Toàn quân thực hiện tốt hơn nữa công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ

Trung tướng Đỗ Căn, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam

Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ (gọi tắt là tìm kiếm, quy tập) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, thể hiện truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. Thực hiện nhiệm vụ này là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhất là các đơn vị Quân đội và địa phương. Thời gian tới, công tác tìm kiếm, quy tập cần được đẩy mạnh hơn, hiệu quả hơn, đáp ứng nguyện vọng thiết tha của thân nhân, gia đình liệt sĩ và nhân dân cả nước.

Thực hiện Chỉ thị 24-CT/TW, ngày 15/5/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) và Quyết định 1237/QĐ-TTg, ngày 27/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo” (gọi tắt là Đề án), cấp ủy, chỉ huy các cấp đã chủ động làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ, nhất là lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ. Cơ quan chức năng đã tham mưu, đề xuất ban hành kịp thời, đồng bộ, thống nhất văn bản chỉ đạo, hướng dẫn phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra. Ban Chỉ đạo về công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở các cấp (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 1237) đã làm tốt công tác quán triệt, cụ thể hóa bằng chỉ thị, kế hoạch thực hiện Đề án, xác định mục tiêu, nhiệm vụ từng năm, từng giai đoạn, sát yêu cầu nhiệm vụ và điều kiện của từng đơn vị. Đồng thời, tổ chức tập huấn toàn quân về công tác rà soát, hoàn thiện hồ sơ, danh sách liệt sĩ; xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu thống nhất toàn quốc; tổ chức các nhóm xác minh, đối chiếu danh sách, hồ sơ liệt sĩ; phân tích, kết luận những thông tin chưa khớp nối, chồng chéo để hoàn thiện hồ sơ, danh sách liệt sĩ.

     Với phương châm “Còn thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, còn tổ chức tìm kiếm, quy tập”, những năm qua, Ban Chỉ đạo 1237 đã chỉ đạo quyết liệt công tác tìm kiếm, quy tập; chủ động khắc phục mọi khó khăn, có nhiều cách làm sáng tạo trong khai thác, xử lý thông tin. Đến nay, toàn quân đã cơ bản hoàn thành công tác giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị Quân đội trong chiến tranh, chuyển giao kết quả cho các cơ quan, đơn vị. Lực lượng làm nhiệm vụ chỉ đạo và tìm kiếm, quy tập được thành lập, thường xuyên bổ sung, kiện toàn, cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Công tác tìm kiếm, quy tập được thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao và đạt được kết quả tích cực. Nhiều địa phương, đơn vị đã chủ động khai thác, xử lý thông tin và tìm kiếm, quy tập được khu mộ tập thể có số lượng lớn hài cốt liệt sĩ. Hợp tác quốc tế về tìm kiếm, quy tập từng bước được mở rộng. Công tác bảo đảm phương tiện, cơ sở vật chất, trang bị đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ; chế độ, chính sách đối với lực lượng làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập được quan tâm. Các cấp làm tốt công tác sơ kết, kịp thời biểu dương gương “Người tốt, việc tốt”; công tác kiểm tra, quản lý tình hình, xử lý vướng mắc phát sinh thường xuyên được duy trì, những hành vi sai hoặc thiếu trách nhiệm trong tìm kiếm, quy tập dần được khắc phục.

Công tác thông tin tuyên truyền về tìm kiếm, quy tập được tăng cường. Các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương và Quân đội đã lập chuyên trang, chuyên mục về công tác mộ liệt sĩ và thông tin về liệt sĩ; tăng số lượng bài viết, thời lượng phát sóng các chương trình về công tác tìm kiếm, quy tập. Tổng cục Chính trị đã phối hợp với Hội Cựu chiến binh Việt Nam và chỉ đạo Cục Chính sách phối hợp với các cơ quan Báo chí Quân đội đẩy mạnh tuyên truyền, thu thập thông tin liệt sĩ, mộ liệt sĩ. Đặc biệt, Báo Quân đội nhân dân xây dựng Đề án tuyên truyền, vận động cung cấp thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ; Trung tâm Phát thanh và Truyền hình Quân đội xây dựng Chương trình “Đi tìm đồng đội” phát sóng hằng tuần trên VTV2, Kênh Quốc phòng Việt Nam và duy trì thường xuyên chương trình “Nhắn tìm đồng đội”. Cổng Thông tin điện tử Ngành Chính sách Quân đội phối hợp kết nối với Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử, tích cực cập nhật hồ sơ liệt sĩ, giúp cho nhân dân hiểu rõ chủ trương, chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước, Quân đội, làm cho công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mang lại hiệu quả thiết thực, tạo sức lan tỏa trong các tầng lớp nhân dân.

