Đồng chí Thượng tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại một số bệnh viện dã chiến, khu cách ly tỉnh Tiền Giang
Sẵn sàng vượt qua khó khăn, vất vả, lực lượng quân đội đã và đang ngày đêm làm nhiệm vụ trên tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xứng danh là “Bộ đội cụ Hồ” thời kỳ mới.
Thời gian qua, tình hình thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, gây nhiều hệ lụy xấu đến kinh tế đất nước và đời sống nhân dân. Đặc biệt là đợt dịch COVID-19 lần thứ tư với biến thể Delta mới. Với tốc độ lây nhiễm rất nhanh, lan rộng trong cộng đồng ở nhiều khu vực, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam, dịch đã gây tổn hại đến sức khỏe và tính mạng nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế. Trước tình hình đó, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã quán triệt nghiêm chỉ đạo của Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống, dịch bệnh COVID-19, kịp thời tham mưu, đề xuất, triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch với tinh thần “chống dịch như chống giặc”; xác định đây là nhiệm vụ chiến đấu hàng đầu trong thời bình hiện nay, bảo đảm trong bất cứ tình huống nào, Quân đội cũng sẵn sàng đi đầu trong phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe, tính mạng và cuộc sống bình yên của nhân dân; đồng thời có nhiều giải pháp bảo đảm chính sách cho lực lượng phòng, chống dịch cũng như gia đình hậu phương quân đội.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Bộ Quốc phòng đã ban hành nhiều văn bản, công điện chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong toàn quân; xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó với các cấp độ, tổ chức thực hiện từ cấp chiến lược xuống cơ sở; dự báo các tình huống phức tạp, xây dựng phương án, biện pháp xử lý tốt nhất với tinh thần sớm hơn, cao hơn một bước. Để chủ động phòng, chống dịch, các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng đã bám sát tình hình dịch bệnh, tham mưu, đề xuất với Đảng, Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng các biện pháp: kiểm soát, ngăn chặn, hạn chế tối đa các nguồn lây nhiễm, nhất là từ nước ngoài; chủ động chuẩn bị tổ chức các khu cách ly tập trung, sẵn sàng ứng phó với cấp độ dịch cao hơn, phạm vi rộng hơn; đánh giá tình hình biên giới, phối hợp với các bộ, ngành liên quan dự báo số lượng người Việt Nam tại các quốc gia và vùng lãnh thổ có dịch về nước; đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch COVID-19 theo phương châm quyết liệt, bình tĩnh, không hoang mang, dao động, định hướng tốt tư tưởng dư luận; kiểm soát không gian mạng, bóc gỡ những thông tin xuyên tạc, phản động hòng chống phá Đảng, Nhà nước, quân đội; đồng thời chủ động nghiên cứu và tham gia sản xuất, cung ứng trang thiết bị y tế, chuẩn bị cơ sở vật chất, lực lượng; phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các cấp, các ngành, cấp ủy, chính quyền và nhân dân cả nước ngăn chặn, khống chế, không để dịch bệnh lan rộng trong cộng đồng.
