Mới 6 giờ sáng, đất trời còn đang mờ trong sương khói bảng lảng, cái lạnh tái tê như cứa vào da thịt, khi chúng tôi có mặt tại đồi Vò Đeng, xóm Vò Đuông, xã Vĩnh Quang, thành phố Cao Bằng (nơi có hài cốt các liệt sĩ đang yên nghỉ), đã thấy rất đông bà con, cấp ủy chính quyền địa phương và cán bộ Bộ CHQS tỉnh Cao Bằng có mặt. Sau khi sửa soạn mâm cúng và làm các nghi lễ theo phong tục địa phương, các chiến sĩ dân quân cùng lực lượng cất bốc thận trọng đào những nhát xẻng đầu tiên.
Ông Đinh Ngọc Toàn, trú tại Thôn Đức Chính, xã Vĩnh Quang, người cung cấp thông tin việc phát hiện 5 ngôi mộ nằm trên đất vườn do gia đình quản lý, cho biết: Gia đình tôi ở đây đã nhiều năm, theo các cụ kể lại được biết đây là mộ phần của cán bộ, chiến sĩ tham gia chiến đấu chiến dịch Biên giới 1950 tại đồn Đông Khê, huyện Thạch An, sau khi bị thương được đưa về trạm Quân y địa phương đóng tại làng Khau Mắng, huyện Hòa An (nay là thôn 3 Đức Chính, xã Vĩnh Quang, Thành phố Cao Bằng) để điều trị. Tuy nhiên, do vết thương quá nặng các đồng chí đã hy sinh và được đồng đội, nhân dân địa phương chôn cất tại đây. Tôi xem tivi biết có chương trình thông tin mộ liệt sĩ nên đã gửi đơn đến chính quyền cung cấp thông tin mộ liệt sĩ. Tháng 8-2015 thành phố đã quy tập và an táng 6 liệt sĩ cũng tại khu vườn này. Gia đình chúng tôi đã gìn giữ, trông coi nhiều năm nay, đến dịp 27-7, hay lễ tết vẫn hương khói cho các bác ấy.
Thượng tá Lục Văn Sơn, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh Cao Bằng trực tiếp phụ trách quy tập cất bốc hài cốt nói với chúng tôi: 6 hài cốt đã quy tập còn rõ nấm mộ nên dễ xác định vị trí, hiện nay khu vực này chỉ còn là bãi đất trống nên chỉ đào theo trí nhớ của các cụ, cũng may cụ Nguyễn Văn Dịch, sinh năm 1937 sinh sống gần khu vực này nên nắm khá rõ. Hôm nay chúng tôi có mời cụ ra thực địa.
Dù đã gần 80 tuổi nhưng cụ Nguyễn Văn Dịch còn rất khỏe, minh mẫn. Cụ Dịch cho hay: Khu vực này trước đây là bệnh xá, ngày bé tôi vẫn ra đây chơi, tôi còn được y, bác sĩ khâu cho vết thương ở tay đây này. Lúc chôn cất các anh, các chị, tôi còn được chứng kiến, nhưng hơn nửa thế kỷ trôi qua với bao biến động nên chẳng thể nhớ nổi tên ai.
Trên diện tích khoảng 60m2 khói hương tỏa lên nghi ngút, bộ phận quy tập hài cốt đã đào nhiều vị trí, xác định được một bộ hài cốt còn khá nguyên vẹn; các vị trí khác hầu hết chỉ còn lại một ít di cốt và di vật kèm theo.
Sau khi đã hoàn tất việc cất bốc, hài cốt các liệt sĩ được trang trọng phủ lên mình lá cờ Tổ quốc. Tại nghĩa trang liệt sĩ Thanh Sơn, trong phút xúc cảm thiêng liêng đón các anh về với đồng đội, cấp ủy, chính quyền và đông đảo nhân dân thành phố Cao Bằng tưởng nhớ anh linh các anh hùng, liệt sĩ. Đồng chí Nguyễn Quốc Trung, Phó Chủ tịch UBND thành phố xúc động cho biết: Thành phố Cao Bằng là địa phương trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc nên số lượng liệt sĩ nhiều, địa bàn lại hiểm trở. Nhiều năm qua cấp ủy, chính quyền và nhân dân thành phố Cao Bằng cùng với cả nước luôn đẩy mạnh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm lo gia đình chính sách và người có công với đất nước.
Đại tá Nguyễn Tiến Quân, Trưởng Phòng Chính sách, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo 1237 Quân khu 1, chia sẻ: Công tác quy tập, tìm kiếm mộ liệt sĩ hy sinh trong các cuộc kháng chiến do thời gian đã lâu; thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ ngày càng ít, độ chính xác không cao; nhân chứng biết thông tin về mộ liệt sĩ ngày càng ít, già yếu, trí nhớ giảm nhiều; địa hình thay đổi nhanh do phát triển kinh tế - xã hội, trong khi đó địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, chủ yếu vùng sâu, vùng xa, công tác quản lý lưu trữ hồ sơ, danh sách, sơ đồ mộ liệt sĩ không đầy đủ; rà soát, bổ sung các thông tin không kịp thời, dẫn đến việc lập danh sách liệt sĩ cũng như tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ gặp nhiều khó khăn.
Đại tá Nguyễn Tiến Quân, Trưởng phòng Chính sách Quân khu 1
cùng cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Cao bằng đưa các
liệt sĩ về nơi an táng
Thực hiện Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020, Ban Chỉ đạo các cấp đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân, thân nhân các gia đình liệt sĩ, các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trong việc cung cấp thông tin để tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Giai đoạn 2013-2015 Quân khu đã thu thập được trên 310 thông tin về nơi chôn cất ban đầu của liệt sĩ hy sinh trong các cuộc chiến tranh, tìm kiếm và quy tập được 31 hài cốt liệt sĩ; tổ chức tiếp nhận 9 hài cốt liệt sĩ được quy tập ở Lào, Campuchia do các đơn vị bàn giao đưa về an táng tại các Nghĩa trang liệt sĩ địa phương.
Tri ân và tưởng nhớ những anh hùng, liệt sĩ hiến dâng tuổi thanh xuân cho đất nước mãi trường tồn, góp phần xoa dịu những nỗi đau, mất mát do chiến tranh đã gây ra./.