Đoàn công tác Bộ Quốc phòng Việt Nam trong chuyến công tác nghiên cứu, khảo sát chế độ, chính sách và công tác bảo đảm cho lực lượng gìn giữ hoà bình của Việt Nam tại LHQ, kiểm tra nơi làm việc của Sĩ quan Việt Nam đang làm nhiệm vụ ở Phái bộ MINUSCA (Cộng hòa Trung Phi). (Bài đăng Tạp chí QPTD, số ra tháng 6/2016)
Tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc là một nhiệm vụ mới, có ý nghĩa chính trị, xã hội, ngoại giao sâu sắc. Để thực hiện được nhiệm vụ này, đòi hỏi phải có những giải pháp tích cực, đồng bộ cả về lực lượng, trang bị, tổ chức, đào tạo, huấn luyện; công tác tư tưởng, tổ chức và công tác chính sách. Trong đó, việc nghiên cứu, đề xuất và thực hiện tốt chế độ, chính sách có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Hoạt động gìn giữ hòa bình là sự phối hợp đa dạng các hoạt động, từ lĩnh vực dân sự đến lĩnh vực quân sự của các nước, các tổ chức quốc tế (cao nhất là Liên hợp quốc), khu vực trên phạm vi toàn thế giới, dưới sự chỉ huy của Liên hợp quốc nhằm kiến tạo hòa bình ở những nơi có xung đột, giải quyết tranh chấp, bất đồng giữa các bên xung đột thông qua biện pháp hòa bình. Lực lượng gìn giữ hòa bình chỉ được triển khai ở một nước khi các bên tham chiến đã cam kết và thiết lập lệnh ngừng bắn; với nhiệm vụ chủ yếu là theo dõi sự rút quân, giải giáp vũ khí, vãn hồi hòa bình, tiến hành bầu cử và hỗ trợ tái thiết. Với nhiệm vụ trên, thành phần lực lượng tham gia của các nước có thể là dân sự, cảnh sát, quân nhân. Hình thức tham gia có thể là cá nhân đơn lẻ làm nhiệm vụ ở các phái bộ của Liên hợp quốc tại các nước, tại các cơ quan gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, hoặc có thể theo hình thức đơn vị làm nhiệm vụ giám sát, bảo vệ an ninh, hoặc làm nhiệm vụ hỗ trợ tái thiết, xây dựng đường sá, công trình (cấp trung đội, đại đội đến trung đoàn, lữ đoàn bộ binh, công binh,...); hoặc phục vụ trực tiếp phái bộ theo hình thức các đơn vị quân y (đội quân y cơ động, bệnh viện dã chiến cấp 1, 2, 3,...). Nhìn chung, việc cử lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình được triển khai với quy trình rất công phu; phải có sự đồng thuận của nước có yêu cầu, của Liên hợp quốc và nước gửi quân. Với các mục tiêu khác nhau, trong đó có mục tiêu gia tăng ảnh hưởng trong quan hệ quốc tế cả trước mắt và lâu dài, nhiều nước trên thế giới rất chủ động chuẩn bị lực lượng, tham gia gìn giữ hòa bình với nhiều mô hình, tại nhiều nơi khác nhau. Do vậy, việc đưa được lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình dưới sự chỉ huy của Liên hợp quốc cũng mang tính cạnh tranh rất cao, cả về những cơ hội xuất hiện nhu cầu trên thực tế và việc chuẩn bị lực lượng của mỗi nước gửi quân.
Đoàn cán bộ Bộ Quốc phòng Việt Nam trong chuyến công tác nghiên cứu, khảo sát chế độ, chính sách
và công tác bảo đảm cho lực lượng gìn giữ hoà bình của Việt Nam tại LHQ chụp ảnh với ông Edmond Mullet, Trợ lý
Tổng Thư ký LHQ và Thiếu tướng Ma Sood, Cố vấn Quân sự cấp cao của LHQ
Về lĩnh vực này, chủ trương nhất quán của Nhà nước ta là tham gia với tinh thần chủ động, tích cực, thận trọng; chủ yếu là lĩnh vực tham mưu, công tác bảo đảm (quân y, công binh) và dưới sự chỉ huy của Liên hợp quốc. Những năm qua, Việt Nam đã cử 10 sĩ quan tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình tại Phái bộ Nam Xu Đăng và Cộng hòa Trung Phi, theo hình thức cá nhân (sĩ quan tham mưu). Các sĩ quan được cử đi theo lệnh của Chủ tịch Nước và quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, được lãnh đạo các phái bộ và Liên hợp quốc đánh giá cao. Hiện nay, Bộ Quốc phòng đang tổ chức lực lượng tham gia dưới hình thức bệnh viện dã chiến cấp 2, đại đội công binh, sẵn sàng đi làm nhiệm vụ khi có thư mời của Liên hợp quốc và khi có đủ các điều kiện sẽ phát triển các hình thức khác, cao hơn.
