Cách đây 70 năm, trước yêu cầu của cuộc kháng chiến, kiến quốc, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc, với tinh thần “Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến… Vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”[1]. Đây là dấu mốc quan trọng trong tiến trình cách mạng nước ta, thể hiện tư duy, tầm nhìn chiến lược, cùng sự sáng tạo thiên tài của Bác Hồ kính yêu, nhằm khơi dậy, phát huy truyền thống yêu nước, đức tính cần cù, dũng cảm, sáng tạo,… trong các tầng lớp nhân dân, tạo động lực tinh thần mạnh mẽ nhằm phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong công cuộc giải phóng dân tộc trước đây và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Với văn phong, cách viết ngắn gọn, đơn giản mà rõ ràng, dễ hiểu, Lời kêu gọi Thi đua của Người đã bao hàm cả mục đích, nội dung, phương pháp, lực lượng tiến hành. Hưởng ứng Lời kêu gọi đó, phong trào thi đua yêu nước của nhân dân ta đã phát triển mạnh mẽ, liên tục và sâu rộng trên khắp các địa phương, ngành nghề, lực lượng, lĩnh vực công tác,… tạo nên sức mạnh vật chất, tinh thần to lớn, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của từng giai đoạn cách mạng.
Đối với nước ta, do phải tiến hành hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc XHCN, nên việc thực hiện chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội, giải quyết hậu quả sau chiến tranh rất nặng nề, khối lượng công việc lớn, khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự nỗ lực cao độ, tinh thần tích cực, chủ động, tận tụy của đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành Chính sách Quân đội. Song, quán triệt Lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nói chung; cán bộ, nhân viên ngành Chính sách Quân đội nói riêng đã nêu cao tinh thần trách nhiệm,“Làm cho mau nhất, tốt nhất, nhiều nhất” những công việc hàng ngày, thi đua vượt qua mọi khó khăn, thực hiện tốt chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội. Thông qua đó, đã xuất hiện nhiều phong trào, việc làm thiết thực, thể hiện rõ truyền thống, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cùng làm tốt việc chăm sóc đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, nhiều cuộc vận động quyên góp nuôi dưỡng bộ đội, ủng hộ kháng chiến đã trở thành phong trào sâu rộng trong nhân dân, như: Quỹ độc lập, Quỹ đảm phụ giải phóng, Hội mẹ chiến sĩ, phong trào “Mùa đông binh sĩ”, v.v. Đặc biệt, tuy mới ra đời, còn non trẻ, song với tinh thần tận tụy, sáng tạo, cán bộ, nhân viên của ngành Chính sách Quân đội đã tham mưu và tổ chức thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sĩ; kịp thời đề xuất, thực hiện có hiệu quả công tác khen thưởng, tuyên dương công trạng, động viên, cổ vũ kháng chiến, nâng cao chí khí chiến đấu của quân và dân ta; đề xuất và làm nòng cốt phong trào đưa thương binh về làng, mở ra hướng mới về chăm sóc thương binh trong điều kiện đất nước, Quân đội còn nhiều khó khăn.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, phong trào Thi đua ái quốc theo Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh được phát triển lên một bước mới. Với tinh thần “Tất cả vì miền Nam thân yêu”, “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân có nhiều hoạt động, phong trào cụ thể, thiết thực, như: “Sóng Duyên hải” trong sản xuất công nghiệp; “Gió Đại phong” trong sản xuất nông nghiệp; “Cờ Ba nhất” trong Quân đội; “Trống Bắc Lý” trong giáo dục; “Thanh niên ba sẵn sàng”; “Phụ nữ ba đảm đang”,… đã tạo phong trào hành động cách mạng sâu rộng, huy động sức người, sức của cho cuộc kháng chiến. Hòa chung với khí thế của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, cán bộ, nhân viên ngành Chính sách Quân đội luôn thi đua “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”. Trong đó, Ngành Chính sách Quân đội đã tích cực giải quyết chu đáo chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ và gia đình quân nhân đi chiến đấu, công tác ở chiến trường xa (chính sách B, C), chính sách động viên thời chiến; tập trung chỉ đạo, thực hiện tốt chính sách thương binh, liệt sĩ cả ở tiền tuyến và hậu phương. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất với Quân đội, với Đảng, Nhà nước phát triển nhiều hình thức khen thưởng và nhiều danh hiệu thi đua cả ở miền Bắc và miền Nam để cổ vũ ngày càng mạnh mẽ phong trào thi đua “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”; tham mưu, đề xuất với Nhà nước xét, tặng thưởng gần 20 vạn Huân chương Quân công và Huân chương Chiến công các loại cho các tập thể và cá nhân; tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đối với 1.233 đơn vị và cán bộ, chiến sĩ (gồm 777 đơn vị, 456 cán bộ, chiến sĩ), trực tiếp tạo động lực, cổ vũ động viên, thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước ngày càng mạnh mẽ, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Sau ngày miền Nam được giải phóng, đất nước hoà bình, thống nhất, độc lập, toàn Ngành Chính sách Quân đội đã nỗ lực, phối hợp cùng các cơ quan chức năng trong và ngoài Quân đội tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, các cấp, các ngành, các đơn vị, địa phương và tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách với số lượng lớn quân nhân hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu ở chiến trường trở về. Đề xuất và thực hiện tốt chủ trương khen thưởng thành tích của quân và dân ta trong các cuộc kháng chiến; phối hợp tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc, cứu chữa hàng vạn thương, bệnh binh từ các chiến trường chuyển ra; tập trung giải quyết các tồn đọng chính sách sau chiến tranh. Đồng thời, đề xuất các chế độ, chính sách ổn định đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ tại ngũ, nhất là các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc ở tuyến đầu và làm nghĩa vụ quốc tế ở Lào, Cam-pu-chia, góp phần động viên toàn quân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến đấu và xây dựng Quân đội, từng bước ổn định hậu phương Quân đội sau chiến tranh.