Thực hiện tốt phương châm “phát hiện sớm, cách ly kịp thời, khoanh vùng dập dịch triệt để, điều trị hiệu quả”, các cơ quan, đơn vị quân đội đã phối hợp với ban chỉ đạo phòng, chống dịch các địa phương nắm chắc diễn biến tình hình để tổ chức các khu cách ly tập trung, tiếp nhận, thu dung, cách ly, tuần tra, kiểm soát, truy vết nguồn lây nhiễm từ các đối tượng trong cộng đồng, phối hợp xử lý các tình huống bất ngờ xảy ra; góp phần giảm gánh nặng và hỗ trợ các địa phương phòng, chống dịch. Nhiều đơn vị đã nhường doanh trại để thành lập khu cách ly, bệnh viện dã chiến, bảo đảm tốt cơ sở vật chất với phương châm “4 tại chỗ”, bố trí và tổ chức lực lượng phục vụ ăn, ở tận tình, chu đáo cho hàng trăm nghìn lượt người dân cách ly; chủ động chỉ đạo các lực lượng biên phòng, hải quân, cảnh sát biển, phối hợp chặt chẽ với các quân khu và các lực lượng có liên quan, duy trì trên 1.900 tổ, chốt biên giới đường bộ, đường biển, đường sông và nội địa, ngày đêm tuần tra, kiểm soát chặt biên giới, khu cách ly, khu phong tỏa, khu điều trị nhằm ngăn chặn, không để F0 xâm nhập vào nội địa lan ra cộng đồng. Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ nhiều tháng liền bám trụ trên các tuyến biên giới trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, sinh hoạt thiếu thốn. Nhiều đồng chí có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, nhưng vẫn xung phong lên tuyến đầu thực hiện nhiệm vụ; thường xuyên bám dân, bám bản, vận động, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; cùng cấp ủy, chính quyền địa phương phòng, chống dịch, ổn định đời sống, giữ vững địa bàn - nơi “phên dậu” của Tổ quốc.
Khi dịch bùng phát ở một số địa phương, Bộ Quốc phòng đã huy động lực lượng, phương tiện, trang bị, hóa chất, sinh phẩm,… tăng cường kịp thời cho các địa phương phòng, chống dịch. Phối hợp hợp chặt chẽ với y tế địa phương thực hiện khử trùng, tiêu tẩy, cách ly, truy vết, xét nghiệm, điều trị, khoanh vùng, dập dịch đạt hiệu quả cao. Khi dịch bùng phát với số lượng ca nhiễm lớn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam, với tinh thần “Bộ đội sẽ chủ động đến với dân, chứ không chờ dân khó khăn phải tìm đến bộ đội”, Bộ Quốc phòng đã kịp thời điều động hàng vạn y, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, quân y các đơn vị, học viên của Học viện Quân y, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, Viện Y học dự phòng Quân đội, Viện Y học Hàng không và các bệnh viện quân y, như bệnh viện 108, 354, 105, 110, 7… cùng hàng trăm tấn trang, thiết bị vật tư y tế hiện đại, thuốc men, hóa chất,… được vận chuyển vào chi viện cho miền Nam. Thành lập Trung tâm điều trị bệnh nhân COVID-19 và 11 bệnh viện dã chiến truyền nhiễm, với tổng quy mô khoảng 6.000 giường, cùng hàng trăm tổ lấy mẫu xét nghiệm, tổ tiêm vắc-xin, tổ quân y cơ động tại cộng đồng,… góp phần điều phối, hỗ trợ, giảm áp lực cho hệ thống y tế địa phương, nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch.
Cùng với việc tăng cường nhân lực, trang thiết bị vật tư y tế, Bộ Quốc phòng chỉ đạo các nhà máy trong quân đội sản xuất hàng vạn bình ô-xy y tế phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19; kịp thời triển khai các kho bảo quản vắc-xin tại các quân khu và Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; điều động hàng nghìn phương tiện vận chuyển vắc-xin đến các địa phương, góp phần đẩy nhanh Chiến dịch tiêm chủng quốc gia phòng, ngừa COVID-19, nhất là tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh khác; đồng thời, lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị nghiên cứu, phối hợp thử nghiệm lâm sàng vắc-xin Nanocovax được sản xuất trong nước bước đầu đạt kết quả tốt, chế tạo thành công bộ sinh phẩm Real-time RT-PCR phát hiện vi-rút Corona chủng mới (SARS-CoV-2) với độ nhạy, đặc hiệu, tính ổn định cao, bảo đảm chất lượng, đạt tiêu chuẩn quốc tế; tăng cường công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm, ngoại giao vắc-xin và sản xuất, cải tiến các trang thiết bị, phương tiện, vật tư, hóa chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống dịch đạt hiệu quả cao, như nước rửa tay, dung dịch phun khử trùng, nước súc miệng; xe khử trùng tầm cao, rô-bốt khử trùng, lò đốt rác, buồng khử khuẩn, quần áo công tác, hệ thống giàn phun lắp đặt trên xe ARS-14, thiết bị khử trùng...
Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng tổ chức gần 5.000 tổ, chốt phòng, chống dịch với sự tham gia của hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ tại các địa bàn có dịch; cùng với các lực lượng tuần tra, kiểm soát giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại các điểm chốt chặn, các vùng cách ly, phong tỏa nơi tâm dịch; tuyên truyền, vận động, giám sát người dân thực hiện nghiêm việc giãn cách. Tham gia điều tiết, phân luồng đưa người lao động, học sinh, sinh viên về quê hoặc về những nơi cách ly theo quy định. Tích cực hỗ trợ nhân dân thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ nông, thủy sản; cung cấp lương thực, thực phẩm, tổ chức các “Gian hàng 0 đồng”, “Cây gạo 0 đồng”, “Cây ATM khẩu trang”, “Phiên chợ nghĩa tình…”. Trực tiếp tiếp tế đưa lương thực, nhu yếu phẩm, thuốc điều trị tới từng nhà dân, không để ai đói, khát và mắc bệnh không được chăm sóc; phát động phong trào hiến máu tình nguyện trong toàn quân để chung tay đẩy lùi dịch COVID-19. Không chỉ được giao trọng trách chăm lo sức khỏe, bảo vệ tính mạng nhân dân, chăm sóc những người mắc Covid-19, quân đội còn được giao trọng trách tiếp nhận, lưu giữ thắp hương và chuyển giao tro cốt của bệnh nhân tử vong vì COVID-19 đến từng gia đình một cách nhanh chóng và trang trọng. Phong trào thi đua đặc biệt đã được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng phát động với chủ đề “Quân đội cùng cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19”, cán bộ, chiến sĩ quân đội đã làm việc không kể ngày đêm, không quản ngại khó khăn, gian khổ, hiểm nguy để bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân, đây không chỉ là bổn phận, trách nhiệm, mà còn xuất phát từ mệnh lệnh trái tim của mỗi cán bộ, chiến sĩ quân đội đối với nhân dân.
Quán triệt và thực hiện các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác chính sách quân đội, hậu phương quân đội, Bộ Quốc phòng đã tích cực, chủ động bám sát thực tiễn, nhiệm vụ của quân đội trong phòng, chống dịch, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Chính phủ ban hành các nghị quyết quy định về chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia phòng, chống dịch COVID-19 kịp thời, hiệu quả(1), như hỗ trợ tiền ăn và bồi dưỡng; chi phí cách ly y tế, khám, chữa bệnh và một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch… Căn cứ vào các nghị quyết của Chính phủ, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện một số chế độ, chính sách đối với lực lượng phòng, chống dịch COVID-19 để thống nhất thực hiện trong toàn quân. Theo đó, các lực lượng trong quân đội tham gia phòng, chống dịch COVID-19 được hưởng một số chế độ phụ cấp chống dịch, bồi dưỡng trực, hỗ trợ tiền ăn, chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt và bồi thường hoặc trợ cấp tai nạn khi làm nhiệm vụ phòng, chống dịch…; tùy theo tính chất từng nhiệm vụ quy định có những mức hỗ trợ khác nhau.
