Trả lời
1. Về chế độ chính sách đối với quân nhân dự bị khi được huy động tham gia huấn luyện, diễn tập
* Tại Điều 23 Nghị định số 39/CP ngày 28/4/1997 của Chính phủ qui định đối tượng được hưởng chế độ chính sách, như sau:
“1. Về chế độ tiền lương và phụ cấp:
a) Quân nhân dự bị đang hưởng lương từ ngân sách Nhà nước được cơ quan, đơn vị nơi làm việc trả nguyên lương và các khoản phụ cấp, trợ cấp, phúc lợi, phụ cấp đi đường và tiền tàu xe theo chế độ hiện hành đối với công nhân, viên chức đi công tác. Cơ quan, đơn vị đang hưởng lương từ nguồn ngân sách nào thì do nguồn ngân sách đó bảo đảm.
b) Quân nhân dự bị thuộc các đối tượng khác được đơn vị Quân đội cấp một khoản phụ cấp bằng mức lương theo cấp bậc quân hàm của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hoặc bằng mức phụ cấp theo cấp bậc quân hàm của hạ sĩ quan, binh sĩ; được cấp tiền tàu xe và phụ cấp đi đường như đối với quân nhân tại ngũ.
2. Được mượn quân trang, được mượn hoặc cấp một số đồ dùng sinh hoạt và đài thọ về ăn theo chế độ hiện hành đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ.
3. Gia đình của sĩ quan dự bị đã qua phục vụ tại ngũ, gia đình của quân nhân chuyên nghiệp dự bị và gia đình của hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị hạng một đã qua phục vụ tại ngũ được hưởng một khoản trợ cấp như sau:
a) Quân nhân dự bị không hưởng tiền lương, tiền công thì gia đình được trợ cấp mỗi ngày bằng hệ số 0,1 so với tiền lương tối thiểu;
b) Quân nhân dự bị đang hưởng tiền lương, tiền công thì gia đình được trợ cấp mỗi ngày bằng hệ số 0,05 so với lương tối thiểu.
4. Quân nhân dự bị trong diện phải thực hiện nghĩa vụ lao động công ích, thì thời gian tập trung được trừ vào thời gian nghĩa vụ lao động công ích của bản thân. Nếu thời gian tập trung nói trên nhiều hơn thời gian nghĩa vụ lao động công ích của bản thân thì được trừ tiếp vào năm sau.
5. Quân nhân dự bị đang công tác ở các cơ quan, đơn vị nếu đang nghỉ phép năm mà được gọi tập trung thì những ngày phép còn lại được nghỉ tiếp sau đó hoặc được nghỉ tiếp vào thời gian thích hợp.
Nếu thời gian tập trung nói trên trùng với thời gian thi nâng bậc, thi kết thúc học kỳ hoặc thi kết thúc khóa học nghiệp vụ tại chức và có chứng nhận của nơi làm việc, nơi học tập thì quân nhân dự bị được hoãn tập trung đợt đó.
6. Quân nhân dự bị nếu bị thương, ốm đau hoặc chết mà đang tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thì được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định hiện hành. Quân nhân dự bị chưa tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thì được Nhà nước trợ cấp. Quân nhân dự bị nếu bị thương hoặc hy sinh mà được xác nhận là thương binh, liệt sĩ thì bản thân và gia đình được hưởng các chế độ chính sách ưu đãi đối với người có công theo quy định hiện hành. Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện các chế độ chính sách trên.
7. Quân nhân dự bị có thành tích thì được xét khen thưởng theo quy định hiện hành và được tính thành tích đó vào thành tích thi đua ở đơn vị cơ sở.”
* Tại Mục B Thông tư liên tịch số 1232/1998/TTLT-BQP-BLĐTB&XH-BTC ngày 24/4/1998 của Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính quy định chế độ chính sách đối với quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu, như sau:
“1. Đối tượng được hưởng chế độ chính sách quy định tại Điều 23 Nghị định 39/CP (như đã nêu ở trên).
