Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế; thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn, đáp nghĩa” của dân tộc ta. Để công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đạt kết quả cao, cần có cơ chế, chính sách đặc biệt; trong đó ưu tiên bố trí kinh phí là giải pháp quan trọng.
Ngày 15/5/2013, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 24-CT/TW về tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Ngày 27/7/2013, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1237/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Bộ Quốc phòng được giao giúp Chính phủ quản lý nhà nước về công tác tìm kiếm, quy tập; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố quản lý theo địa bàn; Ban Chỉ đạo Quốc gia 1237 chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo 1237 cấp quân khu và cấp tỉnh, thành. Để thực hiện tốt công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ cần có cơ chế, chính sách đặc biệt, trong đó ưu tiên bố trí nguồn kinh phí cho công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ là giải pháp quan trọng. Từ năm 2013 đến nay, công tác bảo đảm cho tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ đạt được nhiều kết quả tốt trên những vấn đề cơ bản sau:
Một là, Bộ Quốc phòng đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 75/2013/QĐ-TTg ngày 06/12/2013 quy định chế độ, chính sách và công tác bảo đảm cho các tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; liên bộ Bộ Quốc phòng-Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch số 66/2014/TTLT-BQP-BTC ngày 13/6/2014 hướng dẫn thực hiện quyết định nêu trên. Theo đó, các nội dung chi được mở rộng theo yêu cầu nhiệm vụ, mức chi được nâng lên; ưu tiên bảo đảm chế độ, chính sách cho lực lượng chuyên trách tìm kiếm, quy tập, lực lượng làm nhiệm vụ dẫn đường, cung cấp thông tin; chế độ hỗ trợ thân nhân liệt sĩ đi tìm kiếm mộ ngoài nghĩa trang liệt sĩ. Quy định cụ thể hơn về định mức nhà tạm; tiêu chuẩn hóa việc bảo đảm trang bị, phương tiện cho các đội quy tập, các cơ quan chuyên môn và Ban Chỉ đạo các cấp; xác định nội dung chi, mức chi cho các đơn vị, địa phương trong công tác chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ. Trên cơ sở quy định của Thủ tướng Chính phủ và liên Bộ, Liên Cục Chính sách - Tài chính ban hành Hướng dẫn số 748/HD-LC-CS-TC ngày 25/3/2015 đã cụ thể hóa một số nội dung bảo đảm cho công tác thu thập, hoàn thiện hồ sơ, xây dựng hệ thống tài liệu, dữ liệu về liệt sĩ, mộ liệt sĩ; lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; chi thuê phương tiện máy móc để đào bới, đền bù thiệt hại công trình; bồi dưỡng cho người cung cấp thông tin; khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc và công tác quản lý, thanh quyết toán kinh phí. Đến nay, hệ thống văn bản được ban hành đồng bộ, cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
Hai là, trên cơ sở quy định chế độ, chính sách và yêu cầu nhiệm vụ, cấp ủy, người chỉ huy, Ban Chỉ đạo 1237, cơ quan thường trực các cấp đã chủ động lập dự toán, phân bổ, sử dụng có hiệu quả ngân sách cho công tác tìm kiếm, quy tập. Hằng năm, Nhà nước ưu tiên dành nguồn ngân sách khá lớn cho công tác này. Cục Chính sách và Cục Tài chính đã kịp thời tham mưu cho Bộ Quốc phòng, Ban Chỉ đạo 1237 phân cấp, quản lý, sử dụng ngân sách có trọng tâm, trọng điểm cho nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập. Ngoài tiền lương, phụ cấp, các cơ quan, đơn vị đã bảo đảm đúng, đủ chế độ phụ cấp trách nhiệm; bồi dưỡng ngày công trực tiếp khảo sát, cất bốc, quy tập; tiêu chuẩn tiền ăn thêm và phụ cấp tiền lương theo cấp bậc quân hàm hoặc ngạch, bậc hiện hưởng khi làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập ở nước ngoài. Các đơn vị coi trọng bảo đảm cho công tác tuyên truyền, vận động cung cấp thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu. Đến nay, toàn quân đã xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu hơn 360 nghìn liệt sĩ; cùng với hồ sơ dữ liệu hơn 720 nghìn trường hợp của Cục Chính sách đã xác lập trước đây, từng bước đưa lên Cổng Thông tin điện tử Ngành Chính sách Quân đội, phục vụ thiết thực cho công tác tìm kiếm, quy tập. Các nội dung chi cho công tác bàn giao hồ sơ, danh sách, sơ đồ mộ chí, hoạt động kiểm tra, khảo sát, đi công tác nước ngoài của Ban Chỉ đạo các cấp, mua sắm văn phòng được bảo đảm tốt hơn, quản lý chặt chẽ, hiệu quả…
Ba là, các ngành chức năng nắm chắc thực trạng, đề xuất và thực hiện tốt việc mua sắm trang bị, phương tiện cho công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Từ năm 2012 đến nay, các Đội chuyên trách tìm kiếm, quy tập được cấp 86 xe bán tải và xe tải hạng trung đời mới, 08 máy xúc, 19 máy dò mìn và các trang, thiết bị khác. Đối với địa bàn còn nhiều hài cốt liệt sĩ, cơ quan thường trực, cơ quan chuyên môn các quân khu, các tỉnh được cấp tổng số 37 xe (bao gồm xe bán tải, xe chỉ huy và xe dùng chung 16 chỗ), tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc thực hiện nhiệm vụ. Đã bảo đảm kinh phí hàng năm khoảng 20 tỷ đồng mua xăng dầu cho nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập, đáp ứng được yêu cầu; sử dụng chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả. Cùng với bảo đảm cho công tác tìm kiếm, quy tập, từ năm 2013 đến nay, Chính phủ đã bố trí ngân sách 47 tỷ đồng để nâng cấp các cơ sở giám định gen thuộc Bộ Quốc phòng, nhằm đẩy nhanh tiến độ giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ.