Cùng với đó, Bộ Quốc phòng đã chủ động đề xuất với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét giải quyết chế độ đối với các trường hợp tham gia phòng, chống dịch bị bệnh, bị thương, hy sinh khi thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm; dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân; nghiên cứu đề xuất, giải quyết chế độ bệnh binh, thương binh, liệt sĩ theo quy định về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất Bộ Quốc phòng xem xét thực hiện các chế độ, chính sách khác, như khen thưởng thành tích đột xuất; phong, thăng quân hàm, nâng lương hoặc truy phong, thăng quân hàm,… trước thời hạn; hỗ trợ vật chất, tinh thần, việc làm đối với vợ (hoặc chồng), con đẻ, con nuôi hợp pháp đối với các trường hợp hy sinh trong phòng, chống dịch. Kịp thời chỉ đạo cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể địa phương nơi đóng quân tổ chức nhiều hoạt động thăm hỏi, động viên đối với các đơn vị, cá nhân, cán bộ, chiến sĩ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch; thực hiện hỗ trợ các gia đình quân nhân đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Có thể nói, đây là một chủ trương, chính sách đúng đắn, kịp thời của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, thực hiện theo đúng quan điểm của Đảng và Nhà nước về công tác chính sách quân đội và hậu phương quân đội nhằm ghi nhận những công lao đóng góp và động viên tinh thần đối với cán bộ, chiến sĩ, lực lượng làm nhiệm vụ ở tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19, tạo động lực để yên tâm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Với mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết; tiếp tục phát huy vai trò quân đội và bảo đảm thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với các lực lượng tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19, yêu cầu lãnh đạo, chỉ huy các cấp, các ngành trong toàn quân thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phòng, chống dịch COVID-19.
Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ về nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19. Qua đó, nâng cao nhận thức của cán bộ, chiến sĩ về tính chất nguy hiểm, tác hại và ảnh hưởng của đại dịch đối với sức khỏe, cuộc sống của người dân, sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và nhiệm vụ quân sự, quốc phòng nói riêng; không chủ quan, song cũng không hoang mang, lo lắng. Xác định rõ nhiệm vụ phòng, chống dịch là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm hiện nay, phải “coi nhiệm vụ chống dịch là nhiệm vụ chiến đấu” trong thời bình. Dù tình huống nào, quân đội cũng luôn xung kích, đi đầu, là chỗ dựa vững chắc của Ðảng, Nhà nước và nhân dân. Giáo dục cho bộ đội phát huy bản chất, truyền thống vẻ vang và phẩm chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, tình cảm quân dân cá - nước, truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái của dân tộc, khắc phục khó khăn, gian khổ, nguy cơ lây nhiễm, thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Ðồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt các quy định phòng, chống dịch bệnh. Chú trọng tuyên truyền để mọi tầng lớp nhân dân, nhất là cán bộ, chiến sĩ thấy rõ chế độ, chính sách ưu việt của Nhà nước đối với những người mắc bệnh COVID-19 và lực lượng trực tiếp tham gia phòng, chống dịch, nhằm phát huy sức mạnh toàn dân tộc trong ngăn chặn, đẩy lùi dịch COVID-19.
Hai là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, chuẩn bị tốt nhân lực, vật tư, trang thiết bị sẵn sàng ứng phó các tình huống theo từng cấp độ dịch.
Các cơ quan, đơn vị quân đội tiếp tục chuẩn bị tốt về lực lượng, phương tiện, cơ sở vật chất, thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư y tế. Rà soát, kiểm tra doanh trại để tiếp tục củng cố, bổ sung thêm các điểm cách ly mới, sẵn sàng tiếp nhận, tránh để xảy ra quá tải cục bộ, gây nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng. Thực hiện tốt kiểm soát biên giới, ngăn chặn các hoạt động xâm nhập trái phép. Bảo đảm phương tiện phòng hộ, quân trang, điều kiện sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe cho lực lượng làm nhiệm vụ tại các điểm chốt chặn. Phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành và địa phương dự kiến các tình huống sẵn sàng ứng phó với các cấp độ cao hơn khi dịch bệnh bùng phát nhanh, bảo đảm vừa phòng, chống dịch tốt, vừa thực hiện tốt các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.
Ba là, phát huy sức mạnh cả hệ thống chính trị, huy động các nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành, lực lượng, địa phương và hợp tác quốc tế trong phòng, chống dịch bệnh.
