Về thực hiện chính sách đối với Dân công hoả tuyến

Đại tá Ngô Quang Phúc Phó Cục trưởng, Cục Chính sách/Tổng cục Chính trị

Ảnh minh hoạ.

Thực hiện chính sách đối với dân công hỏa tuyến tham gia chiến tranh giải phóng, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế là một nội dung trong chính sách đối với người có công với cách mạng của Đảng, Nhà nước; thể hiện truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. Đây là nội dung mới cần, được quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ.

Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cũng như trong chiến tranh bảo vệ Tổ  quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, ngoài các lực lượng được tổ chức chính quy, trực tiếp chiến đấu, chúng ta còn huy động lực lượng dân công hỏa tuyến tham gia phục vụ chiến đấu, như: vận chuyển đạn, vũ khí, trang bị, lương thực, thực phẩm, thương binh, bệnh binh; tham gia mở đường, bảo đảm giao thông, liên lạc; xây dựng hầm hào, công sự, trận địa, v.v. Những cống hiến, hy sinh to lớn của lực lượng dân công hỏa tuyến đã góp phần đáng kể vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Tuy nhiên, vì những lý do khách quan, những năm qua, Nhà nước chưa thực hiện được chính sách, chế độ đãi ngộ cần thiết đối với đối tượng này.

Thực hiện Kết luận 192-TB/TW, ngày 29-01-2015 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), ngày 14-10-2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 49/2015/QĐ-TTg về “Một số chế độ, chính sách đối với dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế”. Theo đó, dân công hỏa tuyến có đủ điều kiện theo quy định sẽ được hưởng chế độ trợ cấp một lần, chế độ bảo hiểm y tế, chế độ trợ cấp mai táng phí khi từ trần và được cấp Giấy chứng nhận tham gia dân công hỏa tuyến. Đây là chủ trương, chính sách đúng đắn, kịp thời của Đảng, Nhà nước, có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu rộng, không chỉ ghi nhận, tôn vinh đối với những đóng góp của lực lượng dân công hỏa tuyến, mà còn thể hiện sâu sắc truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, đáp ứng nguyện vọng, sự mong đợi của lực lượng dân công hỏa tuyến trong các thời kỳ, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, xây dựng “thế trận lòng dân” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Với tinh thần chủ động và trách nhiệm cao, ngay sau khi có Quyết định 49 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, tiến hành nghiên cứu, xây dựng và ban hành đồng bộ hệ thống văn bản hướng dẫn và tổ chức tập huấn nhằm thống nhất triển khai thực hiện trên toàn quốc. Trên cơ sở đó, các địa phương, đơn vị đã khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện; tổ chức kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện công tác chính sách (Ban Chỉ đạo 24), Hội đồng chính sách cơ sở, thành lập Tổ tư vấn ở cấp huyện, xã (đây là điểm mới trong tổ chức thực hiện chính sách lần này) và tập huấn cho các thành phần tham gia thực hiện chính sách theo quy định. Công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến chính sách được chú trọng thực hiện trước một bước, tạo sự thống nhất về nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, nhất là giúp đối tượng trong diện thụ hưởng và nhân dân nắm vững, hiểu rõ về chính sách này. Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Quân khu 4 và tỉnh Thanh Hóa làm điểm để rút kinh nghiệm trong toàn quốc; chỉ đạo mỗi quân khu làm điểm ở một tỉnh, mỗi tỉnh làm điểm ở một huyện, mỗi huyện làm điểm ở một xã để rút kinh nghiệm, đảm bảo cho triển khai thực hiện đạt kết quả tốt nhất.

Theo số liệu khảo sát, cả nước có khoảng gần 01 triệu đối tượng tham gia dân công hỏa tuyến trong các thời kỳ. Hiện nay, các đơn vị, địa phương đang tập trung hướng dẫn đối tượng kê khai, lập hồ sơ và tiến hành xét duyệt ở các cấp. Đã có gần 50% số đối tượng kê khai, xác lập hồ sơ để Hội đồng chính sách cơ sở xét duyệt; hơn 10 nghìn đối tượng đã được cấp quân khu thẩm định, trình cấp có thẩm quyền ra quyết định và thực hiện tổ chức chi trả chế độ, trao Giấy chứng nhận tham gia dân công hỏa tuyến (đợt đầu) vào dịp kỷ niệm 69 năm ngày Thương binh, liệt sĩ (27-7) và Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9 năm 2016.

Với nỗ lực, trách nhiệm chính trị cao của các cơ quan, đơn vị, địa phương, việc thực hiện Quyết định 49 đã đạt những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện còn bộc lộ một số khó khăn, tồn tại, hạn chế. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có địa phương, cơ sở chưa quan tâm đúng mức. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế. Việc lập hồ sơ xét duyệt, thẩm định đối tượng gặp không ít khó khăn; việc tiến hành ở cấp xã còn để sai, sót, trùng lặp đối tượng; tiến độ triển khai thực hiện còn chậm so với yêu cầu, v.v.


