Đẩy mạnh cải cách hành chính, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội

Thiếu tướng, Tiến sĩ Trần Văn Minh, nguyên Chánh Văn phòng TCCT; Đại tá, Thạc sĩ Đỗ Khắc Cẩn, Phó Chánh Văn phòng TCCT.

Cải cách hành chính là một trong những đột phá phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ IX (2010), lần thứ X (2015) xác định cải cách hành chính là một trong ba đột phá, cùng với nâng cao chất lượng huấn luyện, rèn luyện kỷ luật góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp của Quân đội ta. Cải cách hành chính trong hoạt động công tác đảng, công tác chính trị là đòi hỏi khách quan cần thực hiện tốt hơn nữa trong thời gian tới.

Thực hiện Nghị quyết 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ về chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 - 2020; các Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội, các chương trình, Đề án cải cách hành chính do Bộ Quốc phòng ban hành, trong những năm qua, nhất là từ năm 2016 đến nay, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chính trị các cấp thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác cải cách hành chính trong hoạt động công tác đảng, công tác chính trị. Đã chủ động làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của các tổ chức, lực lượng về sự cần thiết, vai trò, nội dung của cải cách hành chính trong quản lý, điều hành và tổ chức hoạt động công tác đảng, công tác chính trị. Các cơ quan chuyên ngành, theo phạm vi, chức năng, thường xuyên làm tốt công tác cải cách thể chế, thực hiện nghiêm túc chương trình xây dựng, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật hàng năm; đã đề xuất, hoàn thiện các nội dung, hình thức thi đua khen thưởng; luật pháp hóa tiêu chuẩn chức danh cán bộ các đơn vị, các quy định về công tác quản lý chính trị nội bộ; nghiên cứu, đề nghị ban hành mới, bổ sung, hoàn thiện chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội. Cải cách thủ tục hành chính luôn được coi trọng, theo hướng đơn giản hóa, bảo đảm công khai, minh bạch gắn với rà soát, bãi bỏ các thủ tục không còn phù hợp; thực hiện các quy định liên quan đến hoạt động, nhu cầu của tổ chức, công dân, của cán bộ, chiến sĩ bảo đảm đúng trình tự, thủ tục và thời gian. Cùng với đó, các cấp đã thường xuyên chủ động đơn giản hóa các thủ tục hành chính nội bộ; hoàn thiện, hợp lý hóa các quy chế, quy trình tổ chức các hoạt động công tác đảng, công tác chính trị ở đơn vị. Đã ban hành quy định mới rút gọn hệ thống văn kiện, sổ sách công tác đảng, công tác chính trị ở cơ sở; tiếp tục hoàn thiện các quy trình về công tác nhân sự, công tác bảo hiểm xã hội, bảo vệ chính trị nội bộ, khen thưởng, giải quyết chính sách; từng bước áp dụng thực hiện hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia (ISO) trên nhiều lĩnh vực công tác ngành; không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng các cuộc hội họp, công tác kiểm tra, đánh giá kết quả, việc tiếp nhận, giải trình của cơ quan cấp trên trong hoạt động công tác đảng, công tác chính trị... Đồng thời, các cấp đã thường xuyên kiện toàn cơ quan chính trị và đội ngũ cán bộ chính trị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Việc sử dụng tài chính công bảo đảm cho hoạt động công tác đảng, công tác chính trị chặt chẽ, nghiêm túc, hiệu quả. Một số cơ quan, đơn vị đã ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, tổ chức hoạt động và trao đổi chuyên môn (Cổng thông tin điện tử; trang web; mạng LAN; mạng truyền số liệu; máy tính bảng...) đem lại hiệu quả thiết thực... Những kết quả đó đóng góp thiết thực, bảo đảm cho các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng Quân đội và chương trình, kế hoạch công tác của trên, của đơn vị đến với cơ sở, với cán bộ chiến sĩ nhanh hơn, thuận lợi và hiệu quả hơn; tiết kiệm được thời gian, công sức, nguồn lực; góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội.

