Hàng triệu thân nhân liệt sĩ, những bậc ông bà, cha mẹ, những người chồng, người vợ, người con đã mãi mãi không thể gặp lại những người thân yêu của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Chính họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi..., tinh thần của họ luôn sống với non sông Việt Nam”. Đảng, Nhà nước, nhân dân và Quân đội mãi mãi ghi tạc và đời đời biết ơn sự hy sinh cống hiến to lớn đó.
Với truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta, ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định chọn ngày 27/7 hằng năm là “Ngày Thương binh toàn quốc” để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta ghi nhớ, tôn vinh công ơn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công với nước.
70 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác chính sách và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” luôn được các cấp, các ngành, các địa phương và toàn xã hội quan tâm thực hiện ngày càng tốt hơn thể hiện tình cảm, trách nhiệm và lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã cống hiến, hy sinh xương máu vì độc lập tự do của Tổ quốc và sự trường tồn của dân tộc.
Là một mặt công tác quan trọng của CTĐ, CTCT trong quân đội, những năm qua, quán triệt các quan điểm, nguyên tắc chỉ đạo về công tác chính sách và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” của Đảng, công tác chính sách Quân đội, hậu phương Quân đội và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã được triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ và đạt hiệu quả thiết thực, trực tiếp góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ và các đối tượng chính sách, người có công.
Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng đã phối hợp với các bộ, ngành đề xuất với Đảng, Nhà nước tiếp tục bổ sung, hoàn thiện và ban hành nhiều chính sách mới đối với thương binh, liệt sĩ và người có công. Tiêu biểu, như: Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; Sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh quy định Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”; chỉ thị của Bộ Chính trị, các văn bản quy định của Chính phủ về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; chính sách đối với người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế... Các cơ quan, đơn vị Quân đội đã tập trung mọi nỗ lực, đề cao trách nhiệm, thực hiện có hiệu quả công tác chăm sóc, giúp đỡ các đối tượng chính sách. Ngành Chính sách Quân đội chủ động chỉ đạo, tham mưu, hướng dẫn việc xác nhận và quản lý chi trả chế độ theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (phần thuộc trách nhiệm của các đơn vị Quân đội), bảo đảm chặt chẽ, chính xác; từ năm 2010 đến nay, đã lập hồ sơ, đề nghị xác nhận hơn 800 liệt sĩ; cấp giấy chứng nhận thương binh cho hơn 6.000 trường hợp, hơn 5.000 bệnh binh; tham gia xác lập hồ sơ, đề nghị phong tặng, truy tặng hơn 75.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng…
Thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW ngày 15/5/2013 của Bộ Chính trị; Đề án “Tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến 2020 và những năm tiếp theo” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 27/7/2013 (gọi tắt là Đề án 1237), công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đã được các ban, bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo thực hiện, triển khai quyết liệt các giải pháp, đạt kết quả tích cực; trong đó, có sự đóng góp rất lớn của các đội chuyên trách tìm kiếm, quy tập của các đơn vị quân đội. Từ khi triển khai thực hiện Đề án 1237 đến nay, đã tìm kiếm, quy tập được gần 12.000 hài cốt liệt sĩ (ở trong nước gần 6.000; ở Lào gần 2.000; ở Campuchia: hơn 4.000). Đã đề xuất chủ trương, giải pháp và từng bước tôn tạo các công trình tưởng niệm liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh ở Lào và Campuchia. Các đơn vị Quân đội có nhiều hình thức thiết thực góp phần tu bổ, tôn tạo các nghĩa trang liệt sĩ địa bàn nơi đóng quân...