Các cơ quan, đơn vị luôn phối hợp chặt chẽ nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập với xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Cục Quân y, Viện Pháp y Quân đội lập Dự án nâng cấp cơ sở giám định ADN giai đoạn 2; tích cực triển khai phân tích, giám định ADN mẫu hài cốt liệt sĩ và mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ để xác định danh tính hài cốt liệt sĩ. Các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ trong nghiên cứu, xây dựng quy trình thu thập, xử lý dữ liệu “Thông tin về liệt sĩ” phục vụ xác định danh tính hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp thực chứng… Với những việc làm tích cực đó, từ khi thực hiện Đề án đến nay, các đơn vị Quân đội đã tổ chức tìm kiếm, quy tập được hàng chục ngàn hài cốt liệt sĩ (Đã tìm kiếm được 11.803 hài cốt liệt sĩ, trong đó ở Lào: 1.957 hài cốt, ở Campuchia: 4.248 hài cốt, trong nước: 5.598 hài cốt).

Tuy nhiên, so với mục tiêu đề ra, công tác tìm kiếm, quy tập vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục. Nổi lên là: Lãnh đạo, chỉ huy một số cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến công tác tìm kiếm, quy tập; công tác thông tin, tuyên truyền chưa sâu rộng và thường xuyên; việc quán triệt, thực hiện Đề án trong giai đoạn đầu còn chậm, chưa sát với thực tiễn từng địa phương, đơn vị; tiến độ, chất lượng rà soát, hoàn thiện hồ sơ liệt sĩ một số nơi còn hạn chế

Sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã đạt được thành quả quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi để chúng ta quan tâm hơn đến công tác chính sách, an sinh xã hội nói chung và công tác tìm kiếm, quy tập nói riêng. Thời gian tới, bên cạnh những thuận lợi, công tác tìm kiếm, quy tập sẽ còn gặp nhiều khó khăn: chiến tranh ngày càng lùi xa, nhiều đơn vị giải thể, sáp nhập, việc bàn giao hồ sơ, danh sách liệt sĩ, sơ đồ mộ chí giữa các đơn vị với các cơ quan, đơn vị, địa phương lưu trữ còn nhiều bất cập; nhân chứng biết thông tin về liệt sĩ hiện nay còn ít, đã già yếu, trí nhớ giảm; mộ liệt sĩ còn lại thiếu thông tin hoặc độ chính xác không cao; địa hình thay đổi do quá trình phát triển kinh tế - xã hội; nhiều nơi còn sót lại bom, mìn, vật cản… Tình hình trên đòi hỏi cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị phải tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương và các nước có liên quan thực hiện tốt hơn nữa công tác tìm kiếm, quy tập; trong đó, tập trung thực hiện tốt một số nội dung, giải pháp sau:

1. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức đối với công tác tìm kiếm, quy tập. Các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với thân nhân, gia đình liệt sĩ, người có công, nhất là Chỉ thị 24 của Bộ Chính trị; mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ và giải pháp của Đề án 1237 giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, làm cho các tổ chức, lực lượng thấy rõ công tác tìm kiếm, quy tập là nhiệm vụ chính trị đặc biệt, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc; những khó khăn, phức tạp trong quá trình tìm kiếm, quy tập. Đề cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng chương trình, kế hoạch, xác định quyết tâm, tính kiên trì, bền bỉ trong quá trình thực hiện. Xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương trong việc cung cấp, xử lý đồng bộ, khoa học thông tin tìm kiếm, quy tập; cơ chế, phương thức phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam trong việc vận động cung cấp thông tin, tham gia các hoạt động tìm kiếm, quy tập dưới sự chỉ đạo, quản lý thống nhất của lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị và Ban Chỉ đạo 1237 các cấp.

2. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, thu thập, kết nối và cung cấp thông tin phục vụ cho công tác tìm kiếm, quy tập. Các cấp cần nâng cao hơn nữa công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác tìm kiếm, quy tập; tiếp tục vận động, phát động toàn dân, nhất là các cựu chiến binh, cựu quân nhân, ban liên lạc truyền thống các đơn vị phát hiện, cung cấp thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và tham gia tìm kiếm, quy tập. Các cơ quan Báo chí Quân đội lập chuyên trang, chuyên mục, nâng cao chất lượng các diễn đàn, trao đổi, chia sẻ và cung cấp thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ. Phát huy hiệu quả Cổng Thông tin điện tử ngành Chính sách Quân đội và “Chương trình đi tìm đồng đội” trên kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam. Đồng thời, nghiên cứu ứng dụng thông tin ngắn, súc tích thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, tạo điều kiện để mọi tầng lớp nhân dân biết, tham gia chương trình; thực hiện tốt tuyên truyền đối ngoại về công tác tìm kiếm, quy tập. Tiếp tục đẩy mạnh giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị Quân đội trong chiến tranh để cung cấp cho các đơn vị; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là ứng dụng công nghệ tiên tiến vào các hoạt động rà soát, hoàn thiện hồ sơ, danh sách, cung cấp thông tin cho thân nhân, gia đình liệt sĩ, tạo thuận lợi cho công tác tìm kiếm, quy tập. Phối hợp với các tổ chức có liên quan để lập bản đồ tìm kiếm, quy tập ở 3 cấp (xã, huyện, tỉnh); dự kiến khu vực trọng điểm cần tập trung tìm kiếm, quy tập và số hài cốt liệt sĩ có thể tìm kiếm, quy tập được. Tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học, hội thảo về nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập; hoàn thiện hệ cơ sở dữ liệu về liệt sĩ, mộ liệt sĩ chuyển giao cho các đơn vị, địa phương và cung cấp thông tin cho thân nhân, gia đình liệt sĩ.

3. Kiện toàn tổ chức, lực lượng và mở rộng hoạt động tìm kiếm, quy tập ở trong nước và nước ngoài. Các cấp tiếp tục kiện toàn Ban Chỉ đạo 1237; tổ chức cơ quan chuyên môn đáp ứng yêu cầu giúp Ban Chỉ đạo trong chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn thực hiện, nhất là những khu vực còn nhiều hài cốt liệt sĩ, như: phía Nam và biên giới phía Bắc; chú trọng chỉ đạo mở rộng và quyết liệt hơn nữa hoạt động tìm kiếm, quy tập ở địa bàn trong nước; xác định các khu vực, địa bàn trọng điểm, xác minh, kịp thời tổ chức tìm kiếm các địa điểm đã xác định đầy đủ thông tin, nhất là các khu mộ tập thể, theo hướng từng bước kết luận gọn địa bàn. Sử dụng lực lượng phù hợp, tích cực tổ chức hoạt động tìm kiếm, quy tập ở nước ngoài, nhất là ở Lào và Cam-pu-chia. Các cơ quan, đơn vị, địa phương phối hợp chặt chẽ trong quản lý địa bàn, không để xảy ra hiện tượng tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ trái quy định; kết hợp chặt chẽ việc tìm kiếm, quy tập với xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Khi đã tìm kiếm, quy tập được hài cốt liệt sĩ cần tổ chức các hoạt động di chuyển, đón nhận, bàn giao, an táng hài cốt liệt sĩ chặt chẽ, chu đáo, trang nghiêm, thể hiện tình cảm, trách nhiệm của những người đang sống với các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho sự nghiệp cách mạng.