Tuy nhiên, nghiêm túc nhìn lại, cải cách hành chính trong lĩnh vực công tác đảng, công tác chính trị còn có những hạn chế bất cập. Nhận thức của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò, nội dung cải cách hành chính chưa thật đầy đủ và sâu sắc; một số cơ quan, đơn vị chưa thật quan tâm đầu tư lãnh đạo, chỉ đạo công tác cải cách hành chính trong tổ chức hoạt động công tác đảng, công tác chính trị; không ít nội dung diễn ra còn hình thức, nghèo nàn, thiếu tính thiết thực, nhất là hội họp, hội thao, hội thi...; tính phổ cập của các quy trình, nhất là quy trình quản lý chất lượng (ISO) chưa cao; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công tác đảng, công tác chính trị còn chậm và chưa có định hướng thống nhất về lâu dài... Những hạn chế nêu trên đã ảnh hưởng nhất định đến hoạt động công tác đảng, công tác chính trị, nhất là lãng phí thời gian, nguồn lực bảo đảm cho hoạt động này ở cơ sở.

Trong thời gian tới, sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc tiếp tục có sự phát triển mới; cách mạng khoa học công nghệ tác động sâu rộng tới mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; yêu cầu của việc xây dựng nhân tố chính trị tinh thần làm cơ sở xây dựng Quân đội về chính trị đặt ra đòi hỏi cao hơn với công tác đảng, công tác chính trị, phải tiến hành đồng bộ các giải pháp; trong đó cải cách hành chính trong lĩnh vực này để phát huy nội lực là một trong những giải pháp đột phá quan trọng. Cải cách hành chính trong lĩnh vực công tác đảng, công tác chính trị phải nhằm mục tiêu quán triệt sâu sắc, nâng cao chất lượng thể chế hóa các chủ trương, chính sách về công tác xây dựng Đảng, xây dựng Quân đội về chính trị, tổ chức và hoạt động công tác quần chúng trong Quân đội; hợp lý hóa, tiến tới khoa học hóa các quy chế, quy trình hoạt động công tác đảng, công tác chính trị, nâng cao chất lượng tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ nhân viên, cơ sở vật chất và hạ tầng công nghệ, bảo đảm cho hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội diễn ra chặt chẽ, thông suốt, hiệu lực và hiệu quả. Theo đó, cần tập trung vào một số nội dung, giải pháp chủ yếu sau:

Một là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức, lực lượng về cải cách hành chính trong lĩnh vực công tác đảng, công tác chính trị. Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp chủ động quán triệt các Nghị quyết, chỉ thị của trên, xác định rõ mục tiêu, chủ trương giải pháp cải cách hành chính ở cơ quan, đơn vị mình, trong đó phải định rõ các mục tiêu, chủ trương, biện pháp thuộc lĩnh vực công tác đảng, công tác chính trị; lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện. Đồng thời, cấp ủy, tổ chức đảng cho ý kiến chỉ đạo về những chủ trương lớn trong quá trình thực hiện, nhất là cải cách tổ chức, bộ máy tiến hành công tác đảng, công tác chính trị, đội ngũ cán bộ chính trị; các vấn đề lớn về tài chính, tài sản công... Tăng cường tuyên truyền, giáo dục làm cho mọi tổ chức, lực lượng nhận thức sâu sắc chủ trương của Đảng, các kế hoạch, chương trình của Chính phủ, của Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng về cải cách hành chính; nhận rõ về sự cần thiết, vị trí, vai trò cải cách hành chính; mục tiêu, nội dung cải cách hành chính trong lĩnh vực công tác đảng, công tác chính trị, nêu cao trách nhiệm trong tổ chức thực hiện; bảo đảm mọi ngành, mọi cấp, mọi hoạt động công tác đảng, công tác chính trị đều phải triển khai các nội dung, biện pháp cải cách hành chính, không có hoạt động nào, cấp, ngành nào là ngoại lệ. Đưa nội dung cải cách hành chính là một việc làm thường xuyên của cơ quan chính trị, cán bộ chính trị các cấp. Định kỳ đánh giá kết quả cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị, coi đó là một trong những chỉ tiêu thi đua thường xuyên. Chú trọng tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho lực lượng trực tiếp đảm nhiệm tham mưu đề xuất cơ chế chính sách, lực lượng trực tiếp thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động, quyền lợi của các tổ chức, công dân, của cán bộ, chiến sĩ, tăng thêm niềm tin, mức độ hài lòng của đối tượng chịu tác động từ quy trình, thủ tục hành chính.

