Đẩy mạnh công tác “Đền ơn đáp nghĩa” trong Quân đội

Thượng tướng Đỗ Căn, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

Thượng tướng Đỗ Căn, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam thăm, tặng quà tại Trung tâm Bảo trợ xã hội, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.

Phát huy truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, công tác “Đền ơn đáp nghĩa” trong Quân đội đã trở thành hoạt động thường xuyên, trách nhiệm chính trị của các cơ quan, đơn vị và mỗi cán bộ, chiến sĩ, được thực hiện với nhiều hoạt động phong phú, thiết thực, mang ý nghĩa xã hội sâu sắc. Điều đó góp phần tô thắm, tỏa sáng hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc. Vì vậy, toàn quân cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác đầy ý nghĩa và nhân văn này.

Thấm nhuần lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”1; trên cơ sở quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, công tác “Đền ơn đáp nghĩa” trong Quân đội được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân thực hiện với nhiều biện pháp, cách làm sáng tạo, hiệu quả thiết thực. Qua đó, góp phần động viên, cải thiện cuộc sống đối với các đối tượng chính sách và Người có công với cách mạng, tạo động lực thúc đẩy sự nghiệp xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng - an ninh trong tình hình mới.

Thời gian qua, toàn quân đã triển khai nhiều hoạt động rộng khắp, mang ý nghĩa thiết thực, như: phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng; hỗ trợ xây dựng “Nhà Tình nghĩa”; thăm, tặng quà đối tượng chính sách và Người có công với cách mạng nhân dịp lễ, Tết; tặng sổ tiết kiệm; thăm viếng, tu sửa, tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ; khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí; hỗ trợ quân nhân bị thương, gia đình quân nhân hy sinh trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; tuyên truyền, vận động cán bộ, chiến sĩ tích cực đóng góp Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của Bộ Quốc phòng, v.v. Đồng thời, tiếp tục thực hiện hiệu quả việc hỗ trợ đối với các Trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng Người có công với cách mạng và tặng quà thương binh, bệnh binh; đỡ đầu Làng Hữu Nghị, thuộc Trung ương Hội Cựu Chiến binh Việt Nam. Tổ chức tiếp đón và tặng quà đoàn đại biểu Người có công với cách mạng của các tỉnh, thành phố đến thăm Bộ Quốc phòng; các hoạt động về nguồn; gặp mặt, tuyên dương thương binh, thân nhân liệt sĩ tiêu biểu2, v.v. Cùng với đó, các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng đã chủ động, nghiên cứu, tham gia xây dựng Dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi Người có công với cách mạng (sửa đổi); Nghị định số 58/2019/NĐ-CP, ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với Người có công với cách mạng; tham mưu, đề xuất và tổ chức tổng kết Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg, ngày 14/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với dân công hỏa tuyến; xét duyệt, thẩm định và giải quyết chế độ, chính sách đối với người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm chặt chẽ, không để sai sót, tiêu cực. Triển khai thực hiện chế độ, chính sách đối với người Việt Nam có công, tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế đang định cư ở nước ngoài theo quy định tại Nghị định số 102/2018/NĐ-CP, ngày 20/7/2018 của Chính phủ ở một số quốc gia, như: Lào, Campuchia, Cộng hòa Séc. Với những hoạt động tích cực, hiệu quả đó, công tác “Đền ơn đáp nghĩa” trong Quân đội đã tạo hiệu ứng xã hội tích cực, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng chính sách và Người có công với cách mạng, được các cấp, các ngành và nhân dân đồng tình, đánh giá cao.

Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác “Đền ơn đáp nghĩa” trong Quân đội thời gian qua còn có những hạn chế tồn tại, nhất là: công tác tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính sách mới của Đảng, Nhà nước và Quân đội ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa sâu, chưa toàn diện, v.v. Để tiếp tục đẩy mạnh công tác “Đền ơn đáp nghĩa” trong Quân đội, góp phần chăm sóc tốt hơn đời sống các đối tượng chính sách và Người có công với cách mạng, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện công tác “Đền ơn đáp nghĩa”. Các cơ quan, đơn vị trong toàn quân tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về chế độ, chính sách đối với các đối tượng chính sách, Người có công với cách mạng và công tác “Đền ơn đáp nghĩa”. Tích cực thông tin tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ tự hào về truyền thống vẻ vang của dân tộc, Quân đội; thấy được sự hy sinh anh dũng, những cống hiến và đóng góp to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, Người có công với cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc; mục đích, ý nghĩa và kết quả hoạt động của công tác “Đền ơn đáp nghĩa” trong Quân đội. Chú trọng tuyên truyền, vận động những đối tượng được thụ hưởng, nhất là thương binh, bệnh binh hiểu được chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với mình, không để các đối tượng xấu lợi dụng, kích động, lôi kéo, có hành động vi phạm pháp luật. Để đạt hiệu quả, các cơ quan, đơn vị cần thường xuyên đổi mới hình thức, phương pháp tiến hành, bảo đảm tính liên tục, đa dạng, phong phú; coi trọng hình thức giáo dục chính trị, tư tưởng thông qua các hoạt động nhân dịp Ngày Thương binh - Liệt sĩ và các ngày lễ, kỷ niệm lớn của Đảng, Nhà nước, Quân đội và địa phương, v.v. Các cơ quan thông tấn, báo chí Quân đội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về các hoạt động, gương điển hình trong thực hiện công tác “Đền ơn đáp nghĩa”. Qua đó, nâng cao nhận thức, khơi dậy trách nhiệm, bổn phận của mỗi cán bộ, chiến sĩ, nhất là đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp bằng những hành động, việc làm thiết thực, làm cho công tác này được lan tỏa, phát triển cả về bề rộng và chiều sâu.

