Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước đối với xây dựng hậu phương Quân đội trong tình hình mới

Thiếu tướng, TS. Trần Văn Minh, Chánh Văn phòng TCCT và Đại tá, PGS, TS. Phạm Văn Thắng, Học viện Chính trị.

Xây dựng hậu phương Quân đội là tổng thể các hoạt động có mục đích, có kế hoạch của chủ thể và các lực lượng liên quan bằng những chủ trương, nội dung, biện pháp nhằm hình thành và phát triển tất cả các yếu tố cấu thành hậu phương Quân đội, đáp ứng yêu cầu xây dựng, chiến đấu, công tác và đời sống của Quân đội cả trong thời bình và thời chiến. Đây là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, nội dung rộng, chủ yếu bao gồm các yếu tố: xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần; xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của Quân đội; các tiềm lực cấu thành hậu phương Quân đội (kinh tế, khoa học kỹ thuật, quân sự - quốc phòng,…) và cơ chế vận hành phát huy các yếu tố đó, nhằm đáp ứng nhu cầu của chiến tranh, tiền tuyến và nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội; là yêu cầu khách quan, vấn đề có tính quy luật trong mọi thời kỳ cách mạng; là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và toàn dân; trong đó, sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước có vai trò quan trọng hàng đầu.

Trong các thời kỳ chiến tranh giải phóng, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt chú trọng đến xây dựng hậu phương chiến tranh, hậu phương Quân đội; có nhiều chủ trương, quyết sách đúng đắn, sáng tạo, phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tạo nên nguồn lực vật chất, tinh thần to lớn cho chiến tranh, cho tiền tuyến và nền tảng cho quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội ta. Trong 30 năm đổi mới, nhất là những năm gần đây, cùng với từng bước hoàn thiện đường lối bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, Đảng, Nhà nước ta thường xuyên quan tâm đến xây dựng hậu phương Quân đội. Sự phát triển trong nhận thức về mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, tăng cường quốc phòng, xây dựng Quân đội đã tạo ra cơ sở thống nhất các nguồn lực bảo đảm. Cùng với đó, các chủ trương, chính sách về xây dựng thế trận quốc phòng - an ninh, nhất là “thế trận lòng dân”, xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng được bổ sung, hoàn thiện; hệ thống chính sách, pháp luật về nghĩa vụ quân sự, động viên lực lượng dự bị, động viên công nghiệp, giáo dục quốc phòng và an ninh, nhất là các chế độ, chính sách xã hội đối với Quân đội và hậu phương Quân đội được ban hành khá đồng bộ, v.v.

Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, các cấp, các ngành, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã có nhiều nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo phát huy sức mạnh tổng hợp, không ngừng xây dựng, từng bước phát triển các yếu tố cấu thành hậu phương Quân đội và xây dựng nó ổn định, ngày càng vững mạnh, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Quân đội trước yêu cầu phát triển mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và trong cả nước. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, bất cập trong lãnh đạo, quản lý xây dựng hậu phương Quân đội. Nổi lên là, nhận thức chưa thống nhất, toàn diện và sâu sắc về xây dựng hậu phương Quân đội trong điều kiện mới - xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Quân đội trong điều kiện thời bình, đất nước phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; xây dựng hậu phương Quân đội trong bối cảnh chiến tranh có thể xảy ra, các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng hậu phương Quân đội chưa đồng bộ, tính độc lập chưa cao (chưa có chủ trương, chính sách, pháp luật chuyên ngành lĩnh vực xây dựng hậu phương Quân đội); việc xây dựng các yếu tố cấu thành hậu phương Quân đội của các cấp, các ngành chưa đặt trong một chiến lược và kế hoạch thống nhất, cơ chế chưa thật nhịp nhàng, sức mạnh tổng hợp chưa được phát huy tốt, v.v.

Trong thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực bên cạnh xu hướng chung là hòa bình, ổn định và phát triển, có những diễn biến phức tạp, biến động khó lường; nhiều vấn đề cơ bản về kinh tế - xã hội, quân sự - quốc phòng, về chiến tranh và quân đội, nhất là khoa học - công nghệ có sự biến đổi mạnh mẽ và sâu sắc. Ở trong nước, bên cạnh thế và lực, sức mạnh tổng hợp của đất nước tăng lên, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức; bốn nguy cơ mà Đảng ta chỉ ra tiếp tục tồn tại, có mặt trầm trọng hơn; sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và chiến đấu của Quân đội,… đã và đang tác động mạnh mẽ, đặt ra thử thách và yêu cầu toàn diện đối với xây dựng hậu phương Quân đội, đòi hỏi phải tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước đối với lĩnh vực quan trọng này. Theo đó, cần đề xuất và tập trung thực hiện tốt một số vấn đề cơ bản sau đây:

