Tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ là nhiệm vụ chính trị thiêng liêng, thể hiện sâu sắc truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc Việt Nam. Đảng, Nhà nước, nhân dân và Quân đội ta luôn đặc biệt quan tâm và triển khai thực hiện công tác này bằng nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ; trong đó, hợp tác quốc tế là một giải pháp quan trọng, nhằm phối hợp thực hiện hiệu quả công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở trong nước và nước ngoài.
Trải qua hơn nửa thế kỷ đấu tranh giải phóng dân tộc, thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả, bảo vệ Tổ quốc, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Ngay sau khi chiến tranh kết thúc, với tấm lòng thành kính, sự biết ơn sâu sắc trước công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, Đảng, Nhà nước ta đã sớm có chủ trương, chính sách về công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Tuy nhiên, do số lượng lớn, phạm vi rộng, khối lượng công việc nhiều nên việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ rất khó khăn, phức tạp. Để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị thiêng liêng này, đáp ứng nguyện vọng thiết tha của thân nhân, gia đình liệt sĩ và đồng bào, chiến sĩ cả nước, chúng ta đã huy động sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, toàn dân, toàn quân và cả cộng đồng. Đồng thời, chú trọng hợp tác quốc tế, nhất là với các nước bạn Lào, Campuchia để đẩy mạnh việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở địa bàn trong nước và nước ngoài.
Theo đó, Chính phủ Việt Nam đã ký các hiệp định thỏa thuận song phương với Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào (năm 1994), Chính phủ Vương quốc Campuchia (năm 2000) về việc tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh tại Lào, Campuchia. Chúng ta đã thống nhất việc thành lập Ban Công tác đặc biệt Chính phủ, ban công tác đặc biệt các tỉnh với bạn Lào và Ủy ban Chuyên trách Chính phủ, ban chuyên trách các tỉnh với Campuchia, để phối hợp chỉ đạo, tổ chức thực hiện các hiệp định, thỏa thuận. Những năm qua, Ban Công tác đặc biệt, Ủy ban Chuyên trách Chính phủ Việt Nam và Ban Công tác đặc biệt Chính phủ Lào, Ủy ban Chuyên trách Chính phủ Campuchia thường xuyên trao đổi, quan hệ, phối hợp chặt chẽ, chỉ đạo quyết liệt việc tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam, góp phần đưa công tác này đạt nhiều kết quả tích cực. Đến nay, Ban Công tác đặc biệt của hai Chính phủ Việt Nam - Lào đã hội đàm, ký kết 21 biên bản kỳ họp; Ủy ban Chuyên trách của hai Chính phủ Việt Nam - Campuchia đã hội đàm và ký 15 biên bản kỳ họp về công tác tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam. Nhờ sự phối hợp, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp, các ngành, chính quyền các địa phương, sự giúp đỡ, ủng hộ nhiệt tình của lực lượng vũ trang và nhân dân hai nước Bạn, các đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ của Việt Nam đã nỗ lực khắc phục khó khăn, tìm kiếm, cất bốc, hồi hương được số lượng lớn hài cốt liệt sĩ. Đến cuối năm 2016, Việt Nam đã tìm kiếm, quy tập được hơn 17.500 hài cốt liệt sĩ ở Lào (thực hiện từ 1994) và gần 18.000 hài cốt liệt sĩ ở Campuchia (thực hiện từ 2001) đưa về an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ trong nước. Kết quả đó có ý nghĩa chính trị - xã hội to lớn và giá trị nhân văn sâu sắc, không những thể hiện trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, nhân dân ta đối với các anh hùng liệt sĩ mà còn khẳng định mối quan hệ truyền thống, hữu nghị, đoàn kết Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia.
Trước thực trạng số lượng liệt sĩ nằm lại trên các chiến trường trong và ngoài nước chưa được tìm kiếm, quy tập còn nhiều, nguồn thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ ngày càng ít, độ chính xác không cao khi thời gian ngày một lùi xa,… Bộ Chính trị (khóa XI) đã ban hành Chỉ thị 24-CT/TW, ngày 15/5/2013 “Về tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo”; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1237/QĐ-TTg, ngày 27/7/2013 phê duyệt “Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo” (gọi tắt là Đề án 1237) và thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia 1237 để thống nhất chỉ đạo, phối hợp tổ chức thực hiện, nhằm tạo bước đột phá, đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; trong đó, tăng cường hợp tác quốc tế về công tác này tiếp tục được Đảng, Chính phủ coi trọng, chỉ đạo quyết liệt, triệt để.
