Thưa các đồng chí Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Thưa các Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Thưa toàn thể các đồng chí và các đại biểu!
Tôi rất vui mừng và cảm động khi được gặp gần 300 Bà mẹ Việt Nam anh hùng trong buổi gặp mặt đại biểu Bà mẹ Việt Nam anh hùng toàn quốc hôm nay. Dù tuổi đã cao, sức khỏe không còn tốt nhưng các Mẹ của chúng ta đã không quản ngại đường sá xa xôi về Hà Nội để tham dự hoạt động rất có ý nghĩa này.
Nhân dịp kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, xin thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi trân trọng gửi đến các đồng chí lão thành cách mạng, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, các đồng chí thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng trong cả nước lời thăm hỏi ân cần, những tình cảm sâu nặng và lòng biết ơn sâu sắc nhất.
Tôi hoan nghênh Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Bộ Y tế, Báo Nhân dân, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, UBND thành phố Hà Nội và Đài Truyền hình Việt Nam lần đầu tiên tổ chức gặp mặt đại biểu Bà mẹ Việt Nam anh hùng toàn quốc. Đây là dịp thể hiện những tình cảm chân thành, sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và đồng bào, chiến sỹ cả nước đối với các Bà mẹ Việt Nam anh hùng - những người mẹ vĩ đại đã hy sinh, hiến dâng những người thân yêu, ruột thịt của mình trong các cuộc kháng chiến, đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tôi đề nghị Ban Tổ chức buổi gặp mặt tổ chức đón tiếp, phục vụ các Mẹ thật tận tình, bố trí nơi ăn, chỗ nghỉ, phương tiện đi lại thật chu đáo. Ngoài vào Lăng viếng Bác, đề nghị tổ chức cho các Mẹ tham quan Thủ đô Hà Nội để chứng kiến sự đổi thay của đất nước; kiểm tra toàn diện sức khỏe cho các Mẹ để bảo đảm khi trở về địa phương, tất cả các Mẹ đều vui, mạnh khỏe và có quà cho con cháu ở nhà.
Thưa các Mẹ và các đồng chí!
Với truyền thống yêu nước nồng nàn qua hàng nghìn năm lịch sử, dân tộc Việt Nam “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”. Gần một thế kỷ qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, nhân dân ta đã vượt qua muôn vàn gian khổ, anh hùng, bất khuất chống lại mọi kẻ thù xâm lược để giành độc lập dân tộc, thống nhất non sông, đất nước. Trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do và tương lai tươi sáng của đất nước, vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc ta mà phần lớn là thanh niên, đã xả thân, hiến dâng trọn tuổi thanh xuân cho Tổ quốc, dũng cảm chiến đấu, anh dũng hy sinh hoặc mang thương tật suốt đời.
Ngày nay, chiến tranh đã đi qua, đất nước đã hòa bình, thống nhất nhưng hàng triệu thân nhân liệt sĩ, những bậc ông bà, cha mẹ, những người chồng, người vợ và những người con mãi mãi không gặp lại những người thân yêu nhất của mình. Trong sự mất mát, đau thương đó có sự hy sinh cao cả và thầm lặng của những người mẹ, người vợ liệt sĩ. Nhiều người mẹ không những đã lau nước mắt tiễn chồng mà lần lượt tiễn các con, để rồi có những đứa con không trở về khiến lòng mẹ chồng chất nỗi đau hơn “ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ”. Sự cống hiến, hy sinh của các anh hùng liệt sĩ trong kháng chiến to lớn bao nhiêu thì những nỗi đau và hy sinh thầm lặng của những người mẹ ở hậu phương cũng lớn lao bội phần, như nhà thơ Tố Hữu đã viết:
“Con đi trăm núi ngàn khe,
Chưa bằng muôn nỗi tái tê lòng bầm.
Con đi đánh giặc mười năm,
Chưa bằng khó nhọc đời bầm sáu mươi.”
Thưa các Mẹ và các đồng chí!
Trong 73 năm qua, nhất là trong gần 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng và tổ chức vận động toàn dân tích cực tham gia các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”. Nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ưu đãi đối với người có công được ban hành; đối tượng hưởng chính sách ưu đãi được mở rộng, các chế độ ưu đãi từng bước được bổ sung, hoàn thiện, thể hiện sự trân trọng, biết ơn, chăm lo của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đặc biệt, việc chăm lo, phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng đã trở thành một chính sách lớn của Đảng, Nhà nước. Đến nay, sau 25 năm thực hiện Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, Đảng, Nhà nước đã phong tặng và truy tặng 139.275 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; trong đó, hiện có 4.962 Mẹ còn sống, đang được các cơ quan, tổ chức và gia đình phụng dưỡng.