Một làtiếp tục đổi mới tư duy, bổ sung, hoàn thiện quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ, chủ trương xây dựng hậu phương Quân đội. Đây là vấn đề quan trọng hàng đầu, có ý nghĩa chỉ đạo, định hướng cho toàn bộ quá trình xây dựng hậu phương Quân đội. Trước hết, phải tiếp tục đổi mới tư duy về xây dựng hậu phương Quân đội. Trong các thời kỳ chiến tranh trước đây, xây dựng hậu phương, hậu phương chiến tranh, xây dựng hậu phương Quân đội luôn có sự đồng thuận cao; thường được đồng nghĩa với xây dựng các yếu tố, tiềm lực ở phía sau, phục vụ cho tiền tuyến, cho phía trước, phục vụ cho Quân đội chiến đấu và chiến thắng. Trong thời kỳ mới, mục tiêu, nội dung, hình thức, biện pháp xây dựng hậu phương Quân đội có sự phát triển nhằm đáp ứng yêu cầu mới của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, của sự nghiệp xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; sẵn sàng đáp ứng và bảo đảm cho các lực lượng vũ trang và toàn dân giành thắng lợi khi có chiến tranh xảy ra, với đặc trưng chủ yếu là chiến tranh bằng vũ khí công nghệ cao, không phân tuyến, phân vùng một cách rõ rệt. Tư duy mới về xây dựng hậu phương Quân đội phải được quán triệt sâu sắc, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp, các ngành, chủ thể và lực lượng, làm cơ sở cho việc bổ sung, hoàn thiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, ngành, đơn vị và địa phương.

Trên cơ sở tư duy mới, tập trung nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, đề xuất để từng bước bổ sung, hoàn thiện quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng hậu phương Quân đội trong thời kỳ mới. Theo đó, cần tiếp tục khẳng định yêu cầu khách quan của việc xây dựng hậu phương Quân đội, xác định rõ vai trò, vị trí, các mối quan hệ, mục tiêu, nội dung xây dựng hậu phương Quân đội trong đường lối, chủ trương xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tăng cường quốc phòng, xây dựng Quân đội; tiếp tục hoàn thiện các định hướng về cơ chế, chính sách, các yêu cầu chỉ đạo và trách nhiệm của các cấp, ngành trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng hậu phương Quân đội gắn với từng thời kỳ, các tình huống chiến tranh có thể xảy ra, làm cơ sở thống nhất nhận thức và hành động trong tổ chức thực hiện. Việc nghiên cứu, đề xuất bổ sung, hoàn thiện quan điểm, chủ trương, đường lối xây dựng hậu phương Quân đội gắn liền với quá trình nghiên cứu, xây dựng chiến lược quân sự, chiến lược quốc phòng; hoàn thiện chủ trương, đường lối về chiến lược bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Quân đội; thể hiện trước hết trong các chỉ thị, nghị quyết của Quân ủy Trung ương. Từng bước tổng kết, phát triển thành các chủ trương, giải pháp lớn trong các chỉ thị, nghị quyết của Ban Bí thư, Bộ Chính trị, tiến tới đưa vào các nghị quyết của Trung ương và văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc (phần về quốc phòng - an ninh, bảo vệ Tổ quốc), tạo cơ sở, định hướng chính trị, bảo đảm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp xây dựng hậu phương Quân đội trong thời kỳ mới.

Hai làtiếp tục thể chế hóa, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về xây dựng hậu phương Quân đội. Tập trung đánh giá các chính sách, pháp luật hiện hành về bảo vệ Tổ quốc, quân sự - quốc phòng, xây dựng Quân đội; đề xuất sửa đổi, bổ sung các chế định, quy phạm về xây dựng hậu phương Quân đội, trong đó xác định rõ những vấn đề cơ bản, như: nội dung, nguyên tắc; bộ máy và cơ chế vận hành; các nguồn lực huy động và trách nhiệm của các cấp, ngành trong tổ chức thực hiện. Trên cơ sở đường lối, chủ trương của Đảng được bổ sung, hoàn thiện trong thời gian tới, Nhà nước sớm thể chế hóa, kết hợp hệ thống hóa, pháp điển hóa các chính sách, pháp luật hiện hành, từng bước hình thành hệ thống chính sách, pháp luật về xây dựng hậu phương Quân đội một cách đồng bộ, có địa vị pháp lý độc lập với hình thức pháp luật ngày càng cao. Theo đó, ưu tiên đề xuất, bổ sung các nội dung có liên quan về xây dựng hậu phương Quân đội trong quá trình vận hành, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về nghĩa vụ quân sự, giáo dục quốc phòng, động viên công nghiệp, xây dựng đội ngũ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp và công nhân viên chức quốc phòng; bổ sung chế định về hậu phương Quân đội và xây dựng hậu phương Quân đội trong sửa đổi, bổ sung Luật Quốc phòng năm 2005. Tùy theo phạm vi điều chỉnh, trong các chính sách pháp luật chuyên ngành sẽ ban hành trong thời gian tới liên quan đến bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Quân đội, cần thiết quy định việc xây dựng các yếu tố, tiềm lực của hậu phương Quân đội, bởi vì, xây dựng Quân đội và hậu phương Quân đội luôn quan hệ biện chứng, tác động tương hỗ lẫn nhau. Sớm nghiên cứu, đề xuất xây dựng nghị định của Chính phủ, tiến tới ban hành luật về xây dựng hậu phương Quân đội vào thời điểm thích hợp.

