Đồng chí Thượng tướng Lê Huy Vịnh thăm, tặng quà đối tượng chính sách tại Làng Hữu nghị Việt Nam thuộc Hội Cựu chiến binh Việt Nam (tháng 7/2022)
Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng là chính sách lớn, có vị trí rất quan trọng trong hệ thống chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước ta, thể hiện đạo lý, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc Việt Nam.
Thực hiện tốt chính sách đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” là trách nhiệm của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị và của toàn dân, toàn quân, nhằm đãi ngộ, tôn vinh, tri ân với những người có nhiều công lao cống hiến, hy sinh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Nhận thức rõ điều đó và thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên, bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu, giúp đỡ họ” [1], Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với người có công với cách mạng. Hơn 75 năm qua, khởi đầu từ Sắc lệnh 20/SL, ngày 16/02/1947 “Quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất cho thân nhân tử sĩ”, hệ thống chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng không ngừng được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện. Đến nay, cơ bản đã bao phủ được hết các đối tượng người có công với cách mạng trong cả nước. Nhờ đó, việc tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng, nhất là những năm gần đây đạt được nhiều thành tựu to lớn và quan trọng.
Ban Phụ nữ Quân đội thăm và tặng quà Bà mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Lương, khối phố Phương Nam Hòa, phường Hòa Thuận, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam (ngày 25/7/2022)
Quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng đã có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị quan trọng này. Trước hết, tập trung làm tốt công tác phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương nghiên cứu, đề xuất ban hành, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, làm cơ sở để triển khai thực hiện. Nổi bật là: Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành và sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh Tuyên dương Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng. Chủ trì nghiên cứu, đề xuất Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 24-CT/TW ngày 15/5/2013 về tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đến năm 2020 và những năm tiếp theo; trình Ban Bí thư Đề án về chế độ, chính sách đối với người Việt Nam có công với cách mạng, người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế; Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản quy định về công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đến năm 2030 và những năm tiếp theo; chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ đang công tác trong Quân đội… Đồng thời, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nhằm cụ thể hóa nội dung các quy định và chủ động, tích cực tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện chính sách đối với thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng.
Đoàn công tác của Báo Quân đội nhân dân tặng quà thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách trên địa bàn xã Quân Chu và thị trấn Quân Chu, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên (ngày 22/7/2022)
Với tình cảm sâu nặng, sự tri ân đối với những người đã hy sinh, đóng góp công sức, xương máu của mình cho nền độc lập, tự do của dân tộc, cấp ủy, chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị trong toàn quân luôn xác định công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng; thường xuyên làm tốt công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến chính sách nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, chất lượng quản lý và tổ chức thực hiện chính sách ưu đãi người có công theo quy định của pháp luật; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị và địa phương, thực hiện đúng quy trình xác lập, xét duyệt, thẩm định hồ sơ, tạo điều kiện thuận lợi để người có công được thụ hưởng đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước. Từ năm 2012 đến 2022, Quân đội đã thẩm định, ra quyết định, cấp giấy chứng nhận thương binh hưởng trợ cấp hằng tháng đối với hơn 9.800 trường hợp; giấy chứng nhận bệnh binh hưởng trợ cấp hằng tháng đối với hơn 1.700 trường hợp; đề nghị công nhận liệt sĩ, cấp Bằng Tổ quốc ghi công hơn 1.000 trường hợp, bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, đúng quy trình, đối tượng. Nhiều trường hợp đơn thư kiến nghị, khiếu nại tồn đọng kéo dài hàng chục năm được xem xét, giải quyết thấu tình, đạt lý, đúng quy định pháp luật.
Cùng với đó, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ hy sinh trên các chiến trường ở trong và ngoài nước được triển khai và tổ chức thực hiện tích cực, đạt hiệu quả thiết thực. Từ năm 2012 đến nay, các đơn vị, địa phương trong cả nước đã tìm kiếm, quy tập được hơn 18.000 hài cốt liệt sĩ (trong nước hơn 9.000, Lào gần 3.000, Cam-pu-chia hơn 6.400), đưa về an táng tại hơn 3.000 nghĩa trang liệt sĩ trong cả nước. Những việc làm đó có ý nghĩa chính trị - xã hội, nhân văn sâu sắc, phần nào làm vơi dịu những đau thương, mất mát của thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng, góp phần ổn định tình hình an ninh, chính trị - xã hội ở các địa phương.