Hai là, phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chỉ huy các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác “Đền ơn đáp nghĩa”. Thực tiễn cho thấy, công tác “Đền ơn đáp nghĩa” chỉ có chất lượng, hiệu quả thực chất khi cấp ủy, chỉ huy các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, coi đây là trách nhiệm, tình cảm thiêng liêng của cán bộ, chiến sĩ. Do vậy, cấp ủy, tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ chỉ huy, chính ủy, chính trị viên các cấp cần quán triệt, thực hiện tốt nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác “Đền ơn đáp nghĩa”. Trọng tâm là: Chỉ thị số 14-CT/TW, ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư (khóa XII) về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Người có công với cách mạng; Chỉ thị số 368-CT/QUTW, ngày 12/6/2016 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo công tác chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội giai đoạn 2016 - 2020. Trên cơ sở đó, đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo, xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, bảo đảm khoa học, phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước, Quân đội và của cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Trong tổ chức thực hiện, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần nêu cao vai trò, trách nhiệm, thường xuyên bám sát thực tiễn; chủ động phối hợp với địa phương nghiên cứu, vận dụng linh hoạt để tiến hành có hiệu quả công tác “Đền ơn đáp nghĩa”. Chú trọng quan tâm, chăm lo bảo đảm tốt đời sống cho các gia đình chính sách, Người có công với cách mạng còn nhiều khó khăn, gia đình chính sách ở vùng sâu, vùng xa, căn cứ địa cách mạng, v.v. Đồng thời, phải thường xuyên thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm vi phạm trong thực thi chính sách đối với Người có công với cách mạng.

Ba là, tích cực đổi mới nội dung, vận dụng linh hoạt, sáng tạo phương pháp, hình thức thực hiện công tác “Đền ơn đáp nghĩa”. Quán triệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng: “Thực hiện tốt chính sách chăm sóc người có công trên cơ sở huy động mọi nguồn lực xã hội kết hợp với nguồn lực của Nhà nước; bảo đảm người có công có mức sống từ trung bình trở lên”3, các cơ quan, đơn vị cần có nhiều nội dung, hình thức phù hợp, thiết thực nhằm đạt mục tiêu quan trọng là góp phần bù đắp, nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất, tinh thần cho người được thụ hưởng; phấn đấu đối tượng chính sách và Người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú. Chủ động rà soát, kịp thời phát hiện những nội dung vướng mắc, khó khăn, bất cập; những hình thức không còn phù hợp hoặc hiệu quả thấp,... để có hướng khắc phục, điều chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác “Đền ơn đáp nghĩa”. Đồng thời, bám sát tình hình thực tiễn của đất nước, Quân đội, của cơ quan, đơn vị để xác định nội dung, phương pháp, hình thức phù hợp trong thực hiện công tác “Đền ơn đáp nghĩa”; chú trọng phát triển những mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả, bảo đảm linh hoạt, tránh rập khuôn, máy móc. Sử dụng hiệu quả Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, các nguồn lực vận động xã hội hóa và khả năng của đơn vị tiếp tục hỗ trợ xây tặng “Nhà Tình nghĩa”, sửa chữa, nâng cấp nhà ở; tặng công cụ sản xuất, giống, vốn, sổ tiết kiệm,… đối với đối tượng chính sách và Người có công với cách mạng có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn; hỗ trợ tu sửa, tôn tạo các công trình ghi công liệt sĩ, gia đình có người bị thương, hy sinh trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, v.v. Căn cứ vào tình hình cụ thể, kết hợp chặt chẽ công tác “Đền ơn đáp nghĩa” với các cuộc vận động, phong trào thi đua, nhất là Phong trào “Toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công”; Cuộc vận động Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nâng cao chất lượng cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin; đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho những người làm công tác chính sách trong Quân đội. Đồng thời, phát huy vai trò và huy động sự tham gia tích cực, hiệu quả của các tổ chức, lực lượng trong thực hiện, để công tác “Đền ơn đáp nghĩa” phát triển đúng theo phương châm: “Nhà nước, nhân dân và những người được hưởng chính sách ưu đãi cùng phấn đấu”, có sức lan tỏa, mang lại hiệu quả, thiết thực.