Cùng với quá trình tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, chúng ta đã triển khai nghiên cứu, đề xuất và bước đầu thực hiện chính sách cho lực lượng này một cách phù hợp. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch nghiên cứu; tổ chức các đoàn công tác, đối thoại trực tiếp với lực lượng được điều động sẵn sàng đi làm nhiệm vụ; nghiên cứu về chế độ, chính sách và công tác bảo đảm đối với lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại các Phái bộ (Nam Xu Đăng, Cộng hòa Mali, Cộng hòa Trung Phi, Trụ sở Liên hợp quốc tại New York - Hoa Kỳ); trao đổi kinh nghiệm ban hành và thực hiện chính sách của một số nước gửi quân, v.v.
Thiếu
tướng Trần Văn Minh, Cục trưởng Cục Chính sách - Trưởng đoàn công tác Bộ Quốc
phòng Việt Nam
trong chuyến công tác nghiên cứu, khảo sát chế độ, chính sách và
công tác bảo đảm cho lực lượng gìn giữ hoà bình
của Việt Nam, tặng quà
ông Atul Khare Phó Tổng Thư ký LHQ
Xuất phát từ yêu cầu chung và kinh nghiệm được rút ra từ quá trình nghiên cứu chính sách, để bảo đảm tốt nhất chế độ, chính sách cho lực lượng được cử đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình cả trước mắt và lâu dài, trong quá trình nghiên cứu đề xuất và thực hiện chính sách, cần thực hiện tốt một số định hướng cơ bản sau:
Một là, chế độ, chính sách phải thể hiện được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với lực lượng mới, làm nhiệm vụ có tính chất đặc biệt. Cử lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc là một chủ trương hoàn toàn đúng và mới của Nhà nước ta; là việc thực hiện một nhiệm vụ có tính quốc tế trong bối cảnh mới. Lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình (cả hình thức cá nhân và đơn vị) có trách nhiệm rất lớn lao, thực hiện nhiệm vụ chính trị do Nhà nước và Quân đội giao, là người (tổ chức) đại diện cho đất nước ta, Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, yêu chuộng hòa bình tại nước được cử đến. Mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các chủ thể tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình tác động đến sự nhìn nhận, đánh giá của các tổ chức quốc tế, các nước và Liên hợp quốc không chỉ đối với cá nhân, tổ chức tham gia mà còn đối với hình ảnh của đất nước và Quân đội nhân dân Việt Nam. Để hoàn thành tốt trọng trách ấy, lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc phải có phẩm chất, năng lực hoạt động trong môi trường đa quốc gia, độc lập xử lý các vấn đề thuộc chức trách, nhiệm vụ được phân công. Yêu cầu đó đặt ra cần phải làm tốt công tác tuyển chọn nhân sự, huấn luyện, đào tạo; phải chuẩn bị tốt cả về tư tưởng, tổ chức, chính sách và cần phải có hình thức đãi ngộ phù hợp, tạo cho họ thấy rõ hơn trách nhiệm cống hiến, tự hào khi được tin tưởng giao nhiệm vụ. Chính sách phải góp phần tạo động lực cho họ yên tâm và tự tin hoàn thành nhiệm vụ của đất nước và Quân đội giao cho.