Quán triệt, thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, Ban Chỉ đạo Quốc gia 1237, Ban Công tác đặc biệt, Ủy ban Chuyên trách Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và các đơn vị, bộ, ngành, địa phương đã chủ động triển khai nhiều giải pháp mở rộng hợp tác với các nước, các tổ chức và cá nhân có liên quan, nhằm thu thập thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ phương tiện, vật chất, kỹ thuật và phối hợp tham gia hoạt động tìm kiếm, quy tập hài cốt quân nhân Việt Nam hy sinh, mất tích trong chiến tranh, v.v. Ban Công tác đặc biệt, Ủy ban Chuyên trách Chính phủ đã tích cực trao đổi đoàn, phối hợp chặt chẽ với Ban Công tác đặc biệt Chính phủ Lào, Ủy ban Chuyên trách Chính phủ Campuchia và chính quyền các cấp của Lào, Campuchia để hội đàm, trao đổi, rút kinh nghiệm, thống nhất kế hoạch, phương hướng chỉ đạo, đẩy mạnh kết nối, thu thập thông tin, nâng cao hiệu quả hoạt động tìm kiếm, quy tập, hồi hương hài cốt liệt sĩ Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam. Mặc dù việc tìm kiếm, quy tập ngày càng khó khăn hơn do nguồn thông tin hạn chế; hài cốt liệt sĩ chủ yếu còn lại ở những nơi địa hình phức tạp, hiểm trở, nhưng từ năm 2013 đến nay, Việt Nam đã tìm kiếm, cất bốc và đưa gần 4.900 hài cốt liệt sĩ hy sinh ở Lào và Campuchia trở về với đất Mẹ.
Cùng với đó, để thực hiện mục tiêu của Đề án 1237, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao đã tích cực nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ mở rộng hợp tác quốc tế về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Ban Chỉ đạo Quốc gia 1237 đã chủ động xây dựng kế hoạch, tăng cường hợp tác với các nước có liên quan để phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Từ năm 2014 đến nay, Ban Chỉ đạo Quốc gia 1237 đã tổ chức nhiều đoàn công tác thăm, làm việc với tổ chức chính phủ, bộ quốc phòng và một số tổ chức, cá nhân của Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan. Thông qua đó, thống nhất nghiên cứu thiết lập cơ chế, thúc đẩy quan hệ hợp tác trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến quân nhân Việt Nam hy sinh, mất tin, mất tích trong chiến tranh mà tổ chức, cá nhân của các quốc gia này còn lưu giữ. Riêng đối với Trung Quốc và Thái Lan, Ban Chỉ đạo Quốc gia 1237 đã đề xuất chủ trương cất bốc, hồi hương số hài cốt liệt sĩ Việt Nam hiện an táng ở hai nước này, v.v. Bên cạnh đó, hoạt động giao lưu, ngoại giao nhân dân, nhất là với các tổ chức phi chính phủ, cá nhân của Hoa Kỳ nhằm phục vụ cho công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ được chú trọng đẩy mạnh. Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội hữu nghị Việt - Mỹ và các tổ chức xã hội đã có những cuộc tiếp xúc, trao đổi với đại diện Hội Cựu chiến binh Mỹ tham chiến tại Việt Nam, thúc đẩy các chương trình, sáng kiến hoạt động hợp tác nhân dân và cựu chiến binh hai nước, trong đó vấn đề chia sẻ thông tin, tìm kiếm quân nhân hy sinh, mất tin, mất tích trong chiến tranh luôn được coi trọng. Với sự hợp tác chặt chẽ, từ năm 1994 đến nay, các tổ chức phi chính phủ và cá nhân phía Hoa Kỳ đã cung cấp cho Việt Nam khoảng 800.000 trang tài liệu, kỷ vật liên quan đến quân nhân Việt Nam hy sinh, mất tin, mất tích trong chiến tranh. Từ nguồn thông tin, tài liệu quan trọng đó, kết hợp với nhiều nguồn thông tin khác, Việt Nam đã tìm kiếm, quy tập được trên 1.200 hài cốt liệt sĩ...