2. Chế độ tiền lương, các khoản phụ cấp, trợ cấp và phúc lợi khác
a) Quân nhân dự bị đang hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, trong thời gian tập trung được cơ quan, đơn vị nơi làm việc trả nguyên lương và các khoản phụ cấp, trợ cấp, phúc lợi, phụ cấp đi đường và tiền tàu xe theo chế độ hiện hành đối với công nhân, viên chức đi công tác. Cơ quan, đơn vị đang hưởng lương từ nguồn ngân sách nào thì do nguồn ngân sách đó bảo đảm.
b) Quân nhân dự bị thuộc các đối tượng khác:
- Nếu thời gian tập trung từ 5 ngày trở lên trong một đợt thì được cấp một khoản phụ cấp như sau:
+ Đối với hạ sĩ quan, binh sĩ, khoản phụ cấp được tính bằng mức phụ cấp quân hàm hai năm đầu của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ có cùng cấp bậc quân hàm. Nếu thời gian tập trung từ 5 ngày đến 15 ngày thì được hưởng ½ tháng phụ cấp; nếu tập trung từ 16 ngày đến 31 ngày thì được hưởng cả tháng phụ cấp; nếu tập trung trên 31 ngày thì mức phụ cấp tiếp tục được hưởng như qui định từ đầu.
+ Được thanh toán tiền tàu xe, phụ cấp đi đường theo chế độ hiện hành như quân nhân tại ngũ đi công tác.
Các khoản phụ cấp và tiền tàu xe, phụ cấp đi đường nói ở trên do các đơn vị quân đội tổ chức huấn luyện, diễn tập, kiểm tra trực tiếp chi trả cho quân nhân dự bị khi kết thúc đợt tập trung và quyết toán vào ngân sách quốc phòng nếu là đơn vị bội đội chủ lực, quyết toán vào ngân sách tỉnh nếu là đơn vị bộ đội địa phương.
3. Chế độ trợ cấp cho gia đình:
a) Sĩ quan dự bị đã qua phục vụ tại ngũ, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị hạng một đã qua phục vụ tại ngũ trong thời gian tập trung được hưởng khoản trợ cấp cho gia đình như sau:
- Người không hưởng tiền lương, tiền công (không phân biệt thành phần kinh tế) được trợ cấp một ngày bằng 0,1 mức lương tối thiểu theo quy định của Chính phủ.
- Người đang hưởng tiền lương, tiền công của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được trợ cấp một ngày bằng 0,05 mức lương tối thiểu theo quy định của Chính phủ.
Ban chỉ huy quân sự huyện chi trả trợ cấp cho quân nhân dự bị mỗi khi kết thúc đợt tập trung.”
Căn cứ quy định nêu trên, đồng chí có thể biết được chế độ chính sách mình được hưởng thuộc đối tượng nào trong thời gian tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu.
2. Về nguyện vọng đi học sĩ quan dự bị và thủ tục đề nghị
Việc tuyển chọn, xét duyệt và gọi người đi đào tạo sĩ quan dự bị, tại Điểm 3.1 Khoản 3 Mục I Thông tư số 14/2003/TT/BQP ngày 22/02/2003 của Bộ Quốc phòng hướng dẫn thi hành Nghị định số 26/2002/NĐ-CP ngày 21/3/2002 của Chính phủ về sĩ quan dự bị Quân đội nhân dân Việt Nam, qui định: Cán bộ công chức, những người tốt nghiệp đại học trở lên, hạ sĩ quan dự bị hạng 1 đang công tác hoặc thường trú tại địa phương do cơ quan quân sự huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi là huyện) tổ chức tuyển chọn theo kế hoạch và chỉ đạo của Ủy ban nhân dân huyện, hướng dẫn của cơ quan quân sự cấp trên; sau khi quân khu thẩm định, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện ra quyết định gọi từng người đi đào tạo sĩ quan dự bị.
Căn cứ quy định trên, nếu đồng chí có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định, có nguyện vọng đi học sĩ quan dự bị thì làm đơn và gửi cơ quan quân sự xã nơi đồng chí công tác hoặc thường trú để được tư vấn tuyển chọn; về thủ tục, hồ sơ xét tuyển đi học sĩ quan dự bị do cơ quan quân sự xã, huyện thực hiện, trình cấp có thẩm quyền quyết định./.
Phòng Nghiên cứu tổng hợp/Cục Chính sách