Tại buổi gặp mặt hôm nay, một lần nữa, chúng ta nhiệt liệt chào mừng gần 300 đại biểu Bà mẹ Việt Nam anh hùng toàn quốc, đại diện cho hàng trăm nghìn Bà mẹ Việt Nam anh hùng và hàng triệu người có công trên khắp mọi miền Tổ quốc. Mỗi Mẹ là một câu chuyện cảm động về sự hy sinh cao cả, kiên trung, là tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho các thế hệ mai sau đời đời ghi nhớ, tri ân và biết ơn sâu sắc.
Tôi thật sự xúc động khi được biết, dù phần lớn đã tuổi cao, sức yếu, song với ý chí và nghị lực phi thường, các Mẹ của chúng ta đều vượt mọi khó khăn, bệnh tật để sống vui, sống khỏe và động viên con cháu, người thân tích cực học tập, lao động và cống hiến cho xã hội, góp phần xây dựng gia đình, quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.
Nhân dịp này, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi nhiệt liệt biểu dương nghị lực, ý chí vươn lên của các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với cách mạng và bày tỏ sự kính trọng, biết ơn với các Bà mẹ Việt Nam anh hùng trong cả nước.
Tôi cũng biểu dương và đánh giá cao kết quả thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, tri ân người có công với cách mạng trong những năm qua của các cấp, các ngành, cơ quan, đoàn thể từ Trung ương tới địa phương cả nước, nhất là các chương trình tặng nhà tình nghĩa; các hoạt động thăm, tặng quà các trung tâm thương binh, người có công; phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng; tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; giải quyết hồ sơ tồn đọng của người có công; tổ chức khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho các đối tượng chính sách; tu sửa, tôn tạo công trình ghi công liệt sĩ, tổ chức thắp nến tri ân... Trong đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong công tác xây dựng và triển khai thực hiện chính sách ưu đãi người có công; tổ chức, phối hợp triển khai nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ một cách trọng thể, thiết thực, tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, mang ý nghĩa chính trị sâu sắc.
Thưa các Mẹ và các đồng chí!
Với sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực chăm lo của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, cùng sự cố gắng vươn lên của chính mình, đời sống người có công ngày càng được cải thiện. Đến nay, 97% số gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư nơi cư trú. Tuy nhiên, hiện cả nước còn nhiều thương binh, bệnh binh vẫn bị những vết thương dày vò; nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, chưa xác định được danh tính; vẫn còn những trường hợp chưa được hưởng đầy đủ chính sách ưu đãi; nhiều gia đình có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ gặp khó khăn trong cuộc sống... Đây là những nỗi trăn trở, day dứt khôn nguôi trong lòng mỗi chúng ta.
Thể hiện trách nhiệm lớn lao và nghĩa tình sâu nặng, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta nguyện tiếp tục chăm lo chu đáo để đời sống vật chất, tinh thần của người có công ngày càng đầy đủ và tốt đẹp hơn; xác định việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công là bổn phận, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Chúng ta tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác người có công, nhất là Chỉ thị số 14 của Ban Bí thư và Chỉ thị số 21 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường công tác chăm sóc người có công với cách mạng. Chúng ta phấn đấu đến hết năm nay, bảo đảm 100% gia đình người có công có mức sống cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; tập trung, quyết liệt thực hiện công tác xác nhận người có công, giải quyết căn bản việc xác nhận hồ sơ tồn đọng xác nhận người có công.
Trên tinh thần đó, tôi đề nghị các Bộ, ngành và địa phương, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị, xã hội và các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp trong cả nước cùng chung tay thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Thứ nhất là, tiếp tục rà soát, hoàn thiện và thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế. Các địa phương phải thực hiện phụng dưỡng, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe cho các Bà mẹ Việt Nam anh hùng ở mức tốt nhất, tuyệt đối không để các Mẹ phải sống cô đơn, thiếu thốn, ốm đau, không người chăm sóc hàng ngày... Quan tâm hơn nữa đến những diện người có công khác có hoàn cảnh khó khăn.
Thứ hai là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; mở rộng và thúc đẩy hợp tác quốc tế, trao đổi, cung cấp thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ. Tập trung đầu tư trang, thiết bị, phương tiện vật chất, kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và công tác giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin và nhanh chóng giải quyết hồ sơ tồn đọng.