Về thực hiện chính sách đối với người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế: Từ năm 2012 đến nay, Bộ Quốc phòng đã chủ trì nghiên cứu, đề xuất trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhiều đề án lớn, rất có ý nghĩa, nhất là về chính trị - xã hội, được cấp ủy, chính quyền địa phương, đối tượng chính sách và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Đến nay, toàn quốc đã giải quyết chế độ trợ cấp một lần đối với các đối tượng nêu trên cho hơn 2.800.000 trường hợp, với số tiền hơn 8.800 tỷ đồng và giải quyết chế độ trợ cấp hằng tháng đối với hơn 7.500 trường hợp. Hiện nay, các đơn vị, địa phương đang tiếp tục giải quyết chế độ, chính sách đối với dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Phong trào chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng được phát triển sâu rộng trong toàn quân. Cấp ủy, chỉ huy các cấp thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và có nhiều chủ trương, giải pháp triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Từ năm 2012 đến nay, toàn quân đã đóng góp, xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” hơn 670 tỷ đồng; xây hơn 10.000 nhà tình nghĩa tặng các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở; hỗ trợ phương tiện, trang thiết bị dùng chung cho các trung tâm nuôi, điều dưỡng thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng, với số tiền hơn 99 tỷ đồng; nhận phụng dưỡng hơn 3.300 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; tuyển dụng, giải quyết việc làm cho hơn 300 trường hợp là con đẻ thương binh nặng tại các trung tâm điều dưỡng, vợ, con quân nhân hy sinh trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh...; thăm hỏi, tặng quà, tổ chức khám, chữa bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho hàng vạn đối tượng chính sách và người có công với cách mạng.
Với những việc làm thiết thực, cụ thể, Quân đội đã góp phần quan trọng vào việc cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng; qua đó khẳng định sự tiếp nối và phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc, của Quân đội ta; tiếp tục động viên các lực lượng tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định tình hình chính trị, xã hội ở từng địa phương và cả nước; củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và Quân đội.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng hiện nay còn có những hạn chế, vướng mắc, bất cập, đó là: Một số người có công với cách mạng vì nhiều lý do khác nhau chưa được công nhận; số lượng hài cốt liệt sĩ chưa tìm được, cũng như chưa xác định được danh tính vẫn còn nhiều; đời sống của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng mặc dù đã được cải thiện, nhưng còn nhiều khó khăn, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số;…
Quán triệt sâu sắc các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: “Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách đối với người có công trên cơ sở nguồn lực của Nhà nước và xã hội, bảo đảm người có công và gia đình có mức sống từ trung bình khá trở lên trong địa bàn cư trú. Cân đối ngân sách để tiếp tục thực hiện việc nâng mức trợ cấp xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công, giải quyết căn bản chính sách đối với người có công…” [2]; đồng thời, trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhiệm vụ xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đòi hỏi công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng phải có nhiều chủ trương, giải pháp tích cực, hiệu quả; trong đó cần chú trọng thực hiện tốt những vấn đề cơ bản sau:
Một là, tiếp tục tuyên truyền sâu rộng các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Cấp uỷ, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc về mục đích, ý nghĩa, giá trị to lớn, ý nghĩa nhân văn của việc thực hiện công tác chính sách nói chung, công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng nói riêng và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; trọng tâm là Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII “Về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng”, Chỉ thị số 21-CT/TTg ngày 22/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc tiếp tục tăng cường công tác chăm sóc người có công với cách mạng”, Chỉ thị số 169-CT/QUTW ngày 29/12/2020 của Quân ủy Trung ương “Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác chính sách đối với Quân đội và hậu phương quân đội giai đoạn 2021 - 2025”; tăng cường bám nắm cơ sở để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và những vấn đề cần giải quyết trong thực hiện chính sách. Đó không chỉ là trách nhiệm, mà còn là tình cảm, đạo lý của mỗi cán bộ, chiến sĩ toàn quân đối với sự hy sinh to lớn của thế hệ cha anh; trên cơ sở đó, tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng của thế hệ trẻ trong thời kỳ mới.