Hai là, chế độ, chính sách được ban hành phải phù hợp với đặc điểm nhiệm vụ, tính chất hoạt động của lực lượng nước ta tham gia gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; cân đối với các đối tượng khác có liên quan, bảo đảm công bằng giữa các thành phần phục vụ trong thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Yêu cầu đối với lực lượng được cử đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình đòi hỏi rất cao và toàn diện. Đối với các trường hợp làm nhiệm vụ theo hình thức cá nhân, phải giỏi về chuyên môn, ngoại ngữ, tính độc lập cao, chủ động hòa nhập. Với trường hợp làm nhiệm vụ theo hình thức đơn vị, phải nắm vững chuyên môn, biết ngoại ngữ, có sức khỏe tốt và có tinh thần chịu đựng khó khăn, gian khổ; dám chấp nhận khó khăn, nguy hiểm, hy sinh quyền lợi cá nhân, tình cảm gia đình, v.v. Nhìn chung, lực lượng được cử đi làm nhiệm vụ phải hoạt động độc lập, xa Tổ quốc dài ngày, thiếu sự chỉ đạo và chi viện kịp thời của trên; môi trường an ninh chính trị phức tạp, tiềm ẩn nguy hiểm, căng thẳng, luôn có sự tiếp cận, tác động lôi kéo của các lực lượng chính trị, quân sự bên ngoài, tính rủi ro cao. Hơn nữa, địa bàn hoạt động, khí hậu, phong tục, tập quán rất đa dạng, khắc nghiệt, rủi ro về bệnh tật; bất đồng về ngôn ngữ; điều kiện kinh tế - xã hội của nước được cử đến còn lạc hậu; đời sống sinh hoạt hết sức khó khăn. Lực lượng làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc vừa có những yếu tố tương đồng với đối tượng làm nhiệm vụ ở điều kiện, địa bàn đặc biệt khó khăn, gian khổ (biên giới, biển đảo) và làm nhiệm vụ ở nước ngoài (lực lượng làm nhiệm vụ C, cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài); song lại có yêu cầu đặc biệt, với những đòi hỏi cao hơn, phức tạp, khó khăn hơn nên cần phải có chính sách tương xứng. Những năm qua, để kịp thời bảo đảm và động viên cán bộ được cử đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, Bộ Quốc phòng đã vận dụng thực hiện một số chế độ, chính sách. Tuy nhiên, các chế độ, chính sách còn chưa toàn diện, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển mới về tổ chức, lực lượng sẽ tham gia. Tình hình đó đòi hỏi phải ban hành chính sách mới, thể hiện đầy đủ hơn sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, bù đắp và tạo động lực cho lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc thực hiện nhiệm vụ. Mặt khác, lực lượng được cử đi trong thời gian tới cũng có thành phần đa dạng hơn (cá nhân làm nhiệm vụ tham mưu; trong lực lượng công binh, quân y,...); trong mỗi tổ chức cũng có nhiều thành phần phục vụ (chỉ huy, chuyên môn kỹ thuật,...). Vì vậy, chính sách được ban hành phải bảo đảm công bằng, cân đối giữa các lực lượng nhằm tạo sự đoàn kết, thống nhất, cùng chia sẻ lẫn nhau, phấn đấu hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao.
Ba là, chế độ, chính sách ban hành phải đáp ứng yêu cầu và động viên các lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, cả trước, trong và sau khi thực hiện nhiệm vụ. Để phù hợp với yêu cầu và quy định của Liên hợp quốc, trước khi đi làm nhiệm vụ, nhất là từ khi Liên hợp quốc chính thức có thư mời tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình (thời gian tối đa là 90 ngày), nhân sự cụ thể đi làm nhiệm vụ được xác định, yêu cầu huấn luyện với cường độ rất cao, tính chất phức tạp hơn, cả về chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ và luật pháp quốc tế. Ngoài các chế độ, chính sách hiện hưởng, cần hỗ trợ thêm tiền ăn, phụ cấp lương, quy định thêm khoản trợ cấp lần đầu (tương đương với chế độ, chính sách áp dụng đối với người trước khi đi làm nhiệm vụ ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trong nước hiện nay) để họ chuẩn bị điều kiện cần thiết cho gia đình và bản thân trước khi lên đường làm nhiệm vụ mới. Đồng thời, coi trọng bảo đảm cho các tổ chức được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ huấn luyện về vật chất, hậu cần, hoạt động công tác đảng, công tác chính trị; chi phí đào tạo, huấn luyện, củng cố cơ sở hạ tầng; có chế độ phụ cấp trách nhiệm cho các cá nhân được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ thường xuyên, trực tiếp huấn luyện cho lực lượng nêu trên.
Trong thời gian làm nhiệm vụ, cá nhân được cử đi cần được bảo đảm chế độ, chính sách một cách toàn diện, hợp lý. Theo đó, với cá nhân tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình theo hình thức đơn lẻ, ngoài việc được hưởng tiền lương theo quy định hiện hành và mức sinh hoạt phí do Liên hợp quốc trực tiếp chi trả hằng tháng, cần có chế độ hỗ trợ tiếp khách, quan hệ đối ngoại; chi phí điện thoại và đi lại, trang bị máy tính xách tay, điện thoại di động. Đối với các cá nhân đi làm nhiệm vụ theo hình thức đơn vị (bệnh viện dã chiến cấp 2, đại đội công binh,…), nghiên cứu đề xuất theo hướng cùng với được hưởng tiền lương tháng theo quy định, tùy theo chức danh đảm nhiệm và công việc được giao, được hưởng phụ cấp theo tỷ lệ % tính trên mức chi trả bình quân của Liên hợp quốc theo từng địa bàn, từng thời điểm (mức chi trả bình quân của Liên hợp quốc hiện nay là 1.336 USD/người/tháng); được bảo đảm khẩu phần ăn, tiền điện, nước, chi phí khác. Ngoài ra, cá nhân tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc được bảo đảm tiền vé, tiền vận chuyển hàng hóa cá nhân đi, về và chế độ nghỉ phép năm, nghỉ phép đặc biệt; chế độ điều trị khi ốm đau, bị thương, bị tai nạn; chế độ, chính sách khi bị thương, bị bệnh, hy sinh, từ trần và chế độ quy đổi thời gian công tác để tính hưởng trợ cấp một lần, v.v. Đối với tổ chức làm nhiệm vụ tại các phái bộ, cần quy định cụ thể công tác bảo đảm về trang bị, phương tiện, cơ sở vật chất, chi phí cho sinh hoạt tập thể phù hợp đối với từng loại hình đơn vị (đảm bảo nước uống, nước sinh hoạt, điện thắp sáng; quan hệ đối ngoại,…). Sau khi kết thúc nhiệm vụ, cần có chế độ trợ cấp một lần; chế độ ghi nhận hình thức khen thưởng của Liên hợp quốc; chế độ ưu đãi đối với người hưởng lương và hạ sĩ quan, binh sĩ trong việc phân công nhiệm vụ mới.