Đồng thời với việc xây dựng pháp luật, trong quá trình thực hiện chức năng quản lý nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành chức năng khi xây dựng, bổ sung các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tất nhiên sẽ xác định các chủ trương, mục tiêu, giải pháp xây dựng hậu phương Quân đội gắn với xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Chính phủ giao cho Bộ Quốc phòng giúp quản lý nhà nước và làm trung tâm phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, các địa phương xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch xây dựng hậu phương Quân đội; công tác kiểm tra, đánh giá, tổng kết; không ngừng tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với nhiệm vụ xây dựng hậu phương Quân đội.

Ba làtăng cường sự lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương các cấp; sự phối hợp đồng bộ, thiết thực, hiệu quả của các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong xây dựng hậu phương Quân đội. Đối với cấp ủy các cấp, trước hết là cấp ủy quân sự địa phương, cần xác định xây dựng hậu phương Quân đội là một nội dung, nhiệm vụ chính trị thường xuyên trong hoạt động lãnh đạo (hiện nay mới xác định là chính sách hậu phương Quân đội - một bộ phận của hậu phương Quân đội); quán triệt và thực hiện nghiêm túc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng hậu phương Quân đội trong một chỉnh thể thống nhất. Đồng thời, từng thời điểm, yêu cầu nhiệm vụ cụ thể, xác định các chủ trương, giải pháp lãnh đạo xây dựng và phát triển từng yếu tố, tiềm lực của hậu phương Quân đội gắn với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh ở địa phương. Chấp hành chủ trương lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp thể chế hóa thành chương trình, kế hoạch, đề án xây dựng hậu phương Quân đội; xác định đúng các mục tiêu, đầy đủ về nội dung, tiến độ công việc cần triển khai, các giải pháp về tuyên truyền, tổ chức và bảo đảm để thực hiện; quy định rõ trách nhiệm của các ngành chức năng, với vai trò chủ trì tham mưu và trung tâm phối hợp, hiệp đồng của cơ quan quân sự địa phương. Trên cơ sở xác định đúng chủ trương, chương trình, kế hoạch xây dựng hậu phương Quân đội ở cấp mình, cấp ủy và chính quyền các cấp chủ động phát huy sự ủng hộ, phối hợp đồng bộ của các tổ chức chính trị - xã hội, bảo đảm sức bền, tính rộng khắp và hiệu quả trong xây dựng hậu phương Quân đội; chú trọng phát huy vai trò nòng cốt và thế mạnh của các tổ chức, như: Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ,…; bảo đảm cho các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được thực hiện một cách sinh động, hiệu quả.

Bốn làchủ động, tích cực nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn; thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết về xây dựng hậu phương Quân đội. Công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn phải góp phần tích cực cung cấp luận cứ khoa học cho Đảng, Nhà nước trong việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật về xây dựng hậu phương Quân đội. Theo đó, cần tổ chức tốt các hoạt động nghiên cứu một cách cơ bản, chuyên sâu về lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò, mối liên hệ giữa hậu phương, xây dựng hậu phương với chiến tranh, với tiền tuyến và xây dựng Quân đội cách mạng; rút ra những vấn đề có tính quy luật, các nguyên tắc, tư tưởng chỉ đạo về xây dựng hậu phương; định hướng phương pháp luận cho việc xây dựng hậu phương Quân đội.

Tổ chức nghiên cứu một cách có hệ thống, chuyên sâu về các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, hệ thống chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ta trong suốt các thời kỳ cách mạng, đặc biệt chú ý trong thời kỳ bảo vệ Tổ quốc. Có thể khẳng định, hệ thống văn kiện, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chiến tranh cách mạng, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Quân đội hàm chứa nhiều tư tưởng, quan điểm, chủ trương, quyết sách đúng đắn, sâu sắc, khoa học về xây dựng hậu phương Quân đội. Cần nghiên cứu, tổng kết một cách kỹ lưỡng, hệ thống để góp phần hoàn thiện chủ trương, đường lối, chính sách xây dựng hậu phương Quân đội trong thời kỳ mới.