Bốn là, Chính phủ, Bộ Quốc phòng hỗ trợ gần 40 tỷ đồng chi cho Ban Công tác Đặc biệt và các địa phương của Lào; Ủy ban Chuyên trách Chính phủ, các quân khu và địa phương của Campuchia thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập; mức chi ngày càng được nâng lên. Thực hiện chủ trương của Chính phủ Việt Nam - Lào - Campuchia, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã cùng với bạn tiến hành khảo sát, đề xuất tu bổ, tôn tạo, nâng cấp các Đài Hữu nghị được xây dựng trên đất Lào và Campuchia. Đến nay, ta đã hỗ trợ kinh phí gần 24 tỷ cho bạn hoàn thành tu bổ, tôn tạo các tượng đài ở tỉnh Udomxay, Xiêng Khoảng, Attapư, Chămpasắc, tiếp tục đề xuất xây dựng mới ở tỉnh Xay Xổm Bun của Lào; ở Campuchia đã tiến hành khảo sát, lập dự án, hỗ trợ cho 8 tỉnh với số tiền hơn 50 tỷ đồng và đang triển khai khảo sát các tỉnh còn lại. Đây là chủ trương lớn, có ý nghĩa chính trị sâu rộng, việc phối hợp giữa hai bên rất tích cực, chặt chẽ, hiệu quả, góp phần tăng cường đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào và mối quan hệ láng giềng hữu nghị Việt Nam - Campuchia.
Năm là, cùng với nguồn bảo đảm của Nhà nước, các đơn vị, địa phương đã quan tâm, chủ động hỗ trợ kinh phí cho công tác tìm kiếm, quy tập. Những tỉnh có nhiều mộ liệt sĩ tập thể (Quảng Trị, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, các tỉnh Tây Nguyên, miền Đông và Tây Nam Bộ) đã chi nguồn ngân sách địa phương khá lớn cho công tác tìm kiếm, quy tập, tổ chức lễ an táng. Thực hiện hướng dẫn của Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia 1237 về rà soát, hoàn thiện hồ sơ, danh sách liệt sĩ, nhiều đơn vị Quân đội đã tăng cường hỗ trợ kinh phí cho công tác xây dựng cơ sở dữ liệu về liệt sĩ (tiêu biểu là Quân đoàn 1, Quân đoàn 2, Quân đoàn 3, Quân đoàn 4, Quân khu 7, Binh đoàn 12…). Bộ Quốc phòng chỉ đạo Cục Chính sách xây dựng Dự án hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và đưa vào sử dụng Cổng Thông tin điện tử Ngành Chính sách Quân đội để tiếp nhận thông tin mộ liệt sĩ và cung cấp thông tin đến thân nhân liệt sĩ phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập. Các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh phối hợp với các địa phương của Lào, đầu tư ngân sách địa phương xây dựng trụ sở đồn trú khang trang, lâu dài cho các đội chuyên trách làm nhiệm vụ. Hầu hết các đơn vị tham gia chiến đấu và địa phương phía Nam đã dành một phần kinh phí, tổ chức đón tiếp chu đáo các đoàn Cựu Chiến binh, Ban Liên lạc đồng đội, thân nhân gia đình liệt sĩ… thể hiện trách nhiệm, quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền và các đơn vị trong công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.
