Tập trung giải quyết căn bản hồ sơ tồn đọng - Việc làm thiết thực tri ân người có công với cách mạng

Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, 70 năm qua Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, chế độ chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng và tập trung nỗ lực giải quyết có hiệu quả các tồn đọng về chính sách sau chiến tranh.

Tính đến nay, cả nước có trên 9 triệu người có công (chiếm 10% dân số) được hưởng trợ cấp một lần và hằng tháng, trong đó có trên 1,4 triệu người có công được hưởng trợ cấp hằng tháng; hàng chục nghìn con thương binh, con liệt sĩ được hưởng chế độ ưu đãi về giáo dục - đào tạo, chăm sóc y tế, gần 15.000 cán bộ lão thành cách mạng được hỗ trợ về nhà ở...

70 năm qua, cùng với việc nghiên cứu, ban hành và tổ chức thực hiện chính sách ưu đãi người có công, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội luôn quan tâm, đẩy mạnh công tác rà soát với nhiều hình thức như: Tổ chức các đợt rà soát trên diện rộng hoặc rà soát ở phạm vi hẹp với từng nhóm đối tượng, từng khu vực, địa phương cụ thể; khuyến khích các cơ quan, đoàn thể và quần chúng nhân dân phát hiện, đề xuất giải quyết chế độ đối với người có công chưa được hưởng chính sách. Qua đó thực hiện mục tiêu người có công phải được hưởng ưu đãi của Đảng và Nhà nước, đồng thời thấy rõ những vấn đề còn bất cập của chính sách, phát hiện các tiêu cực trong việc xét duyệt và thực hiện chế độ ưu đãi người có công.

Để đánh giá đầy đủ, toàn diện việc thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công và tiếp tục hoàn thiện chính sách ưu đãi người công theo các đối tượng khác nhau, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 27-10-2013 về Tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng trong 2 năm 2014 - 2015. Kết quả sau tổng rà soát cho thấy, trong số 2.070.842 đối tượng được rà soát thì số đã hưởng đầy đủ chế độ là 1.982.769 trường hợp (chiếm 95,75%); số kê khai hưởng chưa đầy đủ là 86.201 trường hợp (chiếm 4,16%) và số phát hiện hưởng sai chính sách là 1.872 trường hợp (chiếm 0,09%). Hiện vẫn còn khoảng 28.500 trường hợp tự kê khai là người có công chưa được hưởng chính sách (trong đó: xác nhận liệt sĩ 2.020 trường hợp; Bà mẹ Việt Nam anh hùng 1.496 trường hợp; xác nhận thương binh 7.871 trường hợp; xác nhận bệnh binh 855 trường hợp; xác nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học 16.295 trường hợp).

Tuy nhiên, các trường hợp kê khai là tồn đọng nêu trên chủ yếu là do không có căn cứ, giấy tờ, tài liệu để thiết lập hồ sơ; nhiều trường hợp đã lập hồ sơ nhưng không đủ điều kiện giải quyết (bị chết, bị thương không thuộc các trường hợp xác nhận liệt sĩ, thương binh theo quy định) và có những trường hợp đã được giám định nhưng không có thương tích thực thể hoặc có thương tích nhẹ, không đủ tỷ lệ để xác nhận là thương binh (21% trở lên)...

Với phương châm “không để bất cứ người có công nào không được hưởng chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, sự chăm sóc của nhân dân”, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu toàn diện các vấn đề tồn tại, vướng mắc, phát sinh liên quan đến chính sách ưu đãi người có công, đề xuất điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện tiêu chí áp dụng cho các đối tượng cụ thể và các chế độ chính sách ưu đãi người có công phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ; tiếp tục rà soát các hồ sơ tồn đọng; nghiên cứu soạn thảo trình Quốc hội ban hành Luật Người có công với Tổ quốc.

Trong năm 2016, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã triển khai thí điểm giải quyết hồ sơ tồn đọng tại 5 tỉnh, thành phố: Lai Châu, Bắc Kạn, Thái Bình, Đà Nẵng và Long An. Tập trung xác nhận người có công với cách mạng gồm 3 đối tượng: liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Sau đó mở rộng thêm 4 địa phương gồm: Ninh Thuận, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Tiền Giang. Cách làm theo một quy trình chặt chẽ, đề cao công khai, dân chủ, sự giám sát của người dân, cán bộ lão thành và cựu chiến binh phát huy đúng mức trách nhiệm của các cấp, các ngành và công khai trên các cơ quan thông tin đại chúng tại cơ sở.