Hai là, nâng cao chất lượng cải cách thể chế, soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật, các quy chế, quy định liên quan đến tổ chức và hoạt động công tác đảng, công tác chính trị. Chủ động nghiên cứu đề xuất và triển khai thực hiện tốt các kế hoạch soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật hàng năm cũng như từng giai đoạn do Bộ Quốc phòng ban hành. Các cơ quan chuyên ngành, theo chức năng nhiệm vụ, chủ trì và phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong và ngoài Quân đội tổ chức nghiên cứu, đề xuất thể chế hóa các chính sách, pháp luật bảo đảm đúng ý Đảng, hợp lòng dân, phù hợp với thực tiễn. Trọng tâm trong thời gian tới là kịp thời quán triệt, triển khai thể chế hóa các Nghị quyết của Trung ương khóa XII: Nghị quyết TW6 về tinh giản bộ máy, tổ chức biên chế; Nghị quyết TW7 về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, Nghị quyết TW8 về trách nhiệm nêu gương của lãnh đạo cấp cao và vận dụng thực hiện với cán bộ, đảng viên; các chính sách, pháp luật do Nhà nước ban hành trong thời gian tới. Tiếp tục xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về tiêu chuẩn chức danh đội ngũ cán bộ, các vấn đề về bảo vệ chính trị nội bộ, thi đua khen thưởng, chính sách xã hội đối với Quân đội và hậu phương Quân đội. Cùng với đó, tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đề xuất, bổ sung hoàn thiện các quy chế, quy định liên quan đến tổ chức và hoạt động công tác đảng, công tác chính trị do các cấp ban hành (các điều lệ, quy chế, hướng dẫn...) theo hướng bảo đảm chặt chẽ, thống nhất, nhưng cần đơn giản hóa thủ tục, quy trình, tạo thuận lợi cho cấp dưới trong tổ chức thực hiện. Thường xuyên bám sát cơ sở, chủ động nắm bắt các vướng mắc, phát sinh trong các văn bản, quy chế, quy định để kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất ban hành mới đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Ba là, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong các hoạt động công tác đảng, công tác chính trị ở mọi cấp, trong tất cả các lĩnh vực. Theo đó, với các thủ tục hành chính Nhà nước, khi đề xuất ban hành cần tính toán kĩ sự phù hợp, cần thiết, tiết kiệm thời gian, công sức, tiền của, tổ chức thực hiện minh bạch, công khai, có độ tin cậy cao, không gây phiền hà cho tổ chức, công dân, cán bộ, chiến sĩ ở cơ sở. Các trình tự, thủ tục ban hành kèm theo quy chế, quy định nội bộ cần bảo đảm chặt chẽ, lôgíc; vừa bảo đảm sự thống nhất trên những định hướng cơ bản nhưng đồng thời tôn trọng và phát huy tự do, sáng tạo của mỗi chủ thể, lực lượng trong quản lý, điều hành và tổ chức tiến hành công tác đảng, công tác chính trị; không làm khó cho cấp dưới trong tổ chức thực hiện.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng tổ chức các hoạt động công tác đảng, công tác chính trị. Cần thiết giảm số lượng, cải cách hình thức tổ chức hội họp, áp dụng mạnh các hình thức trực tuyến, kết hợp nhiều nội dung, tổ chức theo vùng tránh việc đi lại tốn kém; hạn chế các cuộc hội thao, hội thi, hội diễn ở cấp toàn quân ít có giá trị tuyên truyền, giáo dục sâu rộng của các ngành nghiệp vụ và tổ chức quần chúng (trừ các hoạt động chuyên nghiệp và sự kiện đặc biệt), hướng các hoạt động phong phú ở cơ sở, do cơ sở tổ chức và thụ hưởng; đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá kết quả, bảo đảm thực chất và không gây rối bận cho cơ sở. Thực hiện nghiêm các chế độ, nền nếp công tác đảng, công tác chính trị, thường xuyên cập nhật tình hình, chủ động nắm bắt và giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh. Tiếp tục xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 và TCVN 9001:2015 đối với hoạt động của các ngành nghiệp vụ, phổ cập rộng rãi trong toàn quân. Tiến hành sơ kết, tiếp tục nâng cao chất lượng thực hiện quy định mới về việc rút gọn hệ thống sổ sách, văn kiện công tác đảng, công tác chính trị ở đơn vị cơ sở...