4. Bảo đảm tốt phương tiện, trang bị, kinh phí và chế độ, chính sách cho nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập. Các đơn vị rà soát phương tiện, trang bị hiện có; đề xuất từng bước thay thế, bổ sung các phương tiện, trang thiết bị theo hướng đồng bộ, chuyên sâu, ưu tiên các đơn vị làm nhiệm vụ ở địa bàn có nhiều hài cốt liệt sĩ. Quản lý, sử dụng phương tiện, trang bị đúng quy định, chú trọng phát huy phương tiện, điều kiện sẵn có của các địa phương bảo đảm cho công tác tìm kiếm, quy tập đạt hiệu quả cao, an toàn. Cơ quan chức năng cần nghiên cứu, báo cáo Bộ Quốc phòng đề xuất Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung quy định về chế độ, chính sách và công tác bảo đảm đối với tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập; tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời, bảo đảm dân chủ, công khai đúng quy định của pháp luật.

5. Tích cực thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế trong công tác tìm kiếm, quy tập; thực hiện tốt công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết. Tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, tăng cường quan hệ với các nước, tổ chức và cá nhân có liên quan để thu thập thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao năng lực cho các tổ chức, lực lượng làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập; tổ chức cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ, đón nhận, bàn giao, an táng chu đáo, trang nghiêm, an toàn tuyệt đối.

Các cấp tăng cường công tác kiểm tra theo định kỳ, đột xuất; ưu tiên kiểm tra, chỉ đạo các đơn vị làm nhiệm vụ trên địa bàn còn nhiều hài cốt liệt sĩ để đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập; nơi yếu, khâu yếu để rút kinh nghiệm, khắc phục kịp thời. Thực hiện nghiêm túc chế độ, nền nếp báo cáo ở tất cả các cấp; kịp thời đề xuất xử lý những vấn đề vướng mắc, phát sinh. Tổ chức sơ kết giai đoạn 2016 - 2018 và 2016 - 2020; biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với các tổ chức, cá nhân tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong công tác tìm kiếm, quy tập.

Với truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta, tình tình đồng chí, đồng đội của Quân đội nhân dân Việt Nam, đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ toàn quân, nhất là lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ tích cực thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp trên, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tìm kiếm, quy tập, đáp ứng sự mong mỏi của thân nhân, gia đình liệt sĩ và nhân dân, tạo điều kiện để thân nhân, gia đình liệt sĩ ổn định về tinh thần, vật chất, tích cực tham gia các hoạt động xã hội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.

(
Nguồn: Tạp chí Quốc phòng toàn dân)


Phòng Thông tin điện tử/Cục Chính sách
Số lượt đọc: 1996 Cập nhật lúc: 25/07/2017 4:46
TIN KHÁC
Số/ký hiệu Ngày ban hành Trích yếu
194/HD-CS 18/01/2023 Hướng dẫn công tác chính sách năm 2023
20/QĐ-CT 05/01/2023 Phê duyệt Kế hoạch công tác chính sách năm 2023
1757/CT-CS 19/10/2022 Về việc rà soát, đánh giá thực trạng; đề xuất chủ trương, giải pháp hỗ trợ giải quyết chính sách, ổn định hậu phương cán bộ, QNCN, CCQP, CN&VCQP
1528/CT-CS 13/09/2022 Về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách hậu phương quân đội
1263/CS-NC 08/06/2022 Về việc giải quyết chế độ, chính sách đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công chức quốc phòng, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng trong bàn giao, giải thể các trường cao đẳng nghề do Bộ Quốc phòng quản lý
Số/ký hiệu Ngày ban hành Trích yếu
(Dự thảo) Tờ trình, (dự thảo) Thông tư 11/09/2024 (Dự thảo) Tờ trình, (dự thảo) Thông tư của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thay thế, bãi bỏ một số quy định, mẫu biểu tại các Thông tư liên tịch của Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính liên quan đến việc kê khai thông tin cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính
75/2024/NĐ - CP 30/06/2024 Điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng
13/2024/TT-BQP 18/03/2024 Sửa đổi, bổ sung một số điều của các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng liên quan đến việc kê khai thông tin cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính.
82/2023/TT-BQP 03/11/2023 Quy định điều chỉnh trợ cấp hằng tháng đối với quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc
55/2023/NĐ-CP 21/07/2023 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng

Nhắn tìm đồng đội - Số 563

23/07/2024 17:08


THỐNG KÊ TRUY CẬP

SỐ LƯỢT TRUY CẬP HIỆN TẠI: 283

TỔNG SỐ LƯỢT TRUY CẬP: 21380761