Cùng với nghiên cứu lý luận, cần tăng cường tổng kết kinh nghiệm xây dựng hậu phương Quân đội trong lịch sử dân tộc, kinh nghiệm xây dựng hậu phương Quân đội gắn liền với hơn 70 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội ta, nhất là trong thời kỳ đổi mới, kế thừa và phát triển phù hợp yêu cầu của tình hình mới. Tổ chức tốt các hoạt động nghiên cứu thực tiễn, kinh nghiệm xây dựng hậu phương Quân đội của nước ngoài. Tìm hiểu, nghiên cứu sâu về các chiến lược, chính sách, pháp luật và tổ chức hoạt động xây dựng hậu phương Quân đội, trọng tâm là về mục tiêu, nội dung, mô hình, cấu trúc, cơ sở vật chất, lực lượng, phương tiện, cơ chế, phương thức hoạt động xây dựng hậu phương quân đội của các nước; nhất là các nước phát triển, được trang bị và sử dụng vũ khí công nghệ cao, các nước có những thành công nhất định trong phòng, chống chiến tranh công nghệ cao; chọn lọc, vận dụng xây dựng hậu phương Quân đội ở nước ta phù hợp với đặc điểm Việt Nam trong thời kỳ mới. Gắn liền với hoạt động nghiên cứu lý luận, thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, đánh giá việc chấp hành và triển khai thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về xây dựng hậu phương Quân đội; thông qua đó, đánh giá đúng mạnh - yếu, nguyên nhân, đúc rút kinh nghiệm, đề xuất bổ sung chủ trương, giải pháp mới; chấn chỉnh kịp thời những thiếu sót, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của cấp ủy, chính quyền các cấp; bảo đảm cho chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về xây dựng hậu phương Quân đội được thực thi nghiêm túc, hiệu quả ngày càng cao.

Để thực hiện các kiến nghị nêu trên, một trong các giải pháp rất quan trọng là cần giao cho một tổ chức chuyên trách đảm nhiệm thực hiện lĩnh vực này. Sự kết hợp giữa cơ quan tham mưu chuyên trách về xây dựng hậu phương Quân đội với các cơ quan nghiên cứu lý luận và cơ quan quản lý, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng sẽ góp phần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước đối với việc xây dựng Quân đội, hậu phương Quân đội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới./.

(Bài đăng Tạp chí Quốc phòng toàn dân, số 12/2016)


Phòng Thông tin điện tử/Cục Chính sách
Số lượt đọc: 5895 Cập nhật lúc: 16/12/2016 11:48
Số/ký hiệu Ngày ban hành Trích yếu
194/HD-CS 18/01/2023 Hướng dẫn công tác chính sách năm 2023
20/QĐ-CT 05/01/2023 Phê duyệt Kế hoạch công tác chính sách năm 2023
1757/CT-CS 19/10/2022 Về việc rà soát, đánh giá thực trạng; đề xuất chủ trương, giải pháp hỗ trợ giải quyết chính sách, ổn định hậu phương cán bộ, QNCN, CCQP, CN&VCQP
1528/CT-CS 13/09/2022 Về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách hậu phương quân đội
1263/CS-NC 08/06/2022 Về việc giải quyết chế độ, chính sách đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công chức quốc phòng, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng trong bàn giao, giải thể các trường cao đẳng nghề do Bộ Quốc phòng quản lý
Số/ký hiệu Ngày ban hành Trích yếu
(Dự thảo) Tờ trình, (dự thảo) Thông tư 11/09/2024 (Dự thảo) Tờ trình, (dự thảo) Thông tư của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thay thế, bãi bỏ một số quy định, mẫu biểu tại các Thông tư liên tịch của Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính liên quan đến việc kê khai thông tin cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính
75/2024/NĐ - CP 30/06/2024 Điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng
13/2024/TT-BQP 18/03/2024 Sửa đổi, bổ sung một số điều của các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng liên quan đến việc kê khai thông tin cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính.
82/2023/TT-BQP 03/11/2023 Quy định điều chỉnh trợ cấp hằng tháng đối với quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc
55/2023/NĐ-CP 21/07/2023 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng

Nhắn tìm đồng đội - Số 563

23/07/2024 17:08


THỐNG KÊ TRUY CẬP

SỐ LƯỢT TRUY CẬP HIỆN TẠI: 271

TỔNG SỐ LƯỢT TRUY CẬP: 21733154