Hiện nay, nhiệm vụ phòng, chống dịch đặt lên hàng đầu, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các lực lượng y tế, công an, các cấp, các ngành, chính quyền và nhân dân, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp phòng, chống dịch vừa bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân, vừa giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên từng địa bàn và cả nước. Phát huy vai trò của các cơ quan chức năng và lực lượng nòng cốt đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị lợi dụng dịch bệnh để chống phá Đảng, Nhà nước, quân đội. Chống tư tưởng chủ quan, thỏa mãn, lơ là, giản đơn hoặc thiếu trách nhiệm để xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Tăng cường hợp tác quốc tế, ngoại giao vắc-xin, tiếp tục nghiên cứu mầm bệnh, đưa ra các phác đồ điều trị; đẩy mạnh rút ngắn thời gian nghiên cứu, sản xuất vắc-xin và thuốc điều trị bệnh COVID-19, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân, nhất là lực lượng ở tuyến đầu phòng, chống dịch.
Bốn là, bám sát tình hình thực tiễn, chú trọng nghiên cứu, đề xuất, bảo đảm kịp thời, thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với các lực lượng tham gia phòng, chống dịch.
Các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng cần chủ động phối hợp với các ban, bộ, ngành liên quan nghiên cứu, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế hoạt động trong lĩnh vực ứng phó thiên tai, dịch bệnh. Trong đó, chú trọng đối với các lực lượng làm nhiệm vụ tuyến đầu phòng, chống dịch. Quá trình nghiên cứu, đề xuất các chế độ, chính sách phải thể hiện được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, phù hợp với đặc điểm nhiệm vụ, tính chất hoạt động của lực lượng tham gia phòng, chống dịch; cân đối với các đối tượng khác có liên quan để bảo đảm công bằng, nhằm đáp ứng một phần nhu cầu và động viên các lực lượng tham gia cả trước, trong và sau khi thực hiện nhiệm vụ. Thực hiện tốt việc hướng dẫn, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện chặt chẽ, chu đáo, bảo đảm cho các đối tượng yên tâm thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, chủ động xử lý, khắc phục các trường hợp làm sót, làm sai chế độ, chính sách và những yếu kém trong tổ chức thực hiện.
Năm là, chú trọng làm tốt hơn nữa công tác chính sách quân đội, hậu phương quân đội đối với các lực lượng tham gia phòng, chống dịch, nhất là những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn.
Kịp thời động viên, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ đang ở tuyến đầu chống dịch, đồng thời hết sức quan tâm, chăm lo đời sống hậu phương quân đội để cán bộ, chiến sĩ thật sự yên tâm, dành hết tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm tham gia phòng, chống dịch... Kết hợp chặt chẽ giữa công tác tư tưởng, công tác chính sách và chăm lo hậu phương quân đội một cách nhuần nhuyễn; phát huy sức mạnh của các lực lượng, nhất là sự phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị quân đội với cấp ủy, chính quyền địa phương nơi gia đình quân nhân sinh sống để nâng cao chất lượng các mặt công tác. Kịp thời đề xuất giải quyết các vấn đề vướng mắc phát sinh, tình huống phức tạp có thể xảy ra, bảo đảm cho những người được cử đi và gia đình họ yên tâm, thực hiện tốt nhất nhiệm vụ được giao trong thời gian làm nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19.
Sáu là, tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trong quân đội; thực hiện tốt việc rút kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến.