Thực hiện chi trả chế độ trợ cấp một lần cho các đối tượng theo Quyết định 49
tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc


Thời gian tới, để thực hiện tốt chính sách đối với lực lượng dân công hỏa tuyến theo Quyết định 49, theo chúng tôi, cần chú trọng làm tốt một số nội dung sau đây:

1. Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với dân công hỏa tuyến, trực tiếp là Quyết định 49 và các văn bản có liên quan đến các tầng lớp nhân dân. Đây là cơ sở quan trọng để các tổ chức và nhân dân, đặc biệt là đối tượng được hưởng chế độ hiểu đúng, đầy đủ về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là các quy định về đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện áp dụng, quy định về thủ tục hồ sơ, quy trình, trách nhiệm thực hiện, v.v. Qua đó, tạo sự thống nhất về nhận thức, trách nhiệm, phát huy vai trò của các cấp, ngành, các tổ chức và nhân dân trong việc giám sát thực hiện chính sách, tránh bỏ sót đối tượng hoặc áp dụng không đúng đối tượng quy định và nảy sinh tiêu cực. Để đạt hiệu quả cao, việc tuyên truyền cần đẩy mạnh hơn nữa, tiến hành thường xuyên, liên tục, bằng nhiều hình thức, biện pháp thiết thực, trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương và các địa phương, coi trọng địa bàn đông dân cư, vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Trong đó, chú trọng phát huy hiệu quả của các thiết chế văn hoá; tăng cường lồng ghép thông tin, tuyên truyền vào nội dung sinh hoạt, hoạt động của các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể, đặc biệt là ở cơ sở (thôn, ấp, khu phố, xã, phường, thị trấn), v.v.

2. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp và phát huy vai trò của Hội đồng chính sách, Tổ tư vấn cấp xã trong việc lập, xác nhận, tiếp nhận và xét duyệt hồ sơ ở cơ sở. Do phần lớn đối tượng dân công hỏa tuyến không có hồ sơ, giấy tờ (khoảng 01% có giấy tờ liên quan), nên việc xác minh, kết luận gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi phải tiến hành thận trọng, tỉ mỉ và kết quả phụ thuộc lớn vào cấp cơ sở. Vì vậy, trước hết, các địa phương cần tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với việc triển khai thực hiện Quyết định 49. Chú trọng phát huy vai trò của hệ thống chính trị, nhất là cấp uỷ, chính quyền cơ sở xã, phường và cơ quan quân sự, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Cựu chiến binh, Hội Thanh niên xung phong, Ban liên lạc Dân công hỏa tuyến (nếu có), Hội Người cao tuổi, Ban công tác Mặt trận,... trong lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu, tổ chức thực hiện. Cùng với đó, quan tâm kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo 24, Hội đồng chính sách, Tổ tư vấn hội đồng chính sách. Theo chức năng được giao, Ban Chỉ đạo 24, Cơ quan thường trực các cấp và Hội đồng chính sách cấp xã cần bám sát cơ sở, địa bàn, kịp thời chỉ đạo làm tốt việc phát hiện đối tượng, hướng dẫn đối tượng kê khai hồ sơ, tổ chức đăng ký, tiếp nhận và xét duyệt, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy trình. Hiện nay, việc phát hiện đối tượng cần tập trung vào xác định và chứng minh đủ 03 điều kiện, là: được cấp có thẩm quyền huy động, giao nhiệm vụ phục vụ chiến đấu; làm nhiệm vụ trong thời gian và địa bàn theo quy định; chưa hưởng các chế độ khác. Để làm tốt điều đó, hạn chế tối đa sai sót, cần coi trọng kiện toàn, phát huy vai trò của Tổ tư vấn ở cấp huyện và xã, nhất là các thành viên của Tổ tư vấn là những dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia kháng chiến. Từ đó, giúp ủy ban nhân dân cùng cấp xác định các đợt và số lượng người tham gia dân công hỏa tuyến qua các thời kỳ, làm cơ sở cho rà soát, xác định đối tượng tại các địa phương, cũng như xác nhận, xét duyệt, thẩm định hồ sơ,... đảm bảo khách quan, chính xác, không sai, sót đối tượng và giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh từ cơ sở.