Kết quả tại 9 tỉnh, thành phố triển khai trong đợt thí điểm, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và Tổ công tác Trung ương đã thống nhất đề nghị xác nhận 86 trường hợp người có công với cách mạng, bao gồm: 75 liệt sĩ (trong đó có 57 liệt sĩ thời kỳ chống Pháp, 18 liệt sĩ thời kỳ chống Mỹ) và 11 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh thời kỳ chống Mỹ.

Từ kết quả đó, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 07-3-2017 và Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 10-5-2017, tiếp đó Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 22-5-2017 về việc tiếp tục tăng cường công tác chăm sóc người có công với cách mạng, thiết thực kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2017). Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các địa phương giải quyết các hồ sơ xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh còn tồn đọng tại các địa phương theo trình tự, thủ tục, hồ sơ cụ thể. Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng, ngày 20-3-2017 Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ký Quyết định 408/QĐ-LĐTBXH ban hành Quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công.

Thực tiễn cho thấy, các trường hợp kê khai tồn đọng chủ yếu không có căn cứ, giấy tờ để lập hồ sơ, nhiều trường hợp đã lập hồ sơ, nhưng không đủ điều kiện để giải quyết... Trong đó, khó khăn lớn nhất là nhiều trường hợp đề nghị công nhận người có công, nhưng không có giấy tờ, căn cứ để chứng minh, nhất là với các hồ sơ liệt sĩ, thương binh, người bị bắt tù đày. Với tinh thần coi công tác giải quyết tồn đọng là nhiệm vụ chính trị quan trọng, quá trình triển khai phải khẩn trương, quyết liệt, chặt chẽ, nhưng cách làm phải cởi mở, đặc biệt chú trọng không để trục lợi chính sách. Bộ đã đề nghị các địa phương vào cuộc quyết liệt triển khai theo quy trình 408 và cho đăng tải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xác nhận. Theo đó, bổ sung cấp mới và cấp đổi khoảng 35 nghìn bằng Tổ quốc ghi công; sẽ công bố và trao quyết định gần 500 hồ sơ liệt sĩ tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7-2017.

Mỗi hồ sơ đề nghị xác nhận người có công là một hoàn cảnh, là một khó khăn thách thức. Đáng chú ý trong số này, nhiều trường hợp là lão thành cách mạng đã hy sinh vài chục năm, đang nằm trong các nghĩa trang liệt sĩ nhưng chưa được công nhận. Cá biệt như trường hợp liệt sĩ Đặng Văn Tiết, sinh năm 1891, quê xã Long Ngãi Thuận, Tân An, Long An, hy sinh ngày 17-11-1942, sau 75 năm mới được công nhận liệt sĩ.

Bên cạnh việc thực hiện đầy đủ chính sách ưu đãi người có công với cách mạng công tác thanh, kiểm tra cũng được chú trọng, đẩy mạnh. Từ năm 2012 đến hết năm 2016, Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tiến hành thanh tra tại 29 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và phối hợp với Bộ Quốc phòng tiến hành thanh tra việc xác lập, xét duyệt hồ sơ thương binh tại 5 Quân khu (Quân khu 2, 3, 4, 5, 7).

Qua kiểm tra hơn 60 nghìn hồ sơ tại các đơn vị, địa phương nêu trên đã phát hiện hơn 12 nghìn hồ sơ sai sót hoặc nghi vấn sai sót, trong đó có hơn 1,8 nghìn hồ sơ không đảm bảo pháp lý, không đủ điều kiện hưởng chế độ ưu đãi, đã kiến nghị các cơ quan có liên quan ban hành quyết định đình chỉ chế độ ưu đãi, buộc hoàn trả ngân sách Nhà nước số tiền đã hưởng sai quy định trên 130 tỷ đồng, giảm chi ngân sách Nhà nước hằng năm trên 37 tỷ đồng; chi sai nội dung, chi trùng lĩnh, trùng cấp kinh phí người có công, đã kiến nghị xuất toán, thu hồi nộp ngân sách Nhà nước số tiền trên 13 tỷ đồng. Từ kết quả thanh tra, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo kiên quyết chuyển hồ sơ đề nghị cơ quan điều tra khởi tố để xử lý theo pháp luật đối với các sai phạm nghiêm trọng, có dấu hiệu tội phạm.