Những kết quả trên đây mới là bước đầu, song có ý nghĩa rất quan trọng, mở ra nhiều hướng hợp tác tìm kiếm thông tin liên quan đến quân nhân Việt Nam hy sinh, mất tin, mất tích trong chiến tranh, nhất là hợp tác ở cấp nhà nước; tạo điều kiện gỡ nút thắt, khó khăn lớn nhất hiện nay là việc thiếu thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ. Từ đó, thúc đẩy tiến độ, hiệu quả thực hiện Đề án 1237; đồng thời, góp phần tăng cường sự hiểu biết, xây dựng lòng tin, để các nước có quân đội đã trực tiếp tham gia chiến tranh ở Việt Nam đẩy mạnh hoạt động nhân đạo, phối hợp cùng Chính phủ và nhân dân Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh.
Trong những năm tới, bên cạnh những thuận lợi, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đã và đang đặt ra những vấn đề mới, ngày càng bức thiết, khó khăn, phức tạp hơn. Để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị thiêng liêng này, bên cạnh việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường huy động các nguồn lực xã hội,… chúng ta cần tiếp tục mở rộng, tăng cường hợp tác quốc tế, nhằm tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, tổ chức, cá nhân nước ngoài, thực hiện kết hợp nội lực với ngoại lực. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội, trước hết là Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và các địa phương có liên quan tiếp tục quán triệt sâu sắc Chỉ thị 24-CT/TW của Bộ Chính trị, Quyết định 1237/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và đường lối đối ngoại của Đảng. Trên cơ sở đó, chủ động đề xuất nội dung, kế hoạch hợp tác về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ với các nước có liên quan, phù hợp với tình hình thực tiễn.
Để tạo điều kiện cho mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, cần chính thức đưa vấn đề trao đổi, cung cấp thông tin, chia sẻ kinh nghiệm tìm kiếm quân nhân hy sinh, mất tin, mất tích trong chiến tranh vào chương trình hoạt động ngoại giao cấp cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Bộ Ngoại giao, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Nhà nước Việt Nam về tìm kiếm, quy tập, hồi hương hài cốt liệt sĩ. Đồng thời, tăng cường các kênh tiếp xúc đối ngoại, tư vấn lãnh sự để vận động chính phủ, các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin về quân nhân Việt Nam hy sinh, mất tin, mất tích trong chiến tranh; chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ về chính sách, các mặt bảo đảm cho công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ của Việt Nam. Bên cạnh đó, coi trọng kết nối, tranh thủ các nguồn thông tin cá nhân của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài về vấn đề này...
Phát huy kết quả đã đạt được, các cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với Ban Công tác đặc biệt Chính phủ Lào, Ủy ban Chuyên trách Chính phủ Campuchia và các cấp chính quyền của Lào, Campuchia để đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập, hồi hương hài cốt liệt sĩ ở nước Bạn. Trước mắt, Ban Công tác đặc biệt, Ủy ban Chuyên trách Chính phủ chuẩn bị chu đáo cho Kỳ họp lần thứ 22 với Ban Công tác đặc biệt Chính phủ Lào, Kỳ họp lần thứ 16 với Ủy ban Chuyên trách Chính phủ Campuchia, kịp thời rút kinh nghiệm, thống nhất kế hoạch tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mùa khô 2017 - 2018 và những năm tiếp theo. Để đạt mục tiêu đề ra, các cơ quan chức năng, các quân khu, địa phương tăng cường phối hợp với phía Bạn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, nhất là cựu binh đã từng tham gia phối hợp chiến đấu, các đảng phái, chủ đất, chủ rừng, nhà chùa và cả những người trước đây thuộc “phía bên kia” tiếp tục phát hiện, cung cấp thông tin về mộ liệt sĩ. Đề nghị Chính phủ Lào, Campuchia chỉ đạo các cấp chính quyền, các cơ quan liên quan và nhân dân các địa phương tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ của Việt Nam thực hiện nhiệm vụ. Các quân khu, địa phương chú trọng kiện toàn tổ chức, tăng cường công tác quản lý các đội chuyên trách làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở Lào, Campuchia phù hợp với tình hình mới. Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục phối hợp, chỉ đạo rà soát, đề xuất Chính phủ phương án tu bổ, tôn tạo, xây dựng các Tượng đài “Tình đoàn kết liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào”, Đài “Hữu nghị Việt Nam - Campuchia”, nhằm giáo dục truyền thống, góp phần thắt chặt mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam với Lào, Campuchia, tạo nền tảng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam.
