Ban Chỉ đạo 515 huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định tổ chức Hội nghị kết luận địa bàn tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ (tháng 4/2019).
Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, tỉnh Nam Định đã có hàng vạn người con lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên các chiến trường; có hàng nghìn liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc1. Mặc dù được Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đặc biệt quan tâm, nhưng vẫn còn nhiều thân nhân, gia đình liệt sĩ chưa tìm được thông tin về phần mộ và hài cốt liệt sĩ. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 213 nghĩa trang liệt sĩ với 30.434 ngôi mộ liệt sĩ; trong đó, 9.041 ngôi mộ có đầy đủ thông tin, 3.557 ngôi mộ mới có một phần thông tin, 2.497 ngôi mộ liệt sĩ chưa có thông tin. Để tri ân công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, làm giảm bớt phần nào nỗi đau mất mát và đáp ứng tình cảm, nguyện vọng thiết tha của thân nhân, gia đình liệt sĩ, những năm qua, Bộ CHQS tỉnh Nam Định đã phát huy vai trò nòng cốt, chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tích cực triển khai thực hiện Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ (Đề án 1237) và Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin (Đề án 150). Trong đó, tập trung rà soát, hoàn thiện hồ sơ, danh sách liệt sĩ; kết luận địa bàn, lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở 03 cấp (xã, huyện, tỉnh), xác định đây là nhiệm vụ chính trị thiêng liêng, công tác quan trọng hàng đầu trong chính sách “Đền ơn đáp nghĩa” của địa phương.
Quán triệt, thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW, ngày 15/5/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) “Về tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo”; hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia và Ban Chỉ đạo Quân khu 3 về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ (Ban Chỉ đạo 515), Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 515 tỉnh Nam Định đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng, ban hành Kế hoạch số 57/KH-UBND về triển khai lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trên địa bàn Tỉnh. Đồng thời, trực tiếp xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn, tổ chức hội nghị tập huấn, triển khai việc lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; chọn huyện Xuân Trường và xã Xuân Hòa (huyện Xuân Trường) làm trước để rút kinh nghiệm chung trong toàn tỉnh. Nhờ đó, việc triển khai xác minh, kết luận địa bàn, lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đảm bảo đồng bộ, đúng hướng, thống nhất cao trong tổ chức thực hiện ở các cấp, ngành và nhân dân.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác rà soát, xác minh, kết luận địa bàn, lập bản đồ tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ, Bộ CHQS tỉnh thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể, huyện, thành phố làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến ở các cấp với nhiều hình thức, biện pháp phong phú, đa dạng. Mở các chuyên trang, chuyên mục trên Báo, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Nam Định; đài phát thanh, truyền thanh ở các địa phương, cơ sở, nhằm tuyên truyền sâu rộng chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ; làm sâu sắc hơn mục đích, ý nghĩa nhân văn của công tác này. Thông qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, tầng lớp nhân dân, khơi dậy nghĩa cử cao đẹp, truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, huy động sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng. Đồng thời, phát huy vai trò của các tổ chức, như: Hội Cựu Thanh niên xung phong, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi, Ban Liên lạc hội truyền thống các đơn vị,... trong việc cung cấp thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ.
Cùng với đó, Bộ CHQS tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng tích cực khai thác, sử dụng kết quả giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị Quân đội và hồ sơ, danh sách, cơ sở dữ liệu về liệt sĩ, mộ liệt sĩ đã được xác minh để kết nối thông tin. Đồng thời, đề nghị các địa phương, đơn vị trên toàn quốc rà soát, cung cấp danh sách liệt sĩ là người Nam Định. Từ đó, phân tách theo quê quán của liệt sĩ để xác minh, chuẩn hóa thông tin, thông báo cho thân nhân gia đình liệt sĩ và phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Ban chỉ huy quân sự các huyện, thành phố đã phối hợp với chính quyền các xã, phường, thị trấn, Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh, các tổ chức quần chúng triển khai phát phiếu cung cấp thông tin liệt sĩ tới 100% các hộ gia đình. Tiếp nhận, so sánh, đối chiếu danh sách liệt sĩ hy sinh trên địa bàn do cấp trên chuyển giao; tổng hợp, phân tích, rà soát, xác minh thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ do các tổ chức, cá nhân cung cấp2. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, danh sách liệt sĩ thuộc cấp huyện quản lý; lập danh sách liệt sĩ hy sinh, nơi chôn cất ban đầu ở từng địa phương; chuyển danh sách liệt sĩ, hồ sơ tìm kiếm, quy tập và hướng dẫn các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn rà soát, xác minh, kết luận địa bàn bảo đảm chính xác.