Để tiếp tục giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công trong năm 2017 và các năm tiếp theo, cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện tốt việc lập và xét duyệt hồ sơ thường xuyên theo các quy định pháp luật hiện hành. Các địa phương tự tăng cường kiểm tra, rà soát ngay khi lập hồ sơ ban đầu xác nhận người có công, giải quyết chế độ ưu đãi để kịp thời phát hiện xử lý những đối tượng không đúng, nhất là với các trường hợp không có hồ sơ gốc, kịp thời xác minh, giải quyết khiếu nại tố cáo nhằm đảm bảo công bằng trong thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra nhằm ngăn ngừa các hành vi tiêu cực xuất hiện trong quá trình giải quyết hồ sơ đề nghị công nhận người có công.

Hai là, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách, đảm bảo khắc phục hạn chế, những nội dung đã lạc hậu, để phù hợp với tình hình mới cũng hết sức quan trọng (như việc xem xét, ban hành hướng dẫn giải quyết những khó khăn vướng mắc trong xác nhận cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, cựu thanh niên xung phong hoạt động trong kháng chiến...).

Ba là, tập trung nhân lực, phát huy cơ chế phối hợp liên ngành, đề cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương để giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, theo quy trình ban hành kèm theo Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH ngày 20-3-2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Trong đó, chú trọng thực hiện cơ chế xác nhận dựa vào cộng đồng dân cư nơi người có công với cách mạng sinh sống. Phát huy quy chế dân chủ ở cơ sở, công khai minh bạch và giám sát của nhân dân, của báo chí, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng chính sách để trục lợi./.

(Nguồn: Tạp chí Xây dựng Đảng số 7-2017)

Phòng Thông tin điện tử/Cục Chính sách
Số lượt đọc: 2390 Cập nhật lúc: 22/08/2017 14:13
TIN KHÁC
Số/ký hiệu Ngày ban hành Trích yếu
194/HD-CS 18/01/2023 Hướng dẫn công tác chính sách năm 2023
20/QĐ-CT 05/01/2023 Phê duyệt Kế hoạch công tác chính sách năm 2023
1757/CT-CS 19/10/2022 Về việc rà soát, đánh giá thực trạng; đề xuất chủ trương, giải pháp hỗ trợ giải quyết chính sách, ổn định hậu phương cán bộ, QNCN, CCQP, CN&VCQP
1528/CT-CS 13/09/2022 Về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách hậu phương quân đội
1263/CS-NC 08/06/2022 Về việc giải quyết chế độ, chính sách đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công chức quốc phòng, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng trong bàn giao, giải thể các trường cao đẳng nghề do Bộ Quốc phòng quản lý
Số/ký hiệu Ngày ban hành Trích yếu
(Dự thảo) Tờ trình, (dự thảo) Thông tư 11/09/2024 (Dự thảo) Tờ trình, (dự thảo) Thông tư của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thay thế, bãi bỏ một số quy định, mẫu biểu tại các Thông tư liên tịch của Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính liên quan đến việc kê khai thông tin cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính
75/2024/NĐ - CP 30/06/2024 Điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng
13/2024/TT-BQP 18/03/2024 Sửa đổi, bổ sung một số điều của các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng liên quan đến việc kê khai thông tin cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính.
82/2023/TT-BQP 03/11/2023 Quy định điều chỉnh trợ cấp hằng tháng đối với quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc
55/2023/NĐ-CP 21/07/2023 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng

Nhắn tìm đồng đội - Số 563

23/07/2024 17:08


THỐNG KÊ TRUY CẬP

SỐ LƯỢT TRUY CẬP HIỆN TẠI: 261

TỔNG SỐ LƯỢT TRUY CẬP: 21768441