Việc chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng được cấp ủy, chỉ huy các cấp trong Quân đội quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai toàn diện, đồng bộ với nhiều nội dung, hình thức phong phú, phù hợp với thực tế của đơn vị, địa phương và nguyện vọng của đối tượng chính sách. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” phát triển cả bề rộng và chiều sâu, huy động được nhiều nguồn lực, mang lại hiệu quả cao, thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia. Từ năm 2010 đến nay, quân đội đã đóng góp hơn 443 tỷ đồng vào Quỹ Đền ơn đáp nghĩa; nhận phụng dưỡng 1.730 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; tuyển dụng, tạo việc làm cho 338 trường hợp là vợ, con liệt sĩ và thương binh, bệnh binh nặng...; đồng thời, triển khai có hiệu quả Chương trình xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đồng đội gắn với xã hội hóa công tác Đền ơn đáp nghĩa. Riêng đợt hoạt động cao điểm kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017), toàn quân đã xây mới 1.123 nhà tình nghĩa, 935 nhà đồng đội, “Ngôi nhà 100 đồng”, “Nhà mái ấm công đoàn, nghĩa tình đồng đội”, “Nhà mái ấm tình thương”; trao 589 sổ tiết kiệm, với số tiền hơn 1 tỷ đồng tặng các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng. Cùng với đó, các đơn vị còn tích cực tham gia xây dựng các công trình tình nghĩa ở địa phương nơi đóng quân; tổ chức khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người có công, đối tượng chính sách và nhân dân; đỡ đầu, kết nghĩa và hỗ trợ thiết thực các đoàn an, điều dưỡng thương, bệnh binh, Trung tâm Nuôi dưỡng người bị nhiễm chất độc hóa học (Làng Hữu nghị Việt Nam) và tổ chức các hoạt động về nguồn, thăm hỏi, tặng quà các đối tượng chính sách...
Chủ động đề xuất và tổ chức thực hiện chu đáo chính sách đối với người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế. Đến nay, cả nước có hơn 12.700 đối tượng được hưởng trợ cấp hằng tháng, hơn 969.000 đối tượng hưởng trợ cấp một lần với số tiền hơn 4.215 tỷ đồng (theo Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ); hơn 1.300 đối tượng hưởng trợ cấp hằng tháng, hơn 1 triệu đối tượng hưởng chế độ trợ cấp 1 lần, với số tiền hơn 4.832 tỷ đồng (theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 9/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ). Các đơn vị, địa phương trong cả nước đang tích cực đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg, ngày 14/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về một số chế độ, chính sách đối với dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế; phấn đấu đến hết năm 2017, cơ bản hoàn thành việc giải quyết chế độ đối với đối tượng trên địa bàn cả nước.
Những kết quả đã đạt được trong thời gian qua cho thấy quyết tâm chính trị, tình cảm, trách nhiệm, lòng biết ơn và tri ân của Đảng, Nhà nước, nhân dân và quân đội ta đối với công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, người có công với cách mạng, kháng chiến; từng bước đáp ứng nguyện vọng của thân nhân, gia đình liệt sĩ, đối tượng chính sách và nhân dân cả nước; góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước đối với các thế hệ người Việt Nam và cán bộ, chiến sĩ quân đội; tạo thêm động lực mới cho quá trình xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, thành tích đã đạt được, quá trình thực hiện công tác chính sách và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” cũng còn những hạn chế như: Ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương, việc quán triệt, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chính sách đối với người có công có mặt còn hạn chế; giải quyết một số nội dung tiến độ còn chậm, có việc còn kéo dài. Công tác quản lý chế độ, chính sách ở một số nơi chưa chặt chẽ, cá biệt còn để xảy ra tiêu cực; đời sống của cán bộ, chiến sĩ và đối tượng chính sách, người có công tuy đã được cải thiện nhưng nhìn chung còn khó khăn...