Thứ ba là, kết hợp việc bố trí tăng ngân sách nhà nước với việc đẩy mạnh huy động, đa dạng hóa các nguồn lực xã hội đối với công tác người có công; gắn trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; chú trọng công tác tu bổ, tôn tạo mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ; hỗ trợ cải thiện nhà ở, xây dựng, cải tạo, nâng cấp các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng cho người có công với cách mạng; quan tâm chăm lo y tế, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, nhà ở... trước hết là đối với những trường hợp còn nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Thứ tư là, nâng cao chất lượng các phong trào, chính sách hậu phương Quân đội, các chương trình tình nghĩa, phù hợp với truyền thống văn hóa, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng tiếp tục phát huy ý chí tự lực tự cường, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống và tham gia các hoạt động xã hội. Đẩy mạnh các chương trình nhà tình nghĩa, nhà đồng đội; chăm sóc, tu sửa các nghĩa trang liệt sĩ…
Thứ năm là, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và toàn dân trong công tác chăm sóc người có công với cách mạng. Thực hiện tốt việc giám sát quá trình xây dựng và thực hiện chính sách người có công; thường xuyên quan tâm, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người có công, kiến nghị với cấp ủy, chính quyền các cấp kịp thời giải quyết các vấn đề liên quan, bảo đảm quyền lợi người có công. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm trong thực hiện chính sách đối với người có công.
Nhân đây, tôi mong các đồng chí thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng trong cả nước, tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, nêu những tấm gương sáng về ý chí tự lực, tự cường trong học tập, lao động và công tác, động viên con cháu trong gia đình, dòng họ chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tham gia xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp hơn.
Thưa các Mẹ và các đồng chí!
Với những hy sinh mất mát to lớn không gì bù đắp được của đồng bào, chiến sỹ cả nước trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, chúng ta càng thấm thía giá trị của độc lập, tự do, của hòa bình, thống nhất đất nước hôm nay.
Đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, chúng ta nguyện sống xứng đáng với những cống hiến, hy sinh to lớn của đồng chí, đồng bào chúng ta; đoàn kết một lòng xây dựng đất nước Việt Nam thân yêu ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.
Một lần nữa, xin thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các Mẹ Việt Nam anh hùng, các đồng chí thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng trong cả nước đã có những cống hiến to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Xin kính chúc các Mẹ luôn mạnh khỏe và trường thọ. Xin chúc toàn thể các vị đại biểu, các đồng chí sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
Xin trân trọng cảm ơn!
* Tiêu đề bài phát biểu của Ban Biên tập.
Số/ký hiệu | Ngày ban hành | Trích yếu |
---|---|---|
194/HD-CS | 18/01/2023 | Hướng dẫn công tác chính sách năm 2023 |
20/QĐ-CT | 05/01/2023 | Phê duyệt Kế hoạch công tác chính sách năm 2023 |
1757/CT-CS | 19/10/2022 | Về việc rà soát, đánh giá thực trạng; đề xuất chủ trương, giải pháp hỗ trợ giải quyết chính sách, ổn định hậu phương cán bộ, QNCN, CCQP, CN&VCQP |
1528/CT-CS | 13/09/2022 | Về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách hậu phương quân đội |
1263/CS-NC | 08/06/2022 | Về việc giải quyết chế độ, chính sách đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công chức quốc phòng, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng trong bàn giao, giải thể các trường cao đẳng nghề do Bộ Quốc phòng quản lý |
Số/ký hiệu | Ngày ban hành | Trích yếu |
---|---|---|
(Dự thảo) Tờ trình, (dự thảo) Thông tư | 11/09/2024 | (Dự thảo) Tờ trình, (dự thảo) Thông tư của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thay thế, bãi bỏ một số quy định, mẫu biểu tại các Thông tư liên tịch của Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính liên quan đến việc kê khai thông tin cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính |
75/2024/NĐ - CP | 30/06/2024 | Điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng |
13/2024/TT-BQP | 18/03/2024 | Sửa đổi, bổ sung một số điều của các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng liên quan đến việc kê khai thông tin cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính. |
82/2023/TT-BQP | 03/11/2023 | Quy định điều chỉnh trợ cấp hằng tháng đối với quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc |
55/2023/NĐ-CP | 21/07/2023 | Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng |
SỐ LƯỢT TRUY CẬP HIỆN TẠI: 296
TỔNG SỐ LƯỢT TRUY CẬP: 21749470