Bốn là, tiếp tục kiện toàn tổ chức biên chế cơ quan chính trị các cấp; nâng cao chất lượng đội ngũ, cán bộ nhân viên đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính trong hình hình mới. Tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng, kiện toàn tổ chức, biên chế cơ quan chính trị các cấp, phù hợp với chủ trương chấn chỉnh tổ chức biên chế Quân đội trong thời gian tới. Trọng tâm nghiên cứu, đề xuất thống nhất về tổ chức, biên chế các ngành nghiệp vụ chính trị ở các cơ quan, đơn vị tương đương về quy mô, chức năng nhiệm vụ; tiếp tục rà soát, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức, khắc phục chồng chéo hoặc khoảng trống trong quản lý, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Tiếp tục nghiên cứu, triển khai thống nhất tổ chức, biên chế, chức năng nhiệm vụ, của cơ quan (cán bộ) chính trị ở các đơn vị đặc thù, như: Doanh nghiệp quốc phòng, đoàn kinh tế quốc phòng, doanh nghiệp cổ phần hóa. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đội ngũ cán bộ chính trị, đội ngũ nhân viên ở cơ quan chính trị các cấp đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính trong thời kỳ mới. Cán bộ và nhân viên làm công tác chính trị phải thực sự gương mẫu về phẩm chất đạo đức, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, đồng thời phải am hiểu chính sách, pháp luật, nhất là lĩnh vực pháp luật hành chính nhà nước; thượng tôn pháp luật, chấp hành nghiêm mệnh lệnh hành chính, giải quyết tốt các mối quan hệ trong chỉ huy, điều hành. Đội ngũ cán bộ, nhân viên chính trị ở cơ sở phải tận tụy với công việc được giao, sáng tạo đề xuất và tổ chức các hoạt động công tác đảng, công tác chính trị ở đơn vị bảo đảm linh hoạt, thiết thực, hiệu quả, chống hình thức, máy móc và các biểu hiện quan liêu, áp đặt, thiếu thực tiễn.