Trong tình hình mới, công tác chính sách và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” cần tiếp tục được phát huy, góp phần nâng cao đời sống của các đối tượng chính sách, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng, Nhà nước về chính sách xã hội; đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 5, Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chính sách xã hội đến năm 2020 và những năm tiếp theo, Chỉ thị số 368-CT/QUTW ngày 12/4/2016 của Quân ủy Trung ương “Về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội giai đoạn 2016 - 2020”; đồng thời, phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “Hiếu nghĩa, bác ái” của dân tộc để thực hiện ngày càng tốt hơn công tác chính sách và Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Thời gian tới, cấp ủy, cán bộ chủ trì các cơ quan, đơn vị trong toàn quân cần tập trung quán triệt và thực hiện tốt một số nội dung, giải pháp sau:
Một là, cấp ủy, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác chính sách và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Thực tiễn chỉ ra rằng, sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và cán bộ chủ trì có ý nghĩa quyết định đến kết quả thực hiện công tác chính sách và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Cấp ủy, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên các cấp đề cao trách nhiệm, quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị; lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan, đơn vị thực hiện tốt hơn nữa công tác chính sách và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; bám sát tình hình đất nước, quân đội, điều kiện, khả năng của cơ quan, đơn vị mình và nhu cầu, quyền lợi thiết thực của các đối tượng chính sách để đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo phù hợp. Lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc mục đích, ý nghĩa nhân văn của công tác thương binh, liệt sĩ, hậu phương quân đội và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; coi đây không chỉ là trách nhiệm, mà còn là đạo lý để mỗi người tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời kỳ mới. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời biểu dương người tốt, việc tốt; phát hiện, chấn chỉnh những nơi làm chưa tốt để khắc phục, tạo sự đồng bộ, thống nhất trong quá trình thực hiện.
Hai là, chủ động nghiên cứu, đề xuất với Đảng, Nhà nước tiếp tục hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật ưu đãi người có công, người tham gia kháng chiến; cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ nơi khó khăn gian khổ. Tập trung nghiên cứu, đề xuất với Đảng, Nhà nước hoàn thiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; triển khai thực hiện kết luận của Ban Bí thư về chế độ chính sách đối với người có công ở nước ngoài; giải quyết các chế độ, chính sách đối với người tham gia các thời kỳ kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Ưu tiên, bổ sung chế độ, chính sách đối với các đối tượng làm nhiệm vụ đặc thù, nhiệm vụ mới, cán bộ, chiến sĩ, nhân viên đang công tác ở những địa bàn chiến lược, biên giới, biển đảo; chính sách bảo đảm cho các đề án tinh giản biên chế, thu hút, khuyến khích người tài và nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ trong quân đội. Chủ động đề xuất chính sách tiền lương, phụ cấp, trợ cấp, chính sách bảo hiểm xã hội phù hợp với tiến trình cải cách chính sách xã hội của Nhà nước và đặc thù Quân đội. Đặc biệt, cần nghiên cứu, tổng kết rút kinh nghiệm từ thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện một số chính sách trong thời gian qua; kịp thời phổ biến, nhân rộng cách làm hay, ý tưởng sáng tạo, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm; phát huy dân chủ, công bằng, công khai, minh bạch, sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân, của cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện các chế độ, chính sách.
Ba là, đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” sâu rộng trong toàn quân, cùng toàn dân chăm sóc chu đáo, thiết thực đời sống người có công. Trước mắt, toàn quân triển khai thực hiện tốt đợt thi đua cao điểm “Uống nước nhớ nguồn, Đền ơn đáp nghĩa” nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ. Trong đó, tập trung hoàn thành tốt Chương trình xây dựng “Nhà tình nghĩa”, “Nhà đồng đội” tặng các đối tượng chính sách; Chương trình “Áo ấm” tặng thương binh, bệnh binh nặng, “Áo lụa tặng Mẹ” dành tặng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Tích cực đóng góp xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa; tổ chức tốt việc thăm hỏi, tặng quà các Trung tâm điều dưỡng thương binh, thân nhân liệt sĩ đang công tác trong Quân đội...
Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa phong trào chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng thông qua các chương trình tình nghĩa, huy động nguồn lực từ cộng đồng, xã hội cùng chăm lo các đối tượng chính sách. Tuyên truyền sâu rộng, tôn vinh, khen thưởng xứng đáng các đơn vị, địa phương làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ; những tấm gương thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công tiêu biểu; các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích, đóng góp trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, góp phần tôn vinh, tạo sự lan tỏa, chung tay góp sức của cả cộng đồng trong giữ gìn, phát huy truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Bốn là, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể địa phương nơi đóng quân thường xuyên quan tâm chăm lo tốt hơn nữa công tác chính sách và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Trước hết, cần phối hợp trong triển khai thực hiện các chế độ, chính sách, bảo đảm đúng, đủ, chu đáo, không để xảy ra tiêu cực. Triển khai đồng bộ các chủ trương, giải pháp công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính liệt sĩ; làm tốt hơn công tác tu bổ, tôn tạo các nghĩa trang liệt sĩ; đồng thời, tạo môi trường thuận lợi để thương binh, bệnh binh, người có công, gia đình người có công phát huy ý chí tự lực tự cường, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống và tham gia các hoạt động xã hội.
Thường xuyên quan tâm công tác giáo dục - đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm cho những người có công và con em của các đối tượng chính sách, nhất là vợ (hoặc chồng), con của liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công. Phát huy sức mạnh tổng hợp mọi nguồn lực trong chăm lo, giúp đỡ các gia đình chính sách cả về vật chất, tinh thần, đặc biệt là đối với các trường hợp còn nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Năm là, phát huy vai trò của ngành chính sách quân đội thực hiện tốt công tác tham mưu, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác chính sách và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa ”. Thời gian tới, ngành chính sách quân đội cần tiếp tục thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, tập trung nghiên cứu đề xuất với Đảng, Nhà nước bảo đảm tốt hơn chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng tại ngũ phù hợp với quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước; đề xuất và thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công, đẩy mạnh Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, cần chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ chính sách, cơ quan chính sách các cấp vững mạnh, luôn vững vàng về chính trị, tư tưởng, có đạo đức nghề nghiệp, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, tận tụy, trách nhiệm trong công tác, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Thực hiện tốt hơn nữa công tác chính sách và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” là việc làm thiết thực thể hiện sâu sắc đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc Việt Nam, nét đẹp truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam, của “Bộ đội Cụ Hồ”. Thực hiện tốt điều đó chính là góp phần tôn vinh và tri ân công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, những người có công với cách mạng, đã hy sinh xương máu, cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
Số/ký hiệu | Ngày ban hành | Trích yếu |
---|---|---|
194/HD-CS | 18/01/2023 | Hướng dẫn công tác chính sách năm 2023 |
20/QĐ-CT | 05/01/2023 | Phê duyệt Kế hoạch công tác chính sách năm 2023 |
1757/CT-CS | 19/10/2022 | Về việc rà soát, đánh giá thực trạng; đề xuất chủ trương, giải pháp hỗ trợ giải quyết chính sách, ổn định hậu phương cán bộ, QNCN, CCQP, CN&VCQP |
1528/CT-CS | 13/09/2022 | Về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách hậu phương quân đội |
1263/CS-NC | 08/06/2022 | Về việc giải quyết chế độ, chính sách đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công chức quốc phòng, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng trong bàn giao, giải thể các trường cao đẳng nghề do Bộ Quốc phòng quản lý |
Số/ký hiệu | Ngày ban hành | Trích yếu |
---|---|---|
(Dự thảo) Tờ trình, (dự thảo) Thông tư | 11/09/2024 | (Dự thảo) Tờ trình, (dự thảo) Thông tư của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thay thế, bãi bỏ một số quy định, mẫu biểu tại các Thông tư liên tịch của Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính liên quan đến việc kê khai thông tin cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính |
75/2024/NĐ - CP | 30/06/2024 | Điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng |
13/2024/TT-BQP | 18/03/2024 | Sửa đổi, bổ sung một số điều của các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng liên quan đến việc kê khai thông tin cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính. |
82/2023/TT-BQP | 03/11/2023 | Quy định điều chỉnh trợ cấp hằng tháng đối với quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc |
55/2023/NĐ-CP | 21/07/2023 | Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng |
SỐ LƯỢT TRUY CẬP HIỆN TẠI: 400
TỔNG SỐ LƯỢT TRUY CẬP: 21717715