3. Đẩy nhanh tiến độ xét duyệt, thẩm định ở các cấp và chủ động tiếp nhận kinh phí, tổ chức chi trả chế độ cho các đối tượng kịp thời, công khai, chặt chẽ, chính xác. Đây là vấn đề cần tập trung thực hiện trong thời điểm hiện nay, nhằm đưa nhanh chính sách vào cuộc sống. Các cấp, ngành, đơn vị, địa phương cần tăng cường công tác phối hợp, đề cao trách nhiệm, thực hiện tốt Thông tư liên tịch 138/2015/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC về Hướng dẫn thực hiện Quyết định 49/2015/QĐ-TTg. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, các địa phương không quy định thêm bất cứ thủ tục nào khác và thực hiện phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”. Mặt khác, cần thông báo rộng rãi thời gian tiếp nhận hồ sơ, tổ chức xét duyệt; tổng hợp, báo cáo đề nghị gọn theo từng đợt tiếp nhận hồ sơ, không để tồn đọng. Việc xét duyệt phải bảo đảm dân chủ, minh bạch, công khai, chặt chẽ, chính xác, đúng quy trình. Đặc biệt, chú trọng mở rộng vai trò kiểm tra, giám sát của các tổ chức và nhân dân. Trong đó, rà soát kỹ đối với các đối tượng đã được hưởng các chính sách theo quy định trước đó, nhất là những đối tượng đã được hưởng chế độ theo Quyết định 290/2005/QĐ-TTg; Quyết định 62/2011/QĐ-TTg; Quyết định 104/1999/QĐ-TTg và Quyết định 40/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, kiên quyết không để tình trạng trùng hưởng chế độ, chính sách. Cùng với đó, theo nhiệm vụ được giao, cơ quan quân sự, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội chủ động tiếp nhận kinh phí, tổ chức chi trả chế độ trợ cấp một lần, cấp Giấy chứng nhận tham gia dân công hỏa tuyến và thực hiện chế độ bảo hiểm y tế, trợ cấp mai táng phí đối với các đối tượng theo quy định, đảm bảo chặt chẽ, chính xác, kịp thời. Đồng thời, tổ chức quản lý, lưu trữ hồ sơ đầy đủ, khoa học, thuận tiện cho việc xét duyệt, thẩm định, kiểm tra và tra cứu sau này.

4. Tăng cường công tác kiểm tra, sơ kết rút kinh nghiệm, nhân rộng cách làm sáng tạo; đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đây là biện pháp quan trọng, đảm bảo cho việc thực hiện Quyết định 49 đạt mục đích, yêu cầu đề ra, hạn chế sai sót, tiêu cực. Phát huy kinh nghiệm thực hiện Quyết định 62/2011/QĐ-TTg những năm trước đây và kinh nghiệm rút ra qua làm điểm của các quân khu, các tỉnh, Ban Chỉ đạo 24 các cấp và các cơ quan chức năng có liên quan, trước hết là cơ quan quân sự và ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cần phân công các thành viên bám cơ sở để kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Trên cơ sở đó, nắm bắt tình hình, đề xuất chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp với thực tiễn của từng địa phương, cơ sở; khắc phục kịp thời khâu yếu, mặt yếu và giải quyết những vướng mắc phát sinh theo phạm vi, thẩm quyền. Cục Chính sách - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 24 Bộ Quốc phòng - tiếp tục chủ trì phối hợp với các cơ quan, địa phương kiểm tra tình hình thực hiện Quyết định 49, kịp thời tổ chức rút kinh nghiệm, phổ biến, nhân rộng kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả. Cùng với đó, các đơn vị, địa phương cần coi trọng phát hiện, đấu tranh và xử lý nghiêm những cá nhân, tập thể sai phạm, thiếu trách nhiệm trong tổ chức thực hiện, đảm bảo chế độ, chính sách đối với dân công hỏa tuyến được thực hiện kịp thời, công bằng, chính xác, theo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước, góp phần củng cố, tăng cường “thế trận lòng dân”, tạo động lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới./.


Phòng Thông tin điện tử/Cục Chính sách
Số lượt đọc: 5425 Cập nhật lúc: 15/08/2016 15:01
Số/ký hiệu Ngày ban hành Trích yếu
194/HD-CS 18/01/2023 Hướng dẫn công tác chính sách năm 2023
20/QĐ-CT 05/01/2023 Phê duyệt Kế hoạch công tác chính sách năm 2023
1757/CT-CS 19/10/2022 Về việc rà soát, đánh giá thực trạng; đề xuất chủ trương, giải pháp hỗ trợ giải quyết chính sách, ổn định hậu phương cán bộ, QNCN, CCQP, CN&VCQP
1528/CT-CS 13/09/2022 Về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách hậu phương quân đội
1263/CS-NC 08/06/2022 Về việc giải quyết chế độ, chính sách đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công chức quốc phòng, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng trong bàn giao, giải thể các trường cao đẳng nghề do Bộ Quốc phòng quản lý
Số/ký hiệu Ngày ban hành Trích yếu
(Dự thảo) Tờ trình, (dự thảo) Thông tư 11/09/2024 (Dự thảo) Tờ trình, (dự thảo) Thông tư của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thay thế, bãi bỏ một số quy định, mẫu biểu tại các Thông tư liên tịch của Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính liên quan đến việc kê khai thông tin cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính
75/2024/NĐ - CP 30/06/2024 Điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng
13/2024/TT-BQP 18/03/2024 Sửa đổi, bổ sung một số điều của các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng liên quan đến việc kê khai thông tin cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính.
82/2023/TT-BQP 03/11/2023 Quy định điều chỉnh trợ cấp hằng tháng đối với quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc
55/2023/NĐ-CP 21/07/2023 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng

Nhắn tìm đồng đội - Số 563

23/07/2024 17:08


THỐNG KÊ TRUY CẬP

SỐ LƯỢT TRUY CẬP HIỆN TẠI: 431

TỔNG SỐ LƯỢT TRUY CẬP: 21725162