Để việc lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đảm bảo chính xác, Bộ CHQS tỉnh tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo tiến hành rà soát, xác minh, kết luận địa bàn chặt chẽ ngay từ thôn, xóm, tổ dân phố. Trong đó, tập trung xác định rõ các khu vực, địa bàn có mộ liệt sĩ đã tìm kiếm, quy tập xong; khu vực, địa bàn có thông tin mộ liệt sĩ nhưng chưa tổ chức tìm kiếm, quy tập; đã tổ chức tìm kiếm, quy tập nhưng chưa có kết quả... Tỉnh yêu cầu hội đồng chính sách cấp xã, phường phải dự hội nghị kết luận địa bàn của từng thôn, xóm, tổ dân phố; Ban Chỉ đạo 515 cấp huyện dự hội nghị kết luận địa bàn của các xã, phường, thị trấn; Bộ CHQS tỉnh và các thành viên Ban Chỉ đạo 515 tỉnh dự hội nghị kết luận địa bàn, nắm thông tin tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ của các huyện, thành phố. Trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo 515 các huyện, thành phố thành lập tổ công tác, phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn thẩm định kết quả rà soát, xác minh và tiến hành lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Đối với các khu vực khả năng có mộ liệt sĩ, Bộ CHQS tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tiếp tục rà soát, xác minh, thu thập thông tin, tổ chức khảo sát, kết luận cụ thể từng khu vực, vị trí. Trong quá trình lập bản đồ tìm kiếm, quy tập, Tỉnh kết hợp giữa sử dụng bản đồ số với bộ công cụ ký hiệu bản đồ để khảo sát, xác minh, đánh dấu tọa độ nên đã giảm được 1/3 thời gian thực hiện so với dùng bản đồ giấy. Các huyện, thành phố đã tiến hành lập bản đồ tìm kiếm, quy tập bảo đảm đủ nội dung, đúng trình tự các bước quy định và phản ánh đúng kết quả công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trên địa bàn. Đến nay, tỉnh Nam Định đã hoàn thành kết luận địa bàn, tiến hành lập, vẽ xong bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ cấp tỉnh3, được Ban Chỉ đạo 515 Quân khu 3 ghi nhận, đánh giá cao.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số mộ liệt sĩ đã tìm kiếm, quy tập nhưng chưa có kết quả; nhiều ngôi mộ liệt sĩ còn thiếu hoặc chưa có thông tin. Trong khi đó, nhân chứng biết thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ ngày càng ít; địa hình thay đổi nhiều do quá trình đô thị hóa, phát triển kinh tế - xã hội; việc chia tách, sáp nhập địa giới hành chính,... đang tạo ra những khó khăn không nhỏ, tác động tới công tác thu thập thông tin về liệt sĩ và mộ liệt sĩ. Trước thực tế đó, Bộ CHQS tỉnh tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 24-CT/TW của Bộ Chính trị, Đề án 1237 của Thủ tướng Chính phủ, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong thực hiện chính sách hậu phương Quân đội và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Đề cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp; năng lực tham mưu, hướng dẫn, triển khai thực hiện của các cơ quan chuyên môn trong tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ. Tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự vào cuộc quyết liệt của các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan chức năng liên quan, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Đẩy mạnh đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền; phát huy có hiệu quả các thiết chế, phương tiện truyền thông nhằm tuyên truyền sâu rộng mục đích, ý nghĩa của công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ, lan tỏa thông tin tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính liệt sĩ.