Hai là, bám sát thực tiễn tình hình đất nước, Quân đội, chủ động nghiên cứu, đề xuất với Đảng, Nhà nước tiếp tục hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật ưu đãi người có công. Hệ thống các văn bản pháp luật, chính sách ưu đãi người có công cần được bổ sung, hoàn thiện cùng với tiến trình cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, phù hợp với chủ trương cải cách chính sách xã hội của Nhà nước và đặc điểm của Quân đội. Trong đó, chú trọng nghiên cứu, đề xuất ưu tiên, bổ sung những quy định về đối tượng, tiêu chuẩn, thủ tục, hồ sơ để thực hiện tốt Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh quy định danh hiệu Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”; thực hiện tốt Nghị định số 102/2018/NĐ-CP quy định chế độ hỗ trợ và một số chế độ đãi ngộ khác đối với người Việt Nam có công với cách mạng, người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế đang định cư ở nước ngoài; Nghị định số 131/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Tiếp tục tổng kết thực tiễn, xây dựng Luật Ưu đãi người có công với cách mạng. Đồng thời, chủ động phát hiện, đề xuất các chủ trương, giải pháp giải quyết các vướng mắc, phát sinh trong thực hiện chính sách người có công, người tham gia các thời kỳ kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế.
Ba là, thực hiện kịp thời, chu đáo các chế độ, chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng đang công tác trong Quân đội. Cần thực hiện chu đáo các chính sách và hỗ trợ kịp thời đối với người bị thương, hy sinh trong khi làm nhiệm vụ quân sự - quốc phòng; thực hiện đúng, đủ chế độ, chính sách đối với người có công đang tại ngũ. Tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt Quyết định số 4696/QĐ-BQP ngày 05/11/2015 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc thực hiện hỗ trợ đối với thân nhân liệt sĩ đang công tác trong Quân đội; đẩy nhanh tiến độ xác nhận người có công (phần thuộc trách nhiệm của Quân đội). Thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, rút kinh nghiệm công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng; tập trung rà soát, đánh giá thực trạng công tác xác lập hồ sơ, giải quyết tồn đọng về chính sách sau chiến tranh; giải quyết, khắc phục kịp thời việc xác lập hồ sơ thương binh sai sót sau thanh tra, kiểm tra; phổ biến nhân rộng cách làm hay, ý tưởng sáng tạo, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm; phát huy dân chủ, công bằng, công khai, minh bạch. Trên cơ sở đó, đề xuất những kiến nghị, biện pháp thích hợp, huy động sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân và của cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện chế độ, chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.
Bốn là, đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” sâu rộng trong toàn quân, cùng toàn dân chăm sóc chu đáo, thiết thực đời sống thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng. Trước mắt, toàn quân triển khai thực hiện tốt đợt thi đua cao điểm “Uống nước nhớ nguồn, Đền ơn đáp nghĩa” nhân kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ. Trong đó, tập trung hoàn thành tốt Chương trình xây dựng “Nhà tình nghĩa”, “Nhà đồng đội” tặng các đối tượng chính sách; Chương trình “Áo ấm” tặng thương binh, bệnh binh nặng, “Áo lụa tặng Mẹ” dành tặng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Tích cực đóng góp xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa; tổ chức tốt việc thăm hỏi, tặng quà các trung tâm điều dưỡng thương binh, thân nhân liệt sĩ đang công tác trong Quân đội...
Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa phong trào chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng thông qua các chương trình tình nghĩa, huy động nguồn lực từ cộng đồng, xã hội cùng chăm lo các đối tượng chính sách. Tuyên truyền sâu rộng, tôn vinh, khen thưởng xứng đáng các đơn vị, địa phương làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ; những tấm gương thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công tiêu biểu; các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích, đóng góp trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, góp phần tôn vinh, tạo sự lan tỏa, chung tay góp sức của cả cộng đồng trong giữ gìn, phát huy truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Năm là, tăng cường chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt chỉ thị của Bộ Chính trị, quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và chăm lo thực hiện chính sách xã hội đối với đối tượng chính sách người có công trong Quân đội. Các đơn vị, địa phương cần tiếp tục quán triệt thực hiện tốt Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả hoạt động tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành tìm kiếm, quy tập và kết luận, địa bàn có thông tin mộ liệt sĩ tập thể; xác minh, kết luận thông tin mộ liệt sĩ còn thiếu thông tin trong các nghĩa trang liệt sĩ bằng phương pháp thực chứng; hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý về liệt sĩ, mộ liệt sĩ đầy đủ, khoa học, tạo điều kiện để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này trong những năm tiếp theo. Thường xuyên quan tâm công tác giáo dục - đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm cho người có công và con em của các đối tượng chính sách; giúp đỡ và lồng ghép các chính sách xã hội (xoá đói giảm nghèo; hỗ trợ bệnh hiểm nghèo, tâm thần…), chính sách đối với người tham gia kháng chiến. Chăm lo thiết thực, hiệu quả các gia đình chính sách, trong đó, đặc biệt quan tâm các gia đình chính sách có nhiều khó khăn, người có công hiện đang sống cô đơn, không nơi nương tựa, các gia đình chính sách vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ địa cách mạng trước đây… góp phần chăm sóc ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.
Sáu là, xây dựng cơ quan và đội ngũ cán bộ chính sách đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ. Đây là khâu then chốt nhằm nâng cao chất lượng tham mưu, đề xuất và tổ chức thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng. Thường xuyên kiện toàn cơ quan chính sách bảo đảm cân đối, phù hợp theo hướng tinh gọn, chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu trước mắt và lâu dài; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách có đủ phẩm chất, năng lực, đạo đức nghề nghiệp, tận tụy, đoàn kết, sáng tạo, có kiến thức chuyên môn sâu, trải nghiệm thực tiễn; bố trí, sử dụng cán bộ chính sách phải mang tính kế thừa và chuyển tiếp vững chắc. Đồng thời, có chính sách khuyến khích phù hợp để động viên, khích lệ đối với cán bộ chính sách yên tâm phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội trong tình hình mới.
Thực hiện chính sách ưu đãi đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng là thể hiện sâu sắc đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Vì vậy, cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp trong Quân đội cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Cán bộ, chiến sĩ toàn quân nêu cao trách nhiệm tham gia thực hiện tốt phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, nhằm tri ân công ơn to lớn đối với thương binh, các anh hùng liệt sĩ, những người có công với đất nước đã hy sinh xương máu, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
[1] - Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 10, Nxb CTQG, H. 2011, tr.372.
[2] - ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Sđd, tr.148-149.
Số/ký hiệu | Ngày ban hành | Trích yếu |
---|---|---|
194/HD-CS | 18/01/2023 | Hướng dẫn công tác chính sách năm 2023 |
20/QĐ-CT | 05/01/2023 | Phê duyệt Kế hoạch công tác chính sách năm 2023 |
1757/CT-CS | 19/10/2022 | Về việc rà soát, đánh giá thực trạng; đề xuất chủ trương, giải pháp hỗ trợ giải quyết chính sách, ổn định hậu phương cán bộ, QNCN, CCQP, CN&VCQP |
1528/CT-CS | 13/09/2022 | Về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách hậu phương quân đội |
1263/CS-NC | 08/06/2022 | Về việc giải quyết chế độ, chính sách đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công chức quốc phòng, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng trong bàn giao, giải thể các trường cao đẳng nghề do Bộ Quốc phòng quản lý |
Số/ký hiệu | Ngày ban hành | Trích yếu |
---|---|---|
(Dự thảo) Tờ trình, (dự thảo) Thông tư | 11/09/2024 | (Dự thảo) Tờ trình, (dự thảo) Thông tư của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thay thế, bãi bỏ một số quy định, mẫu biểu tại các Thông tư liên tịch của Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính liên quan đến việc kê khai thông tin cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính |
75/2024/NĐ - CP | 30/06/2024 | Điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng |
13/2024/TT-BQP | 18/03/2024 | Sửa đổi, bổ sung một số điều của các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng liên quan đến việc kê khai thông tin cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính. |
82/2023/TT-BQP | 03/11/2023 | Quy định điều chỉnh trợ cấp hằng tháng đối với quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc |
55/2023/NĐ-CP | 21/07/2023 | Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng |
SỐ LƯỢT TRUY CẬP HIỆN TẠI: 654
TỔNG SỐ LƯỢT TRUY CẬP: 21704509