Năm là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa hành chính trong các cơ quan, đơn vị Quân đội. Nghiên cứu, đề xuất đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa công tác hành chính trong hoạt động công tác đảng, công tác chính trị phù hợp với chủ trương xây dựng Chính phủ điện tử trong thời gian tới. Rà soát các hệ thống chương trình quản lý hiện có; nâng cấp, mở rộng, phổ cập và nâng cao chất lượng, hiệu quả vận hành các phần mềm về quản lý cán bộ, đảng viên; thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội; cơ sở vật chất và phần mềm công tác bảo vệ an ninh Quân đội; thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến một số thủ tục hành chính giải quyết quyền lợi, cấp phép cho tổ chức, cá nhân có liên quan. Đề xuất từng bước xây dựng cơ sở hạ tầng, nhân lực, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành công tác đảng, công tác chính trị trong toàn quân và ở mỗi cơ quan, đơn vị, gắn với tổ chức, điều hành trong lĩnh vực quân sự - quốc phòng. Theo đó, trước mắt cần xây dựng, kết nối mạng thông tin phục vụ cho việc quản lý, điều hành, bảo đảm kịp thời nhất việc báo cáo tình hình, truyền đạt thông tin chỉ đạo, định hướng hoạt động công tác đảng, công tác chính trị đến đơn vị trực thuộc Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng, tiếp tục mở rộng đến cấp trên cơ sở (sư, tỉnh, vùng...) và một số đơn vị, lực lượng có nhiệm vụ đặc thù, phát huy cao nhất tác dụng, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị. Trên cơ sở thực hiện nhiệm vụ trung tâm, thúc đẩy hoạt động trao đổi thông tin nội bộ trên hệ thống mạng, giảm thiểu giấy tờ, thời gian... Nâng cao trình độ sử dụng công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ, nhân viên đảm nhiệm công tác đảng, công tác chính trị; có quy chế và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đội ngũ cán bộ tiếp cận, chọn lọc thông tin trên Internet phục vụ cho công tác chuyên môn và tiến hành công tác đảng, công tác chính trị...

Các nội dung, giải pháp cải cách hành chính có mối quan hệ chặt chẽ, tác động lẫn nhau, cần phải được tiến hành đồng bộ, được triển khai trong một kế hoạch, chương trình thống nhất ở cấp toàn quân cũng như ở mỗi cơ quan, đơn vị. Trên cơ sở tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, người chủ trì và cơ quan chính trị, cần bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế, công tác kế hoạch - tổng hợp về công tác đảng, công tác chính trị để làm tốt công tác tham mưu và làm nòng cốt tổ chức hiện ở các cấp, bảo đảm cho công tác cải cách hành chính được diễn ra thường xuyên, liên tục, tính thiết thực ngày càng cao, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội trong tình hình mới./.

(Tạp chí Giáo dục Lý luận chính trị quân sự, tháng 12/2018)


Phòng Thông tin điện tử/Cục Chính sách
Số lượt đọc: 7829 Cập nhật lúc: 07/12/2018 8:16
TIN KHÁC
Số/ký hiệu Ngày ban hành Trích yếu
194/HD-CS 18/01/2023 Hướng dẫn công tác chính sách năm 2023
20/QĐ-CT 05/01/2023 Phê duyệt Kế hoạch công tác chính sách năm 2023
1757/CT-CS 19/10/2022 Về việc rà soát, đánh giá thực trạng; đề xuất chủ trương, giải pháp hỗ trợ giải quyết chính sách, ổn định hậu phương cán bộ, QNCN, CCQP, CN&VCQP
1528/CT-CS 13/09/2022 Về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách hậu phương quân đội
1263/CS-NC 08/06/2022 Về việc giải quyết chế độ, chính sách đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công chức quốc phòng, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng trong bàn giao, giải thể các trường cao đẳng nghề do Bộ Quốc phòng quản lý
Số/ký hiệu Ngày ban hành Trích yếu
13/2024/TT-BQP 18/03/2024 Sửa đổi, bổ sung một số điều của các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng liên quan đến việc kê khai thông tin cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính.
82/2023/TT-BQP 03/11/2023 Quy định điều chỉnh trợ cấp hằng tháng đối với quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc
55/2023/NĐ-CP 21/07/2023 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng
42/2023/NĐ - CP 29/06/2023 Điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng
80/2022/TT-BQP 11/11/2022 Hướng dẫn việc tổ chức tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và bàn giao hài cốt liệt sĩ

Nhắn tìm đồng đội - Số 540

30/01/2024 20:45


THỐNG KÊ TRUY CẬP

SỐ LƯỢT TRUY CẬP HIỆN TẠI: 268

TỔNG SỐ LƯỢT TRUY CẬP: 16875238