Cùng với đó, Bộ CHQS tỉnh phát huy tốt vai trò là cơ quan trung tâm phối hợp, hiệp đồng với các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan, nhất là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Cựu chiến binh, Hội Cựu thanh niên xung phong, Công an tỉnh. Đồng thời, tích cực vận động các tổ chức, cá nhân tiếp tục cung cấp thông tin, trao đổi kinh nghiệm về công tác tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin và xác minh, kết luận thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ theo đúng Hướng dẫn số 1914/HD-VP, ngày 16/7/2015 của Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia 515. Làm tốt công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án 1237 ở các địa phương, đơn vị; xử lý kịp thời những thông tin, kết quả tìm kiếm, quy tập, những vướng mắc nảy sinh; kịp thời biểu dương, khen thưởng gương người tốt, việc tốt trong tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ.
Thực hiện tốt các nội dung giải pháp trên là hành động thiết thực để tri ân các anh hùng, liệt sĩ, người có công với cách mạng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh Nam Định. Qua đó, tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, thực hiện tốt chính sách hậu phương Quân đội, góp phần củng cố “thế trận lòng dân”, tạo nền tảng xây dựng nền quốc phòng toàn dân, khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc.
______________
1 - Nam Định có hơn 36.000 liệt sĩ, 25.000 thương binh, 16.000 bệnh binh.
2 - Tỉnh đã thu nhận được 2.156 phiếu có thông tin cung cấp về mộ liệt sĩ.
3 - Đã xác minh, kết luận có 5.153 mộ liệt sĩ, nơi chôn cất ban đầu khi hy sinh; trong đó, đã tìm kiếm, quy tập được 5.142 liệt sĩ, còn 11 hài cốt liệt sĩ đã tìm kiếm, quy tập nhưng không có kết quả.
Số/ký hiệu | Ngày ban hành | Trích yếu |
---|---|---|
194/HD-CS | 18/01/2023 | Hướng dẫn công tác chính sách năm 2023 |
20/QĐ-CT | 05/01/2023 | Phê duyệt Kế hoạch công tác chính sách năm 2023 |
1757/CT-CS | 19/10/2022 | Về việc rà soát, đánh giá thực trạng; đề xuất chủ trương, giải pháp hỗ trợ giải quyết chính sách, ổn định hậu phương cán bộ, QNCN, CCQP, CN&VCQP |
1528/CT-CS | 13/09/2022 | Về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách hậu phương quân đội |
1263/CS-NC | 08/06/2022 | Về việc giải quyết chế độ, chính sách đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công chức quốc phòng, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng trong bàn giao, giải thể các trường cao đẳng nghề do Bộ Quốc phòng quản lý |
Số/ký hiệu | Ngày ban hành | Trích yếu |
---|---|---|
(Dự thảo) Tờ trình, (dự thảo) Thông tư | 11/09/2024 | (Dự thảo) Tờ trình, (dự thảo) Thông tư của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thay thế, bãi bỏ một số quy định, mẫu biểu tại các Thông tư liên tịch của Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính liên quan đến việc kê khai thông tin cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính |
75/2024/NĐ - CP | 30/06/2024 | Điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng |
13/2024/TT-BQP | 18/03/2024 | Sửa đổi, bổ sung một số điều của các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng liên quan đến việc kê khai thông tin cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính. |
82/2023/TT-BQP | 03/11/2023 | Quy định điều chỉnh trợ cấp hằng tháng đối với quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc |
55/2023/NĐ-CP | 21/07/2023 | Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng |
SỐ LƯỢT TRUY CẬP HIỆN TẠI: 231
TỔNG SỐ LƯỢT TRUY CẬP: 21763937