Bốn là, phát huy vai trò của các cơ quan chức năng trong nghiên cứu, tham mưu, đề xuất hoàn thiện chế độ, chính sách với Người có công với cách mạng và các đối tượng chính sách. Các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, trong đó ngành Chính sách Quân đội cần tiếp tục phát huy tốt vai trò là cơ quan chủ trì tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện công tác chính sách trong Quân đội. Thường xuyên bám sát yêu cầu, nhiệm vụ, tình hình thực tiễn, chủ động nghiên cứu, tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị đề xuất với Đảng, Nhà nước ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với các đối tượng chính sách và Người có công với cách mạng, nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác “Đền ơn đáp nghĩa”. Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu, đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Ưu đãi Người có công với cách mạng (sửa đổi); Nghị định quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với Người có công với cách mạng thực hiện Đề án xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện Đề án xác nhận, giải quyết chính sách đối với quân nhân mất tin, mất tích. Đẩy mạnh hợp tác với các nước, như: Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Thái Lan, Australia,… để trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến Bộ đội Việt Nam hy sinh, mất tích trong chiến tranh. Tiếp tục rà soát, thẩm định và giải quyết chế độ, chính sách đối với người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế; chính sách đối với người Việt Nam có công với cách mạng, người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế đang định cư ở nước ngoài; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện chính sách tồn đọng sau chiến tranh, v.v.

Thực hiện công tác “Đền ơn đáp nghĩa” là tình cảm thiêng liêng, trách nhiệm chính trị của cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và trách nhiệm chính trị cao của cấp ủy, chỉ huy các cấp, cán bộ, chiến sĩ toàn quân, công tác “Đền ơn đáp nghĩa” trong Quân đội sẽ tiếp tục được đẩy mạnh và đạt hiệu quả thiết thực, góp phần chăm sóc ngày càng tốt hơn đời sống các đối tượng chính sách và Người có công với cách mạng. Qua đó, làm sâu sắc thêm truyền thống, đạo lý nhân nghĩa “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc Việt Nam và truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” trong mỗi cán bộ, chiến sĩ.

__________

1 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 10, Nxb CTQG, H.2011, tr.372.

2 - Năm 2019, toàn quân hỗ trợ xây tặng gần 500 Nhà Tình nghĩa, trị giá 39,6 tỷ đồng; phụng dưỡng 1.969 Mẹ Việt Nam anh hùng; tham gia tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ, với số tiền hơn 1,7 tỷ đồng; khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 45.111 lượt người, với số tiền gần 03 tỷ đồng; đóng góp Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” Bộ Quốc phòng, với số tiền trên 40 tỷ đồng; hỗ trợ, tặng quà một số trung tâm nuôi dưỡng thương binh, đỡ đầu Làng Hữu Nghị, tặng quà các đoàn đại biểu Người có công với cách mạng thăm Bộ Quốc phòng, với số tiền gần 19 tỷ đồng, v.v.

3 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H.2016, tr.136.


(Nguồn: Tạp chí Quốc phòng toàn dân, số tháng 7/2020)


Phòng Thông tin điện tử/Cục Chính sách
Số lượt đọc: 6072 Cập nhật lúc: 15/07/2020 14:12
TIN KHÁC
Số/ký hiệu Ngày ban hành Trích yếu
194/HD-CS 18/01/2023 Hướng dẫn công tác chính sách năm 2023
20/QĐ-CT 05/01/2023 Phê duyệt Kế hoạch công tác chính sách năm 2023
1757/CT-CS 19/10/2022 Về việc rà soát, đánh giá thực trạng; đề xuất chủ trương, giải pháp hỗ trợ giải quyết chính sách, ổn định hậu phương cán bộ, QNCN, CCQP, CN&VCQP
1528/CT-CS 13/09/2022 Về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách hậu phương quân đội
1263/CS-NC 08/06/2022 Về việc giải quyết chế độ, chính sách đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công chức quốc phòng, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng trong bàn giao, giải thể các trường cao đẳng nghề do Bộ Quốc phòng quản lý
Số/ký hiệu Ngày ban hành Trích yếu
(Dự thảo) Tờ trình, (dự thảo) Thông tư 11/09/2024 (Dự thảo) Tờ trình, (dự thảo) Thông tư của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thay thế, bãi bỏ một số quy định, mẫu biểu tại các Thông tư liên tịch của Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính liên quan đến việc kê khai thông tin cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính
75/2024/NĐ - CP 30/06/2024 Điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng
13/2024/TT-BQP 18/03/2024 Sửa đổi, bổ sung một số điều của các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng liên quan đến việc kê khai thông tin cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính.
82/2023/TT-BQP 03/11/2023 Quy định điều chỉnh trợ cấp hằng tháng đối với quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc
55/2023/NĐ-CP 21/07/2023 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng

Nhắn tìm đồng đội - Số 563

23/07/2024 17:08


THỐNG KÊ TRUY CẬP

SỐ LƯỢT TRUY CẬP HIỆN TẠI: 353

TỔNG SỐ LƯỢT TRUY CẬP: 21721741