồng thời, việc bổ sung quy định trên cũng phù hợp với những quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, góp phần tạo điều kiện cho nhiều NLĐ được bảo đảm quyền được tham gia BHXH bắt buộc và thụ hưởng đầy đủ chính sách BHXH.
Mở rộng đối tượng tham gia BHXH: Bổ sung đối tượng đang tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận về việc đóng BHXH bắt buộc trong thời gian này.
2. Về căn cứ đóng BHXH (Điều 31)
Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất bằng mức tham chiếu và cao nhất bằng 20 lần mức tham chiếu tại thời điểm đóng.
Về tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc khu vực nhà nước, cơ bản giữ như hiện hành.
Về tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc đối với khu vực ngoài nhà nước (do người sử dụng lao động quyết định) là tiền lương tháng, bao gồm mức lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác, được trả thường xuyên và ổn định trong mỗi kỳ trả lương.
Một số đối tượng mới bổ sung có tiền lương và không có tiền lương (chủ hộ kinh doanh, người quản lý điều hành không hưởng lương, lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, phu nhân, phu quân) được lựa chọn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc trong khoảng từ mức thấp nhất đến mức cao nhất (sau ít nhất 12 tháng thực hiện đóng theo căn cứ đã lựa chọn thì NLĐ được lựa chọn lại).
Thu nhập làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện: Mức thu nhập làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện giữ như quy định hiện hành (chỉ thay mức lương cơ sở bằng mức tham chiếu), thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức tham chiếu tại thời điểm đóng.
3. Bổ sung quy định xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp
Điều 35. Đôn đốc thực hiện trách nhiệm đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Điều 38, 39: Chậm đóng, trốn đóng. Điều 40, 41: Biện pháp xử lý.
Vấn đề chậm đóng, trốn đóng BHXH ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ, do vậy Luật BHXH năm 2024 đã bổ sung quy định trách nhiệm của các cơ quan trong xác định và quản lý đối tượng tham gia BHXH; quy định cụ thể hành vi chậm đóng, hành vi trốn đóng; đồng thời, đã sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp xử lý, chế tài xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH như:
a) Điều 38: Chậm đóng BHXH bắt buộc, BHTN là hành vi của người sử dụng lao động
- Chưa đóng hoặc đóng chưa đầy đủ số tiền phải đóng theo hồ sơ tham gia BHXH bắt buộc, BHTN đã đăng ký kể từ sau ngày đóng BHXH, BHTN chậm nhất, trừ trường hợp quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 39 của Luật này.
- Không đăng ký hoặc đăng ký không đầy đủ số người phải tham gia BHXH bắt buộc, BHTN trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn quy định.
- Thuộc trường hợp không bị coi là trốn đóng BHXH bắt buộc, BHTN theo quy định tại khoản 2 Điều 39 của Luật này (có lý do chính đáng).
b) Điều 39: Trốn đóng BHXH bắt buộc, BHTN là hành vi của người sử dụng lao động thuộc một trong các trường hợp sau đây để không đóng hoặc đóng không đầy đủ BHXH, BHTN cho NLĐ.
- Sau 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn quy định mà người sử dụng lao động không đăng ký hoặc đăng ký không đầy đủ số người phải tham gia BHXH bắt buộc, BHTN.
- Đăng ký tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc, BHTN thấp hơn quy định.
- Không đóng hoặc đóng không đầy đủ số tiền đã đăng ký BHXH bắt buộc sau 60 ngày kể từ ngày đóng BHXH bắt buộc chậm nhất, BHTN chậm nhất và đã được cơ quan có thẩm quyền đôn đốc theo quy định tại Điều 35 của Luật này.
- Các trường hợp khác bị coi là trốn đóng BHXH bắt buộc, BHTN theo quy định của Chính phủ.
Tại Luật BHXH năm 2024 đã giao Chính phủ quy định chi tiết Điều 39 về trốn đóng BHXH bắt buộc, BHTN và quy định các trường hợp thuộc trốn đóng nhưng có lý do chính đáng thì không bị coi là trốn đóng BHXH bắt buộc, BHTN.
c) Điều 40, 41: Quy định cụ thể biện pháp xử lý đối với hành vi chậm đóng BHXH bắt buộc, BHTN và trốn đóng BHXH bắt buộc, BHTN
Bắt buộc đóng đủ số tiền BHXH bắt buộc, BHTN chậm đóng, trốn đóng; nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền BHXH bắt buộc, BHTN chậm đóng, trốn đóng và số ngày chậm đóng, trốn đóng vào quỹ BHXH, quỹ BHTN; xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; không xem xét trao tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng. Riêng đối với hành vi trốn đóng còn có biện pháp mạnh là truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi của NLĐ, Luật đã bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho NLĐ theo quy định của pháp luật nếu không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm đóng BHXH bắt buộc mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ (khoản 8 Điều 13).
Các quy định này nhằm bảo đảm hơn nữa quyền lợi chính đáng, hợp pháp của NLĐ, góp phần giảm tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc, BHTN./.
Số/ký hiệu | Ngày ban hành | Trích yếu |
---|---|---|
194/HD-CS | 18/01/2023 | Hướng dẫn công tác chính sách năm 2023 |
20/QĐ-CT | 05/01/2023 | Phê duyệt Kế hoạch công tác chính sách năm 2023 |
1757/CT-CS | 19/10/2022 | Về việc rà soát, đánh giá thực trạng; đề xuất chủ trương, giải pháp hỗ trợ giải quyết chính sách, ổn định hậu phương cán bộ, QNCN, CCQP, CN&VCQP |
1528/CT-CS | 13/09/2022 | Về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách hậu phương quân đội |
1263/CS-NC | 08/06/2022 | Về việc giải quyết chế độ, chính sách đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công chức quốc phòng, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng trong bàn giao, giải thể các trường cao đẳng nghề do Bộ Quốc phòng quản lý |
Số/ký hiệu | Ngày ban hành | Trích yếu |
---|---|---|
637/QĐ-BNV | 20/06/2025 | Quyết định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung lĩnh vực Thi đua, khen thưởng thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ |
129/2025/NĐ-CP | 11/06/2025 | Nghị định quy định về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương 02 cấp trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ |
Dự thảo | 05/06/2025 | (Dự thảo) Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư liên tịch; Thông tư, Quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về lĩnh vực chính sách - xã hội khi tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp |
14/VBHN-BQP | 07/05/2025 | Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu |
25/2025/TT-BQP | 06/05/2025 | Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 21/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam về chế độ, chính sách đối với sĩ quan thôi phục vụ tại ngũ; sĩ quan tại ngũ hy sinh, từ trần; sĩ quan tại ngũ chuyển sang quân nhân chuyên nghiệp hoặc công chức quốc phòng |
SỐ LƯỢT TRUY CẬP HIỆN TẠI: 196
TỔNG SỐ LƯỢT TRUY CẬP: 26010646