Bước vào thời kỳ đổi mới, công tác chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội được Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo với nhiều chủ trương, định hướng lớn, tạo bước phát triển mới đối với Ngành Chính sách Quân đội cả về tổ chức và chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Kế thừa và phát huy truyền thống của Ngành, phong trào thi đua yêu nước nói chung và thi đua thực hiện tốt chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội nói riêng tiếp tục được phát động và phát triển rộng khắp trong toàn xã hội, có sức lan tỏa mạnh mẽ, với nhiều hình thức phong phú, sáng tạo. Từ năm 1990 đến năm 2000, Ngành Chính sách Quân đội đã trình Nhà nước tuyên dương hơn 2.000 đơn vị và cá nhân anh hùng; khen thưởng gần 2 triệu Huân, Huy chương; cờ thưởng các loại. Đặc biệt, đã nghiên cứu, đề xuất với Đảng, Nhà nước ban hành Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà Mẹ Việt Nam anh hùng”. Đây là chủ trương, chính sách có ý nghĩa chính trị xã hội sâu rộng, nhằm tôn vinh những Bà mẹ có nhiều công lao cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; góp phần làm nguôi đi nỗi đau của những người mẹ có nhiều mất mát, hy sinh; làm sâu sắc thêm truyền thống yêu nước, đạo lý “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc ta. Đến nay, đã có gần 130.000 Bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà Mẹ Việt Nam anh hùng”. Đồng thời, tổ chức thực hiện tốt các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, “Xây nhà tình nghĩa”, “Áo lụa tặng bà”, “Tặng sổ tiết kiệm”, thực hiện 5 chương trình tình nghĩa do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động,… đã tác động sâu đậm đến tâm tư, tình cảm và ý thức của các tầng lớp nhân dân; trách nhiệm chính trị của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị, góp phần xây dựng nhân tố chính trị - tinh thần, động viên sức người, sức của cho sự nghiệp cách mạng, đem lại những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong hơn 30 năm đổi mới.
Bám sát chủ trương của Đảng, tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, với tinh thần đổi mới, ngành Chính sách Quân đội đã chủ động, tham mưu đề xuất ban hành đồng bộ hệ thống chế độ, chính sách đối với Quân đội, hậu phương Quân đội; đẩy mạnh các hoạt động và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Từ năm 2006 đến nay, Ngành đã nghiên cứu, đề xuất với Đảng, Nhà nước, liên Bộ, Bộ Quốc phòng ban hành và chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện 107 văn bản quy phạm pháp luật và chủ trương của Bộ Chính trị về chế độ, chính sách đối với Quân đội, hậu phương Quân đội; trong đó, có 04 chủ trương của Bộ Chính trị, 02 Pháp lệnh, 14 Nghị định của Chính phủ, 13 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 74 Thông tư, Quyết định của liên Bộ và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, bảo đảm cho việc triển khai, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chế độ, chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Quá trình thi đua thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Ngành Chính sách Quân đội luôn thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác Hồ: “Thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”[2]; coi đây là yêu cầu cao nhất cả về tình cảm và trách nhiệm của Ngành Chính sách Quân đội, là động lực để khắc phục mọi khó khăn, nỗ lực phấn đấu, thi đua thực hiện tốt nhất chính sách đối với người có công với cách mạng. Đã xác minh, báo tử đề nghị công nhận gần 900 liệt sĩ; cấp giấy chứng nhận thương binh gần 9.000 trường hợp, bệnh binh 6.000 trường hợp (trong đó có 5.566 bệnh binh là người dân tộc ít người). Đặc biệt là, sau khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 24-CT/TW, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1237/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo; Ban Chỉ đạo 1237 được thành lập ở các cấp; cùng với sự chung tay của cả hệ thống chính trị, nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đã được thực hiện đồng bộ, quyết liệt hơn. Cùng với đó, hệ thống chế độ, chính sách, công tác bảo đảm cho nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện, góp phần thực hiện ngày càng có hiệu quả hơn nhiệm vụ cao cả này. Từ năm 2013 đến nay, đã quy tập được 13.139 hài cốt liệt sĩ (ở trong nước: 5.831; ở Lào: 2.226; ở Cam-pu-chia: 5.082); toàn quân phụng dưỡng suốt đời 2.820 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; tuyển