Ban Chỉ đạo Quốc gia 1237 tiếp tục triển khai các hoạt động gặp gỡ, trao đổi, mở rộng quan hệ hợp tác với các nước, các tổ chức và cá nhân có liên quan, nhằm đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở địa bàn trong nước. Trong đó, tăng cường tiếp xúc, trao đổi, đề nghị phía Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Thái Lan, Ôxtrâylia, Philíppin sớm xác định đối tác hợp tác của mỗi nước tương ứng với Ban Chỉ đạo Quốc gia 1237 của Việt Nam và xây dựng cơ chế hợp tác để nâng cao hiệu quả thu thập, xử lý, cung cấp thông tin về quân nhân Việt Nam hy sinh, mất tin, mất tích trong chiến tranh mà các tổ chức, cá nhân của các nước này còn lưu giữ, cũng như chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao ứng dụng khoa học, công nghệ, hỗ trợ công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ của Việt Nam, v.v. Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao tiếp tục làm việc với cơ quan chức năng của Trung Quốc, Thái Lan, sớm thỏa thuận, thống nhất về chủ trương, lộ trình thời gian và các thủ tục liên quan để cất bốc, hồi hương hài cốt quân nhân Việt Nam hy sinh, từ trần đang an táng tại hai nước này. Cùng với đó, đẩy mạnh nghiên cứu, tìm hiểu kinh nghiệm của các nước trong khu vực và trên thế giới về việc giải quyết vấn đề tìm kiếm quân nhân hy sinh, mất tin, mất tích trong chiến tranh và các thiết chế tri ân liệt sĩ, báo cáo Ban Chỉ đạo Quốc gia 1237 chỉ đạo triển khai thực hiện để công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đạt hiệu quả ngày càng cao.
Nắm vững chủ trương, quan điểm của Đảng và nêu cao truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tiếp tục kết hợp chặt chẽ nội lực với ngoại lực, phát huy sức mạnh tổng hợp, thực hiện tốt công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Qua đó, thiết thực tri ân công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân”, tăng cường sức mạnh chính trị, tinh thần của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.
(Nguồn: Tạp chí QPTD số tháng 7/2017)
Số/ký hiệu | Ngày ban hành | Trích yếu |
---|---|---|
194/HD-CS | 18/01/2023 | Hướng dẫn công tác chính sách năm 2023 |
20/QĐ-CT | 05/01/2023 | Phê duyệt Kế hoạch công tác chính sách năm 2023 |
1757/CT-CS | 19/10/2022 | Về việc rà soát, đánh giá thực trạng; đề xuất chủ trương, giải pháp hỗ trợ giải quyết chính sách, ổn định hậu phương cán bộ, QNCN, CCQP, CN&VCQP |
1528/CT-CS | 13/09/2022 | Về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách hậu phương quân đội |
1263/CS-NC | 08/06/2022 | Về việc giải quyết chế độ, chính sách đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công chức quốc phòng, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng trong bàn giao, giải thể các trường cao đẳng nghề do Bộ Quốc phòng quản lý |
Số/ký hiệu | Ngày ban hành | Trích yếu |
---|---|---|
(Dự thảo) Tờ trình, (dự thảo) Thông tư | 11/09/2024 | (Dự thảo) Tờ trình, (dự thảo) Thông tư của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thay thế, bãi bỏ một số quy định, mẫu biểu tại các Thông tư liên tịch của Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính liên quan đến việc kê khai thông tin cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính |
75/2024/NĐ - CP | 30/06/2024 | Điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng |
13/2024/TT-BQP | 18/03/2024 | Sửa đổi, bổ sung một số điều của các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng liên quan đến việc kê khai thông tin cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính. |
82/2023/TT-BQP | 03/11/2023 | Quy định điều chỉnh trợ cấp hằng tháng đối với quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc |
55/2023/NĐ-CP | 21/07/2023 | Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng |
SỐ LƯỢT TRUY CẬP HIỆN TẠI: 593
TỔNG SỐ LƯỢT TRUY CẬP: 21715781