Thực hiện nghiêm mệnh lệnh phòng dịch, không để lây lan vào các cơ quan, đơn vị. Tăng cường tuyên truyền cho bộ đội không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch; đặc biệt là quy định “5K” của Bộ Y tế. Bảo đảm chăm lo tốt đời sống, sức khỏe bộ đội, giữ vững tỷ lệ quân số khỏe để học tập, công tác và sẵn sàng chiến đấu theo quy định. Triển khai kế hoạch tiêm vắc-xin trong toàn quân đúng tiến độ và an toàn cao nhất, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị tốt nguồn nhân lực, vật tư, y tế, trang thiết bị sẵn sàng ứng phó với các tình huống xảy ra. Đẩy mạnh thực hiện tốt công tác chính sách, động viên, thi đua khen thưởng gắn với thực hiện phong trào thi đua đặc biệt “Quân đội cùng cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19” do Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng phát động; thực hiện sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, khen thưởng đối với cán bộ, chiến sĩ ở cơ sở, nơi trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch. Khen thưởng phải tiến hành kịp thời ở nhiều cấp, lĩnh vực hoạt động; chú trọng khen thưởng đột xuất đối với tập thể, cá nhân lập thành tích xuất sắc. Qua đó, xây dựng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, tạo thành cao trào hành động cách mạng mạnh mẽ, động viên, khích lệ cán bộ, chiến sĩ thi đua phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ; nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu cao.
Những đóng góp quan trọng của Quân đội nhân dân Việt Nam trong phòng, chống dịch thời gian qua được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các địa phương và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Quân đội đã bám sát thực tiễn tình hình dịch, bệnh “vì nhân dân quên mình”, “vì nhân dân phục vụ”, quan tâm kịp thời, thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19, nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm hoàn thành trọng trách được giao để bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng nhân dân, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, tô thắm bản chất cách mạng, truyền thống vẻ vang “Bộ đội Cụ Hồ” của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng trong thời kỳ mới./.
(1) Nghị quyết số 37/NQ-CP, ngày 29/3/2020, của Chính phủ Về một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19; Nghị quyết số 16/NQ-CP, ngày 8/02/2021, của Chính phủ Về chi phí cách ly y tế, khám, chữa bệnh và một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19; Nghị quyết số 17/NQ-CP, ngày 09/02/2021, của Chính phủ Về chi hỗ trợ tiền ăn và bồi dưỡng chống dịch COVID-19 trong 05 ngày Tết Nguyên Đán Tân Sửu 2021.
Số/ký hiệu | Ngày ban hành | Trích yếu |
---|---|---|
194/HD-CS | 18/01/2023 | Hướng dẫn công tác chính sách năm 2023 |
20/QĐ-CT | 05/01/2023 | Phê duyệt Kế hoạch công tác chính sách năm 2023 |
1757/CT-CS | 19/10/2022 | Về việc rà soát, đánh giá thực trạng; đề xuất chủ trương, giải pháp hỗ trợ giải quyết chính sách, ổn định hậu phương cán bộ, QNCN, CCQP, CN&VCQP |
1528/CT-CS | 13/09/2022 | Về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách hậu phương quân đội |
1263/CS-NC | 08/06/2022 | Về việc giải quyết chế độ, chính sách đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công chức quốc phòng, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng trong bàn giao, giải thể các trường cao đẳng nghề do Bộ Quốc phòng quản lý |
Số/ký hiệu | Ngày ban hành | Trích yếu |
---|---|---|
(Dự thảo) Tờ trình, (dự thảo) Thông tư | 11/09/2024 | (Dự thảo) Tờ trình, (dự thảo) Thông tư của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thay thế, bãi bỏ một số quy định, mẫu biểu tại các Thông tư liên tịch của Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính liên quan đến việc kê khai thông tin cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính |
75/2024/NĐ - CP | 30/06/2024 | Điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng |
13/2024/TT-BQP | 18/03/2024 | Sửa đổi, bổ sung một số điều của các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng liên quan đến việc kê khai thông tin cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính. |
82/2023/TT-BQP | 03/11/2023 | Quy định điều chỉnh trợ cấp hằng tháng đối với quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc |
55/2023/NĐ-CP | 21/07/2023 | Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng |
SỐ LƯỢT TRUY CẬP HIỆN TẠI: 438
TỔNG SỐ LƯỢT TRUY CẬP: 20691643