dụng, giải quyết việc làm cho 340 trường hợp là con thương binh nặng đang điều dưỡng tại các trung tâm thương binh và vợ, con liệt sĩ hy sinh trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng an ninh; huy động các nguồn đóng góp Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được gần 400 tỷ đồng; xây dựng hơn 6.396 nhà tình nghĩa; tặng 5.239 sổ tiết kiệm đối với người có công với cách mạng, với số tiền gần 12 tỷ đồng; thăm hỏi, tặng quà hàng vạn đối tượng chính sách nhân ngày lễ, Tết… Đồng thời, thực hiện có hiệu quả hoạt động kết nghĩa, đỡ đầu, chăm sóc đối với người có công với cách mạng, được Nhà nước và nhân dân ghi nhận.
Bên cạnh đó, Ngành Chính sách Quân đội mà trực tiếp là Cục Chính sách đã chủ trì, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng và các Bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất với Đảng, Nhà nước ban hành hệ thống các văn bản thực hiện giải quyết chế độ, chính sách đối với người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế; đã có hàng triệu đối tượng được hưởng chế độ trợ cấp một lần, trợ cấp hàng tháng; chế độ bảo hiểm y tế, mai táng phí[3]... Đây là các chủ trương, chính sách lớn, đúng đắn, hợp lòng dân, có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc, được nhân dân và đối tượng chính sách đồng tình, đánh giá cao; góp phần tăng cường an sinh xã hội, ổn định tình hình chính trị - xã hội ở các địa phương và cả nước.
70 năm qua, Lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã huy động sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy truyền thống dân tộc và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua hy sinh, gian khổ, lập nên những chiến công lẫy lừng, viết lên những trang sử chói lọi trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; trong đó có một phần nhỏ đóng góp, thi đua của Ngành Chính sách Quân đội. Hiện nay, nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đặt ra cho công tác chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội những yêu cầu cao hơn, khó khăn, phức tạp hơn. Vì vậy, để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quân đội giao phó, Ngành Chính sách Quân đội luôn khắc ghi Lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếp tục phát huy truyền thống, ra sức thi đua bằng những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực; trong đó, tập trung thi đua thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là, tiếp rục quán triệt nâng cao nhận thức, trách nhiệm về phong trào thi đua yêu nước nói chung, phong trào Thi đua Quyết thắng trong Quân đội nói riêng như Bác Hồ đã dạy. Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất. Thi đua là trách nhiệm của mọi người, mọi tầng lớp và toàn xã hội; là làm tốt hơn công việc thường xuyên hàng ngày của mỗi cá nhân và tập thể để vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hai là, hăng hái thi đua thực hiện ngày càng tốt hơn chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội. Nhận thức sâu sắc chính sách hậu phương Quân đội là một trong những chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, có vai trò hết sức quan trọng trong xây dựng hậu phương vững mạnh, tạo nền tảng chính trị, vật chất, tinh thần, trực tiếp tác động mạnh mẽ đến nhiệm vụ xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng; góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện tốt chính sách hậu phương Quân đội, không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình cảm, tri ân đối với những người đã hy sinh xương máu, cống hiến cho nền độc lập, thống nhất đất nước.
Quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, Ngành Chính sách Quân đội tích cực thi đua, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với Đảng, Nhà nước sửa đổi, bổ sung, ban hành mới, hoàn thiện hệ thống chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội phù hợp với thực tiễn và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hính mới. Trọng tâm là:
- Nghiên cứu, đề xuất ban hành chính sách phục vụ yêu cầu hiện đại hóa Quân đội; lực lượng mới, làm nhiệm vụ đặc thù và ở các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo, quốc tế; lực lượng tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ; lực lượng tham gia giữ gìn hòa bình của Liên hợp quốc, v.v. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách đã ban hành bảo đảm phù hợp với thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội.
- Tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện chính sách tiền lương, phụ cấp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo tiến trình cải cách chính sách tiền lương của Nhà nước; chính sách đối với gia đình quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng tại ngũ, thiết thực góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đối với các đối tượng. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân, đẩy mạnh hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng; chương trình Nhà tình nghĩa, Nhà đồng đội, các hoạt động kết nghĩa, đỡ đầu, chăm sóc đối với người có công với cách mạng. Xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, làm cho phong trào thi đua thực hiện tốt chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội ngày càng lan tỏa sâu rộng, hiệu quả.
- Chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sĩ và chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng; đẩy nhanh tiến độ giải quyết tồn đọng chính sách về thương binh, liệt sĩ; đảm bảo không để sót đối tượng người có công lao, cống hiến với cách mạng mà không được quan tâm, chăm sóc. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chế độ, chính sách đối với Quân đội, hậu phương Quân đội, không để xảy ra sai sót, tiêu cực.
- Đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trong nước và ngoài nước theo Chỉ thị số 24-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI); Quyết định số 1237/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo; triển khai, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở trong nước, mở rộng và thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế, trao đổi, cung cấp thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ. Làm tốt công tác sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng kịp thời.
Ba là, chăm lo xây dựng cơ quan, đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, làm nòng cốt thi đua thực hiện tốt chính sách hậu phương Quân đội. Cán bộ, nhân viên Ngành Chính sách Quân đội phát huy truyền thống, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tận tụy, tâm huyết với công việc; có quan điểm quần chúng; có phương pháp, tác phong công tác sâu sát, khoa học; thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư trong thực hiện nhiệm vụ.
70 năm qua, “Lời kêu gọi Thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị cả về thực tiễn và lịch sử. Cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Ngành Chính sách Quân đội luôn khắc ghi, thấm nhuần sâu sắc tinh thần Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đẩy mạnh phong trào thi đua quyết thắng, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao./.
[1] - Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 1995, tr. 444 - 445.
[2] - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 10, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 327.
[3] - Đã giải quyết chế độ trợ cấp một lần đối với 26 vạn đối tượng tham gia kháng chiến chống Pháp theo Quyết định 47/2002/QĐ-TTg; 66,7 vạn đối tượng tham gia kháng chiến chống Mỹ theo Quyết định 290/2005/QĐ-TTg, Quyết định 188/2007/QĐ-TTg; hơn 97 vạn đối tượng hưởng trợ cấp một lần, 12.842 đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định 142/2008/QĐ-TTg; hơn 122 vạn đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế giúp Lào, Cam-pu-chia hưởng trợ cấp một lần, 1.462 đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định 62/2011/QĐ-TTg; hàng chục vạn dân công hỏa tuyến các thời kỳ đang được xét hưởng theo Quyết định 49/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó, đã ra quyết định hưởng chế độ trợ một lần hơn 560.000 đối tượng, v.v.
Số/ký hiệu | Ngày ban hành | Trích yếu |
---|---|---|
194/HD-CS | 18/01/2023 | Hướng dẫn công tác chính sách năm 2023 |
20/QĐ-CT | 05/01/2023 | Phê duyệt Kế hoạch công tác chính sách năm 2023 |
1757/CT-CS | 19/10/2022 | Về việc rà soát, đánh giá thực trạng; đề xuất chủ trương, giải pháp hỗ trợ giải quyết chính sách, ổn định hậu phương cán bộ, QNCN, CCQP, CN&VCQP |
1528/CT-CS | 13/09/2022 | Về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách hậu phương quân đội |
1263/CS-NC | 08/06/2022 | Về việc giải quyết chế độ, chính sách đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công chức quốc phòng, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng trong bàn giao, giải thể các trường cao đẳng nghề do Bộ Quốc phòng quản lý |
Số/ký hiệu | Ngày ban hành | Trích yếu |
---|---|---|
(Dự thảo) Tờ trình, (dự thảo) Thông tư | 11/09/2024 | (Dự thảo) Tờ trình, (dự thảo) Thông tư của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thay thế, bãi bỏ một số quy định, mẫu biểu tại các Thông tư liên tịch của Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính liên quan đến việc kê khai thông tin cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính |
75/2024/NĐ - CP | 30/06/2024 | Điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng |
13/2024/TT-BQP | 18/03/2024 | Sửa đổi, bổ sung một số điều của các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng liên quan đến việc kê khai thông tin cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính. |
82/2023/TT-BQP | 03/11/2023 | Quy định điều chỉnh trợ cấp hằng tháng đối với quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc |
55/2023/NĐ-CP | 21/07/2023 | Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng |
SỐ LƯỢT TRUY CẬP HIỆN TẠI: 489
TỔNG SỐ LƯỢT TRUY CẬP: 21710682