Sáu là, do tiến hành đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, có sự đột phá trong công tác bảo đảm tài chính, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đã tạo chuyển lớn trên phạm vi toàn quốc và đạt được kết quả cao. Từ mùa khô năm 2012 - 2013 đến nay cả nước đã tìm kiếm, quy tập 8.769 hài cốt liệt sĩ (trong nước 4.357; tại Lào 1.536 và Campuchia 3.089). Các mục tiêu về xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ tìm kiếm, quy tập lâu dài và việc tu bổ, tôn tạo các tượng đài liệt sĩ tại Lào, Campuchia đạt kết quả tốt. Điều đó khẳng định chủ trương đúng đắn, chính sách phù hợp, sự quan tâm đầu tư đặc biệt của Đảng, Nhà nước và sự phối hợp chặt chẽ, nỗ lực, cố gắng của các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị Quân đội cùng các tổ chức, cá nhân đối với nhiệm vụ đặc biệt này.
Trong thời gian tới, phát huy những kết quả đã đạt được, các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt hơn nữa các văn bản quy định, hướng dẫn về công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Các ngành chức năng tiến hành rà soát, đề xuất, sửa đổi, bổ sung một số chế độ, chính sách đối với người trực tiếp làm nhiệm vụ. Số lượng hài cốt liệt sĩ cần phải tìm kiếm, quy tập còn nhiều, việc quản lý, lưu trữ hồ sơ, sơ đồ nơi chôn cất liệt sĩ chưa đầy đủ; địa hình, khí hậu, thời tiết ngày càng thay đổi; nhiều nơi còn tồn sót bom, mìn, vật nổ… đặt ra yêu cầu cao trong lãnh đạo, chỉ đạo và có giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn nữa. Ban Chỉ đạo Quốc gia 1237 chủ động xây dựng dự toán ngân sách, kết hợp đề xuất địa phương, đơn vị huy động bố trí từ nguồn kinh phí khác; quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả. Các cấp bố trí nguồn kinh phí hợp lý cho hoạt động khai thác, thu thập, xử lý thông tin; công tác đối ngoại; bảo đảm tốt hơn các phương tiện, trang bị kỹ thuật mới cho cơ quan chuyên môn và lực lượng chuyên trách; ưu tiên những địa phương còn nhiều hài cốt liệt sĩ chưa được tìm kiếm, quy tập… hỗ trợ kịp thời, thiết thực hơn cho thân nhân, gia đình liệt sĩ khi đi tìm kiếm.
Bảo đảm tốt chế độ, chính sách và công tác tài chính cho nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ là một trong những giải pháp hết sức quan trọng, thể hiện quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trước nhiệm vụ thiêng liêng, sự tri ân của toàn xã hội đối với các anh hùng liệt sĩ. Qua đó đáp ứng nguyện vọng, tăng niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và Quân đội, góp phần ổn định tình hình chính trị - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới./.
Số/ký hiệu | Ngày ban hành | Trích yếu |
---|---|---|
194/HD-CS | 18/01/2023 | Hướng dẫn công tác chính sách năm 2023 |
20/QĐ-CT | 05/01/2023 | Phê duyệt Kế hoạch công tác chính sách năm 2023 |
1757/CT-CS | 19/10/2022 | Về việc rà soát, đánh giá thực trạng; đề xuất chủ trương, giải pháp hỗ trợ giải quyết chính sách, ổn định hậu phương cán bộ, QNCN, CCQP, CN&VCQP |
1528/CT-CS | 13/09/2022 | Về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách hậu phương quân đội |
1263/CS-NC | 08/06/2022 | Về việc giải quyết chế độ, chính sách đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công chức quốc phòng, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng trong bàn giao, giải thể các trường cao đẳng nghề do Bộ Quốc phòng quản lý |
Số/ký hiệu | Ngày ban hành | Trích yếu |
---|---|---|
(Dự thảo) Tờ trình, (dự thảo) Thông tư | 11/09/2024 | (Dự thảo) Tờ trình, (dự thảo) Thông tư của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thay thế, bãi bỏ một số quy định, mẫu biểu tại các Thông tư liên tịch của Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính liên quan đến việc kê khai thông tin cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính |
75/2024/NĐ - CP | 30/06/2024 | Điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng |
13/2024/TT-BQP | 18/03/2024 | Sửa đổi, bổ sung một số điều của các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng liên quan đến việc kê khai thông tin cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính. |
82/2023/TT-BQP | 03/11/2023 | Quy định điều chỉnh trợ cấp hằng tháng đối với quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc |
55/2023/NĐ-CP | 21/07/2023 | Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng |
SỐ LƯỢT TRUY CẬP HIỆN TẠI: 256
TỔNG SỐ LƯỢT TRUY CẬP: 21736612