Bốn là, kết hợp chặt chẽ các nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp để thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và gia đình họ. Các cơ quan chức năng cần chủ động tham mưu cho Bộ Quốc phòng và Nhà nước, nắm vững các quy định của Liên hợp quốc về công tác bảo đảm với hệ thống định mức, tiêu chuẩn hết sức kỹ lưỡng và phức tạp, nhằm khai thác tối đa nguồn kinh phí do Liên hợp quốc chi trả, kết hợp dự toán, đề xuất về bảo đảm của Nhà nước ta để thực hiện chế độ, chính sách. Đồng thời, các cơ quan chức năng, nhất là đơn vị được cử lực lượng tham gia, Trung tâm Gìn giữ hòa bình của Việt Nam chủ động nắm bắt tình hình thực hiện nhiệm vụ, đời sống của cá nhân, tổ chức làm nhiệm vụ tại các phái bộ hoặc các cơ quan gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Từ đó, đề xuất giải quyết các vấn đề chính sách có liên quan; quan tâm chăm lo hậu phương gia đình những người làm nhiệm vụ, nhất là những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt; kịp thời đề xuất giải quyết các vấn đề vướng mắc phát sinh, tình huống phức tạp có thể xảy ra, bảo đảm cho những người được cử đi và gia đình họ yên tâm, thực hiện tốt nhất nhiệm vụ được giao trong thời gian làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Nghiên cứu, đề xuất và thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với lực lượng của Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; động viên, khuyến khích lực lượng, tổ chức tham gia nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm hoàn thành trọng trách được giao là góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại và chủ trương hội nhập quốc tế của Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị (khoá XI) về hội nhập quốc tế và Nghị quyết 806-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng./.
Số/ký hiệu | Ngày ban hành | Trích yếu |
---|---|---|
194/HD-CS | 18/01/2023 | Hướng dẫn công tác chính sách năm 2023 |
20/QĐ-CT | 05/01/2023 | Phê duyệt Kế hoạch công tác chính sách năm 2023 |
1757/CT-CS | 19/10/2022 | Về việc rà soát, đánh giá thực trạng; đề xuất chủ trương, giải pháp hỗ trợ giải quyết chính sách, ổn định hậu phương cán bộ, QNCN, CCQP, CN&VCQP |
1528/CT-CS | 13/09/2022 | Về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách hậu phương quân đội |
1263/CS-NC | 08/06/2022 | Về việc giải quyết chế độ, chính sách đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công chức quốc phòng, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng trong bàn giao, giải thể các trường cao đẳng nghề do Bộ Quốc phòng quản lý |
Số/ký hiệu | Ngày ban hành | Trích yếu |
---|---|---|
(Dự thảo) Tờ trình, (dự thảo) Thông tư | 11/09/2024 | (Dự thảo) Tờ trình, (dự thảo) Thông tư của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thay thế, bãi bỏ một số quy định, mẫu biểu tại các Thông tư liên tịch của Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính liên quan đến việc kê khai thông tin cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính |
75/2024/NĐ - CP | 30/06/2024 | Điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng |
13/2024/TT-BQP | 18/03/2024 | Sửa đổi, bổ sung một số điều của các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng liên quan đến việc kê khai thông tin cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính. |
82/2023/TT-BQP | 03/11/2023 | Quy định điều chỉnh trợ cấp hằng tháng đối với quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc |
55/2023/NĐ-CP | 21/07/2023 | Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng |
SỐ LƯỢT TRUY CẬP HIỆN TẠI: 328
TỔNG SỐ LƯỢT TRUY CẬP: 21732867